Thái độ của bố mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển trí não của con. Ảnh minh họa |
Nhà nghiên cứu người Australia Sarah Wittle đã thực hiện khảo sát với sự tham gia của 188 thanh thiếu niên từ 12 đến 16 tuổi. Kết quả cho thấy: Sự ủng hộ nồng nhiệt của cha mẹ có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển trí não trẻ vị thành niên.
Chính vì vậy, cha mẹ, giáo viên cần phải thay đổi thái độ khi ứng xử với trẻ vị thành niên bởi ở lứa tuổi này, trẻ rất nhạy cảm, yếu đuối, tình cảm không ổn định và luôn có nhu cầu được độc lập.
Có lúc, những đứa trẻ này rất gần gũi, tình cảm với bố mẹ, nhưng nhiều khi, chúng xa lánh và từ chối sự quan tâm của bố mẹ. Không dễ dàng để bố mẹ có thể gần gũi con ở thời điểm này. Nhiều đứa trẻ có những hành vi khiêu khích, làm phiền bố mẹ. Lúc này, bố mẹ không nên phản ứng mạnh với con bởi điều đó sẽ cắt đứt cuộc đối thoại giữa bố mẹ và con cái.
Bố mẹ cần giữ mối quan hệ tốt đẹp với con ở lứa tuổi ương ương. Ảnh minh họa |
Cần phải bình tĩnh để giữ mối quan hệ tốt đẹp với con ở lứa tuổi ẩm ương này. Nếu phá vỡ cuộc đối thoại với con, cha mẹ sẽ đối mặt với nhiều vấn đề của con cái. Thế nên, đồng cảm với con là lựa chọn tốt nhất cho bố mẹ thời điểm này, dù có những quan điểm mà bố mẹ không đồng ý.
Cha mẹ cần tỉnh táo để phát hiện những thay đổi bất thường ở con như rối loạn tiêu hóa, thiếu ngủ, lo âu, stress... Đó có thể là do con thường xuyên giam mình trong phòng, tâm trạng thay đổi thất thường, không ổn định về cảm xúc… Trong hầu hết các trường hợp đây chỉ là cuộc khủng hoảng tâm lý tuổi vị thành niên. Chỉ có 5-15% là bệnh lý.
Cha mẹ cần đặt niềm tin vào con. Tất cả các nghiên cứu cho thấy, sự sỉ nhục bằng lời nói là nguy cơ gây trầm cảm, căng thẳng, lo âu cho con cái.