pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Công sở mát mẻ” giúp Nhật Bản tiết kiệm gấp đôi Hoa Kỳ
Các quan chức Bộ Môi trường Nhật Bản trong trang phục sơ mi ngắn tay hưởng ứng phong trào "Công sở mát mẻ". Ảnh: Kyodo
Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng với văn hóa công sở nghiêm ngặt với những nguyên tắc "bất di bất dịch" tại nơi làm việc. Vậy mà đều đặn hàng năm, từ tháng 5 đến tháng 9, những người làm công ăn lương tại đất nước này gấp gọn những bộ vest tối màu, cởi bỏ cà vạt và những chiếc áo sơ mi công sở thô cứng để đổi sang những trang phục giản dị hơn, như là áo polo ngắn tay và sơ mi vải lanh mát mẻ, thậm chí là chiếc áo sơ mi họa tiết thường thấy trên các bãi biển...
"Công sở mát mẻ" tạo nên diện mạo mới cho văn phòng
Sự thay đổi này là một phần của sáng kiến "Công sở mát mẻ" (Cool Biz) tại Nhật Bản. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1 tháng 5, điều hòa nhiệt độ của các văn phòng sẽ luôn ở mức mức 28 độ C trở lên nhằm giảm thiểu lượng điện được dành cho việc làm lạnh. Mặc dù thời tiết oi nóng của Thủ đô Tokyo vào mùa hè thì mức nhiệt này không mấy dễ chịu. Thế nhưng cách làm này của Nhật Bản đang được nhiều quốc gia học hỏi với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính – yếu tố chính gây ra những đợt nắng nóng kỷ lục và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
"Công sở mát mẻ" chỉ là một trong những sáng kiến tiết kiệm năng lượng và cắt giảm chi phí tại Nhật Bản – một quốc gia nghèo tài nguyên, với gần 90% nhu cầu năng lượng phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Theo Viện Năng lượng Luân Đôn (Anh), các biện pháp này đã giúp giữ mức tiêu thụ năng lượng bình quân đầu người của Nhật Bản ở mức gần bằng một nửa so với Mỹ.
Trái ngược với người Nhật, người Mỹ thường xuyên phản đối những khuyến nghị về nhiệt độ ở nơi làm việc. Trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào thập niên 70, Tổng thống Jimmy Carter đã bị chỉ trích vì yêu cầu nhân viên tại các văn phòng giảm công suất máy sưởi và mặc thêm một lớp áo để giữ ấm. Vào mùa hè, nhiệt độ điều hòa trong các văn phòng ở Mỹ lạnh đến mức nhân viên phải sử dụng máy sưởi và áo len.
Một thắng lợi cho phụ nữ ở nơi làm việc
"Công sở mát mẻ" đặc biệt có ý nghĩa với phụ nữ Nhật Bản, bởi họ thường mặc những bộ đồ mỏng hơn, trái ngược với những bộ vest dày của những người đồng nghiệp nam. Điều này khiến nhiệt độ điều hòa trở nên quá lạnh với họ. Tại Nhật Bản, tỷ lệ phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo vẫn ở mức thấp.
Theo khảo sát của Bộ Môi trường Nhật Bản, hiện hơn 86% nơi làm việc đang thực hiện chương trình "Công sở mát mẻ". Yusuke Inoue, Giám đốc Văn phòng Thúc đẩy lối sống không carbon, cho biết chương trình không bao gồm bất kỳ quy định pháp lý hay hỗ trợ tài chính nào. Chính phủ thay vào đó khuyến khích chính trị gia và lãnh đạo các doanh nghiệp cởi bỏ áo khoác và cà vạt để làm hình mẫu cho nhân viên của mình.
Ông Inoue cho biết, một khi trang phục của các nhân viên trở nên đơn giản hơn, nhiệt độ tại các văn phòng đã dần tăng lên.
Keita Janaha, 34 tuổi, phó giám đốc của một chi nhánh ngân hàng, cho biết: Mặc dù một số đồng nghiệp nam của anh cảm thấy nơi làm việc quá nóng nực, khách hàng của anh vẫn cảm thấy thoái mái.
Một nỗ lực dài hơi
Yuriko Koike, hiện là Thống đốc Tokyo, đã đưa sáng kiến "Công sở mát mẻ" tới các cơ quan chính phủ vào năm 2005 trong thời gian bà làm Bộ trưởng Bộ Môi trường. Sáng kiến là một phần trong nỗ lực thực hiện Nghị định thư Kyoto, một thỏa thuận quốc tế mang tính lịch sử năm 1997 nhằm giảm lượng phát thải khí nhà kính.
Sau một vài chiến dịch thất bại, Chính phủ Nhật Bản đã huy động toàn bộ lực lượng báo chí - truyền thông để thuyết phục những nhân viên công sở rằng từ bỏ áo vest và cà vạt là chấp nhận được, kể cả khi gặp gỡ đối tác.
Junichiro Koizumi, Thủ tướng Nhật Bản khi đó, đã thường xuyên xuất hiện với những bộ trang phục đơn giản, mỏng nhẹ. Nhà chức trách thậm chí đã thuyết phục Kenshi Hirokane, tác giả của một bộ truyện tranh nổi tiếng về những nhân viên công sở, cho các nhân vật của mình mặc áo cộc tay.
W. David Marx, tác giả của cuốn "Ametora: How Japan Saved American Style" (một cuốn sách về văn hóa trang phục của nam giới Nhật Bản) cho biết: Chương trình kể từ đó đã thành công tới mức mở ra xu hướng "bình thường hóa" thời trang mùa hè trên khắp đất nước. Ngoài phiên bản mùa hè, Nhật Bản cũng triển khai "Văn phòng ấm áp" vào mùa đông, khuyến khích các văn phòng giảm công suất của các máy sưởi nhằm tiết kiệm nhiên liệu.
Tuy tiết kiệm năng lượng, nghiên cứu cho thấy, con người trở nên kém năng suất hơn khi nhiệt độ ở trên ngưỡng 25 độ C .Vì vậy vào năm 2021, khi mùa hè ở Nhật Bản ngày càng kéo dài và trở nên khắc nghiệt hơn, "Văn phòng ấm áp" đã không có ngày bắt đầu chính thức, mà các văn phòng có thể tự do lựa chọn thời gian chuyển đổi từ "Công sở mát mẻ" sang "Văn phòng ấm áp". Hầu hết các công sở vẫn tiếp tục chính sách mặc trang phục đơn giản tới tận tháng 9, một số cho tới hết tháng 10.
Các quốc gia khác trên thế giới cũng đã triển khai các chương trình tương tự, với mức độ thành công là khác nhau. Daniel Sánchez García, giáo sư tại Đại học Carlos III tại Madrid, Tây Ban Nha, cho biết người dân ở quốc gia này ít sẵn sàng chịu đựng cái nóng hơn. "Khi Chính phủ đưa ra đề xuất, hầu hết mọi người cho rằng 27 độ là quá cao". Ngay cả ở Nhật Bản, không phải không gian nào cũng có chung một nhiệt độ: các cửa hàng và nhà hàng thường để điều hòa lạnh hơn để đảm bảo sự thoải mái của khách hàng.
Tại một quán cà phê theo phong cách phương Tây ở trung tâm Tokyo, chủ quán - ông Michikazu Takahashi - vẫn chọn mức nhiệt 28 độ C. "Một số khách hàng cảm thấy như vậy là quá nóng. Họ nói điều này không bình thường," ông nói, tay chỉ về phía cửa hàng của mình, nơi có một chú chó Shiba Inu (một giống chó của Nhật) đang nằm thoải mái trên sàn gỗ.
Ông Takahashi không đồng ý với nhận định này khi bình luận: "Nhiệt độ như đóng băng vào một ngày hè nóng bức? Đó mới là điều không bình thường".