Công chúa kế vị Thụy Điển thăm Việt Nam thúc đẩy hợp tác kinh doanh

06/05/2019 - 20:26
Trải qua 50 năm, các thế hệ người Việt Nam và Thụy Điển tiếp tục vun đắp mối quan hệ phát triển ngày càng tốt đẹp. Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam, đặc biệt là khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam lên đến trên 3 tỷ USD.
Chiều 6/5, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã tiếp Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree đang thăm chính thức Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
 
chu-tich-quoc-hoi-va-cong-chua-thuy-dien-1.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Désireé

  

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Việt Nam và Thụy Điển có quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Olof Palme đặt nền móng, được nhân dân hai nước dày công vun đắp trong nửa thế kỷ qua. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đối với nhân dân Việt Nam, hình ảnh hàng nghìn người Thụy Điển xuống đường biểu tình chống chiến tranh tại Việt Nam luôn khắc sâu trong tim. Trải qua 50 năm, các thế hệ người Việt Nam và Thụy Điển tiếp tục vun đắp mối quan hệ phát triển ngày càng tốt đẹp.
 
Chủ tịch Quốc hội cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đã dành cho Việt Nam, đặc biệt là khoản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam (lên đến trên 3 tỷ USD). Đặc biệt, Thụy Điển đã giúp Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế trước đây (IMF, WB...), cũng như luôn ủng hộ Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Công chúa kế vị Thụy Điển Victoria Ingrid Alice Desiree vui mừng nhận thấy quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp cũng như ấn tượng về sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay. Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Nhiều thương hiệu nổi tiếng của Thụy Điển rất được người Việt Nam ưa chuộng. Thương mại hai chiều năm 2018 đạt 1,5 tỷ USD. Hiện có 67 dự án Thụy Điển ở Việt Nam với tổng số vốn 364 triệu USD.
 
Tại cuộc tiếp, các thành viên trong Đoàn đã có những trao đổi về một số vấn đề cùng quan tâm; bày tỏ vui mừng trong năm qua có hơn 50.000 du khách Thụy Điển thăm Việt Nam, các công ty Thụy Điển tại Việt Nam tạo khoảng hơn 120.000 việc làm, cho rằng đây là những tín hiệu hết sức tốt đẹp; đồng thời khẳng định Vương quốc Thụy Điển coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam, nước có vị thế quan trọng trong ASEAN.
 
pho-chu-tich-nuoc-va-cong-chua-thuy-dien-2.jpg
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh hội đàm với Công chúa kế vị Thụy Điển

  

Trước đó, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã tiến hành hội đàm với Công chúa kế vị Thụy Điển. Hai bên thống nhất tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa hợp tác đầu tư và kinh doanh, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như công nghiệp, chế biến, công nghiệp phụ trợ, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, y tế, môi trường, xây dựng đô thị thông minh, thông tin-truyền thông. Chuyến thăm lần này của Đoàn có 50 doanh nghiệp, bên cạnh những doanh nghiệp truyền thống còn có doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Với mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước, chuyến thăm còn bàn về chương trình phát triển bền vững mà hai nước cùng quan tâm.
 
Công chúa Victoria Ingrid Alice Desiree sinh năm 1977, là con cả của nhà Vua Thụy Điển Carl XVI Gustaf và Hoàng hậu Silvia. Bà kết hôn năm 2010 và có hai con.
 
cong-chua-thuy-dien.jpg
Công chúa kế vị của Thụy Điển Victoria và Phu quân, Hoàng thân Daniel

 

Công chúa từng học chính trị và lịch sử tại Đại học Yale, Mỹ, sau đó hoàn thành khoá học về giải quyết xung đột và tạo dựng hoà bình quốc tế. Công chúa có thời gian làm việc tại Liên Hợp Quốc năm 2002 và công tác tại Đại sứ quán Thuỵ Điển ở Mỹ năm 1999.
 
Là một trong 17 đại sứ của Nhóm ủng hộ Các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDG), Công chúa Victoria Ingrid Alice Desiree chủ yếu thúc đẩy các vấn đề phát triển bền vững, đại dương và chính sách nghề cá.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm