Công tác cán bộ nữ: Từ nhận thức đến hành động

Hải Yến - Đình Hưng - Hải Hòa
03/02/2025 - 07:39
Công tác cán bộ nữ: Từ nhận thức đến hành động

Các nữ đại biểu tham dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII - Ảnh: TTXVN

Những bước tiến trong bình đẳng giới đã khẳng định vị thế của phụ nữ Việt Nam trên hành trình xây dựng đất nước. Dẫu còn nhiều thách thức để đạt được các mục tiêu đã đề ra nhưng với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phụ nữ hứa hẹn những bước tiến vượt bậc trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Góc nhìn qua những con số

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, bằng với năm 2023 và tăng 11 bậc so với năm 2022.

Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) đạt trên 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều đạt 29%, cao hơn nhiệm kỳ trước. 

Tuy nhiên, Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) có 3/63 tỉnh, thành phố (4,76%) không có nữ đại biểu (Tây Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế); Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) có 2/63 tỉnh, thành phố (3,2%) không có nữ đại biểu (Hải Phòng và Cà Mau).

Công tác cán bộ nữ: Từ nhận thức đến hành động - Ảnh 1.

Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp tỉnh, huyện và xã năm 2024 (số liệu tổng hợp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tháng 6/2024)

Báo cáo nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam phối hợp với Hội Xã hội học Việt Nam và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện, được công bố tháng 8/2024 cho thấy, đến tháng 6/2024, tính chung toàn quốc, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp tỉnh là 15,96%, ở cấp huyện là 19,63% và cấp xã là 24,77%. 

Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp có sự khác biệt giữa các khu vực và giữa các địa phương. Tỷ lệ này ở khu vực Đông Nam bộ là cao nhất, với 31,8% ở cấp xã, 27,3% ở cấp huyện và 21,3% ở cấp tỉnh. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp xã thấp nhất (chỉ đạt 22,9%). 

Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện thấp nhất (chỉ đạt 16,9%) và khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ này ở cấp tỉnh thấp nhất (chỉ đạt 13,4%).

Chuẩn bị nguồn nhân sự nữ tham gia cấp ủy – Kinh nghiệm từ địa phương

Tại nhiều địa phương, công tác chuẩn bị nguồn nhân sự nữ cho Đại hi Đảng các cấp đã và đang tích cực được triển khai.

Thành lập tổ truyền thông vận động phụ nữ tham chính

Bà Vừ Thị Dính, Bí thư Đảng ủy xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), cho biết, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng cấp cơ sở đang được triển khai ở mọi mặt. Trong đó, công tác nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, có sự đồng thuận cao, đảm bảo đủ tỷ lệ theo yêu cầu. 

Công tác cán bộ nữ: Từ nhận thức đến hành động - Ảnh 2.

Các học viên tham gia lớp tập huấn kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ nữ cấp xã do Hội LHPN tỉnh Hà Giang tổ chức Ảnh: Lê Hải

Theo bà Vừ Thị Dính, để nâng cao tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, cần sự quan tâm của người đứng đầu, có sự chỉ đạo quyết liệt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong tập thể, cần tin tưởng bố trí, tạo điều kiện, giao nhiệm vụ để phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý. Bên cạnh đó, cần rà soát nguồn nhân sự nữ, lựa chọn, sàng lọc để có được cán bộ nữ có trình độ để hỗ trợ, vun đắp phát triển.

Bà Vừ Thị Dính cho biết, định kiến giới vẫn là rào cản chính khiến nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Thài Phìn Tủng còn ngại ngần tham gia công tác xã hội cũng như đảm nhận các vị trí lãnh đạo, quản lý ở cơ sở. Vì vậy, công tác tư tưởng cần được đẩy mạnh. Xã Thài Phìn Tủng đã thành lập các tổ truyền thông để vận động chị em tham gia các hoạt động của chính quyền, đoàn thể.

Rà soát từ sớm, từ xa nguồn cán bộ nữ

Bà Triệu Thị Tình, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hà Giang, cho biết, nhiều năm qua, công tác cán bộ nữ được lãnh đạo tỉnh và các địa phương trong tỉnh rất quan tâm. Trong đó, tỷ lệ nữ tham gia Hội đồng nhân dân 3 cấp cũng như tỷ lệ nữ lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương đều được cấp ủy Đảng quan tâm, tạo điều kiện. 

Khi được tham gia quản lý, chị em đã thể hiện được vai trò, năng lực, trách nhiệm và có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công tác cán bộ nữ: Từ nhận thức đến hành động - Ảnh 3.

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết bằng hệ thống điện tử

Tính đến tháng 11/2024, số cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang là 8/45 đồng chí (17,78%), tham gia Ban Thường vụ Tỉnh uỷ là 3/15 đồng chí (20%); 3 cán bộ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh; 21/160 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ huyện ủy, thành uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025 (13,13%); có 9/103 cán bộ nữ giữ chức danh bí thư, phó bí thư, lãnh đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện (8,73%).

Chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp sắp tới, bà Triệu Thị Tình cho biết, các cấp Hội LHPN tỉnh Hà Giang phát huy vai trò của mình trong việc giới thiệu nhân sự tham gia cấp ủy và Hội đồng nhân dân các cấp theo từng bước, công khai, minh bạch. 

Nhằm phát hiện các nhân tố mới, xuất sắc ở địa phương để giới thiệu cho Đảng, các cấp Hội đã tiến hành rà soát từ sớm, từ xa nguồn cán bộ nữ có chất lượng, được đào tạo bài bản, có năng lực, tự tin, tự trọng. 

Bên cạnh đó, Hội cũng tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao trình độ, năng lực; hỗ trợ chị em vượt qua những rào cản, khó khăn, có thêm động lực để tích cực tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực của mình khi được tham gia quản lý.

Vào ngày 23/10/2024, Hội LHPN tỉnh Hà Giang đã tổ chức buổi đối thoại giữa người đứng đầu Tỉnh ủy Hà Giang với cán bộ, hội viên phụ nữ. Nội dung buổi đối thoại tập trung vào vấn đề đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ; các chính sách hỗ trợ phụ nữ tham gia nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt... 

Tại hội nghị này, Quyền Bí thư tỉnh ủy Hà Giang Nguyễn Mạnh Dũng yêu cầu Ban Tổ chức tỉnh ủy tiếp tục tham mưu các giải pháp thực hiện tốt công tác cán bộ nữ; phấn đấu đảm bảo tỷ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030; phấn đấu đảm bảo nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2026-2031, đặc biệt quan tâm tới cấp xã, phường, thị trấn. 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang chỉ đạo các cơ quan, sở, ngành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho Hội LHPN và phụ nữ trong tỉnh phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả hoạt động; đồng thời yêu cầu Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác cán bộ nữ, bình đẳng giới, đảm bảo tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp theo quy định.

Chủ động phát hiện những nhân tố tiêu biểu

Phường Tân Xuân (thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) là một điển hình trong thực hiện công tác cán bộ nữ. Đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ Đảng ủy phường có 5 đồng chí, trong đó có 1 nữ (chiếm 20%) nhưng đến nay đã tăng 60% so với đầu nhiệm kỳ.

Theo Đảng ủy phường Tân Xuân, thực hiện công tác cán bộ nữ, căn cứ nguồn quy hoạch của địa phương, lãnh đạo phường đặc biệt quan tâm, cử cán bộ nữ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để chuẩn hóa về trình độ lý luận chính trị. 

Ngoài ra, công tác quy hoạch, bố trí cán bộ nữ tham gia cấp ủy, giữ các chức danh chủ chốt được quan tâm. Đây là động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ nữ tích cực rèn luyện, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp trong tỉnh ngày càng tăng. Tính đến tháng 6/2024, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 15 đồng chí, trong đó có 5 nữ. Cấp ủy cấp huyện và tương đương nhiệm kỳ 2020-2025 có 109 đồng chí là nữ (chiếm 16,93%); cấp ủy cơ sở có 794 đồng chí là nữ (chiếm 21,93%). 

Theo ông Nguyễn Hồng Trà, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Phước, công tác cán bộ nữ luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương của tỉnh quan tâm. Trong công tác chuẩn bị nguồn nhân sự nữ, tỉnh Bình Phước đã triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư về "Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới".

Đảng đoàn, Ban Thường vụ Hội LHPN các cấp của tỉnh đã chủ động rà soát, khảo sát tình hình cán bộ nữ chủ chốt, nữ tham gia cấp ủy và các ban, ngành có đông nữ cán bộ, công chức nhằm phát hiện những nhân tố tiêu biểu, tích cực để giới thiệu cho cấp ủy, chính quyền các cấp; số cán bộ, hội viên được giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp tăng qua các năm.

Trau dồi bản thân - hành trình không có điểm cuối

Để có sự thành công, được giao vị trí lãnh đạo, quản lý ở mỗi đơn vị, cán bộ nữ phải trải qua những hành trình nỗ lực, phấn đấu không ngừng, phá bỏ "bức trần kính" từ những rào cản định kiến giới.

Công tác cán bộ nữ: Từ nhận thức đến hành động - Ảnh 4.

Chị Lê Thị Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn

Chị Lê Thị Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), cho biết, trước khi được bổ nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND xã, chị là công chức Tư pháp - hộ tịch của xã, luôn cố gắng nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình công tác, bản thân chị Sáng luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện từ cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như các tổ chức đoàn thể trong xã. 

"Tôi được tạo điều kiện tham gia nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý, các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước... Trong quá trình làm việc, tôi cũng luôn nhận được sự động viên, hỗ trợ từ đồng nghiệp và gia đình. Điều này giúp tôi tự tin hơn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao", Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn Lê Thị Sáng chia sẻ.

Khi mình làm tốt nhiệm vụ, người khác sẽ dần thay đổi cách nhìn. Tôi đã chủ động xây dựng mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và người dân để tạo sự đồng thuận và hỗ trợ trong công việc. Tôi tin rằng phụ nữ không chỉ làm tốt mà còn có thể làm xuất sắc vai trò lãnh đạo nếu họ được trao cơ hội và có sự hỗ trợ từ gia đình, đồng nghiệp”.

Chị Lê Thị Sáng, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước)

Bên cạnh những thuận lợi, chị Sáng từng gặp không ít khó khăn trong việc cân bằng giữa gia đình và công việc. Định kiến giới cũng khiến không ít người vẫn còn quan niệm rằng phụ nữ khó có thể đảm nhận tốt vai trò lãnh đạo, hoặc khó đạt hiệu quả công việc cao như nam giới.

 Để vượt qua định kiến này, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Sơn đã tập trung vào việc hoàn thiện bản thân, luôn nỗ lực học hỏi, tích cực tham gia các lớp bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý; đồng thời không ngừng lắng nghe ý kiến từ đồng nghiệp và người dân.

Chị Lê Thị Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Nam Định), chia sẻ, được rèn luyện trong môi trường của tổ chức chính trị - xã hội đã đem lại cho chị nền tảng, kinh nghiệm thực tế vững vàng. 

Trải qua nhiều vị trí công tác, từ cán bộ Hội LHPN huyện, Đoàn thanh niên, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra của huyện, đến tháng 4/2024, chị đảm nhận chức vụ Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nghĩa Hưng.

Chị Lê Thị Minh chia sẻ, khi công tác tại Hội LHPN huyện Nghĩa Hưng, được tiếp xúc với nhiều tầng lớp phụ nữ ở vùng đất thuần nông này, chị càng có cơ hội được thấu hiểu tâm tư, tình cảm của chị em nông thôn. 

"Qua mỗi năm, đời sống của chị em được nâng lên, phong trào phụ nữ tiến thêm một bước, bản thân tôi cũng trưởng thành hơn rất nhiều. Tôi nhận ra rằng, điều thành công của cán bộ nữ, cán bộ Hội là dù ở vị trí nào cũng vẫn được chị em phụ nữ tin tưởng, chia sẻ với mình", chị Minh chia sẻ.

Trong hành trình phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, các cán bộ nữ đều chuẩn bị cho mình hành trang cần thiết là tri thức và sức khỏe. Có tri thức thì cán bộ nữ mới đủ bản lĩnh, nắm bắt cơ hội, vượt qua được các rào cản. Cuộc sống phát triển không ngừng và việc học là một hành trình không có điểm cuối.

Về giải pháp tăng cường tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp thời gian tới, nhóm nghiên cứu của UNDP Việt Nam, Hội Xã hội học Việt Nam và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đề xuất, cần hoàn thiện các chính sách, quy định ở cấp Trung ương, trong đó cần cân nhắc nâng chỉ tiêu tỷ lệ nữ trong ứng cử viên cấp ủy các cấp và ban hành các quy định mang tính bắt buộc cao hơn đối với việc thực hiện những chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy. Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và có hình thức xử lý đối với việc không thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ nữ. Đặc biệt, cân nhắc điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác cán bộ nữ, như có chính sách linh hoạt về độ tuổi đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ nữ trẻ cũng như cán bộ nữ từ 40 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp gắn với các cấp ủy đảng và người đứng đầu ở địa phương. Nâng cao nhận thức của cấp ủy và người đứng đầu, yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Đảng về việc tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy, đặc biệt là với các cấp ủy có tỷ lệ nữ tham gia thấp. Nghiên cứu và xem xét thành lập Tổ công tác cán bộ nữ do đồng chí Bí thư cấp ủy làm tổ trưởng và thực hiện tổng kết rút kinh nghiệm và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của Tổ công tác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm