Thanh Tâm đã từng được nghe tâm sự của một người mẹ có con trai muộn lấy vợ. Không phải tâm sự qua đường dây tổng đài tư vấn của Thanh Tâm, mà là tâm sự của một người bạn thân thiết.
Con trai của chị khi ấy đã 39 tuổi. Chị nói suốt nhiều năm ròng nỗi buồn về việc con trai muộn đường vợ con đã chi phối mọi suy nghĩ, hành động thường ngày của chị. Vì đi đến đâu chị cũng được mọi người “quan tâm” hỏi xem con trai chị đã xây dựng gia đình chưa? Được mấy cháu rồi? Và khi biết sự thực con trai chị vẫn chưa yên bề gia thất thì hầu như ai cũng tỏ vẻ ái ngại, thương cảm cho chị.
Con trai của chị khi ấy đã 39 tuổi. Chị nói suốt nhiều năm ròng nỗi buồn về việc con trai muộn đường vợ con đã chi phối mọi suy nghĩ, hành động thường ngày của chị. Vì đi đến đâu chị cũng được mọi người “quan tâm” hỏi xem con trai chị đã xây dựng gia đình chưa? Được mấy cháu rồi? Và khi biết sự thực con trai chị vẫn chưa yên bề gia thất thì hầu như ai cũng tỏ vẻ ái ngại, thương cảm cho chị.
Nhắc nhở không được người mẹ chuyển sang giải quyết vấn đề tâm linh để giúp con chống ế (Ảnh minh hoạ)
Trách cứ, giận hờn cũng có; La mắng, phát ốm phát bệnh cũng có; Khóc lóc van xin cũng có; Doạ từ, doạ đuổi ra ngoài cũng có…Chị nói đúng là “có bệnh thì vái tứ phương”. Bạn bè người thân ai mách thầy hay, cô đồng giỏi ở đâu chị đều tìm đến. Hết xin quẻ, lại nhờ thầy cắt tiền duyên, lại đến chọn người xông nhà xông đất năm mới…Rồi chẳng biết từ đâu cứ lan truyền “tin vịt”, rằng chắc con trai chị có vấn đề về khả năng đàn ông? Chắc con trai chị thuộc “giới tính thứ ba”? Chị khóc tức tưởi khi thổ lộ với Thanh Tâm về gia cảnh: chồng chị mất sớm, con trai chị là con duy nhất. Lỡ nó “có vấn đề” thật thì chị biết làm sao? Không chịu nổi ánh mắt buồn rầu đến tuyệt vọng của ông bà nội cháu, chị trốn cả việc về quê…Khi ấy Thanh Tâm cũng chỉ biết nắm chặt lấy bàn tay chị mà vỗ về: Đừng quá nghĩ ngợi rồi thành nghĩ quẩn, sinh ốm sinh đau thì khổ mình, khổ con. ThanhTâm cũng cảnh báo chị bạn chắc chắn con trai chị cũng bị áp lực tâm lý không nhỏ khi nó biết vì nó mà người mẹ đau khổ, buồn rầu đến thế này. Thay vì buồn rầu đau khổ và dồn ép con, chị thử gần gũi tâm sự với con xem điều gì khiến con ngại lấy vợ như thế? Thanh Tâm đã an ủi người mẹ: Phải chăng vì ở nước mình thanh niên kết hôn sớm nên với con trai chị mới trở thành cá biệt? Còn ở nước ngoài, đàn ông 35, 37 mới kết hôn là chuyện đương nhiên. Thậm chí 40, ngoài bốn mươi tuổi mới kết hôn cũng là chuyện quá bình thường. Vì họ muốn kéo dài thời gian được tự do tận hưởng của tuổi trẻ; Vì họ muốn thật sự trưởng thành để có đủ trình độ nhận thức trong việc làm chồng làm cha; Vì họ muốn có một điều kiện vật chất tương đối tốt để lo cho gia đình…Và đúng là bước vào tuổi bốn mươi, con trai chị bạn của Thanh Tâm mới yên bề gia thất. Cô vợ cũng đã 32 tuổi, quá mải mê sự nghiệp nên cũng thuộc diện “ế”. Họ sinh liền 4 năm hai nhóc một trai một gái. Giờ thì chị bạn Thanh Tâm lại than chẳng còn thời gian đâu mà bù khú bạn bè vì phải chăm lo cho cháu. Đúng là đằng nào cũng than được! Thanh tâm thường “mắng yêu” chị ấy như vậy…
Còn dưới đây là tâm sự của một chàng trai đã gọi đến tổng đài cho Thanh Tâm. Cậu nói rất chán nản, mệt mỏi và cảm thấy bất lực vì việc cả gia đình hai bên nội ngoại đang làm “tổng chiến dịch” ép cậu phải lấy vợ trong năm nay. Cậu nói có lẽ sắp tới cậu sẽ ra ngoài thuê căn hộ ở riêng, nếu không sẽ chẳng làm ăn được gì với “tình hình chiến sự” ở nhà cậu như hiện nay. Khi Thanh Tâm hỏi vậy thì lý do nào khiến cậu trở thành cá biệt, 37 tuổi vẫn chưa lấy vợ, để bị “thập diện mai phục”, “tứ bề giáp công” ở gia đình như hiện nay? Chàng trai trả lời không cần suy nghĩ, hoặc như đã suy nghĩ về việc này quá kỹ lưỡng rồi? Rằng vì cậu chưa thực sự tìm được người khiến cậu muốn kết hôn. Rằng cậu nhìn vào cuộc sống hôn nhân của nhiều bạn bè mà nản, mà ái ngại, nên chưa muốn lấy vợ…Rồi cậu kể chỉ riêng lớp chuyên thời phổ thông trung học của cậu đã có tới tám đôi vợ chồng chia tay. Lớp đại học cũng tương tự, đấy là chưa kể nhiều bạn đi về các tỉnh công tác mà cậu không có được thông tin từ họ. Cậu nói, cứ mỗi lần nghe tin bạn này bạn kia vừa ly hôn thì cậu lại tự nhủ: May mà mình chưa kết hôn. Rồi thời gian nhanh tựa thoi đưa, vèo cái một năm lại qua đi. Và cậu đã trở thành đứa con bất trị, thậm chí bất hiếu như có lúc bố cậu đã mắng cậu…
Thanh Tâm đã khuyên chàng trai đừng nên lo lắng thái quá, thiên về suy nghĩ tiêu cực khi nhìn vào việc đổ vỡ hôn nhân của bạn bè mà né tránh không muốn kết hôn. Còn việc khi con trai con gái vẫn chưa tìm ra một trái tim có cùng một nhịp đập để khao khát được gắn kết thì các bậc làm cha làm mẹ cũng nên chia sẻ và cảm thông, bình tĩnh chờ đợi cho đến khi con đã chuẩn bị tâm lý thật tốt để bước vào cuộc sống hôn nhân, thay vì o ép con phải lấy vợ, lấy chồng bằng mọi giá… Với người làm cha làm mẹ, gần như chỉ khi con cái trưởng thành, yên bề gia thất thì bố mẹ mới yên tâm là đã lo xong cho con cái. Vậy nên những người làm con cũng nên thấu hiểu nỗi lòng của cha mẹ, đừng quá thờ ơ, vô tâm mà đem đến nỗi muộn phiền cho cha mẹ. Sự hài hoà ấy tưởng như đơn giản nhưng rất cần cả hai phía phải thực sự thấu hiểu, chia sẻ, phải vì nhau…
Chàng trai trẻ cứ mải nhìn hôn nhân qua lăng kính của người khác lâu dần cũng ngại lấy vợ (Ảnh minh hoạ)