pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tạo đột phá tăng tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Luật bình đẳng giới (2006) và Nghị quyết 11- NQ/TW (2007) của Bộ Chính trị "về công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" đều khẳng định tầm quan trọng của bình đẳng giới trong xã hội. Nghị quyết 11- NQ/TW nêu rõ: "Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên".
Cốt lõi của bình đẳng giới tham chính là bình đẳng tham gia vào cơ cấu lãnh đạo của hệ thống đảng, cơ quan dân cử và cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Cơ cấu lãnh đạo trong hệ thống Đảng là cấp ủy Đảng các cấp.
Nhìn vào tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy của 3 khóa gần đây cho thấy tín hiệu đáng mừng là tỷ lệ nữ cấp ủy cấp địa phương đều tăng và tăng nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ cấp ủy của 4 cấp có sự không đồng đều. Điều đó thể hiện qua những con số cụ thể từ biểu đồ sau:
Trong 3 nhiệm kỳ gần đây (2010 - 2015; 2015 - 2020; 2020 - 2025), cán bộ nữ tham gia ban thường vụ, thường trực (bí thư, phó bí thư) của 3 cấp tại địa phương (tỉnh, huyện, xã) cũng có những chuyển biến tích cực, cụ thể:
+ Nữ thường vụ: Tỉnh: 8,14% lên 12,89%; Huyện: 10,22% lên 15,3%; Xã: 9,07% lên 14,46%;
+ Nữ bí thư tỉnh ủy từ dưới 2% tăng lên gần 15%; nữ phó bí thư từ dưới 10% tăng lên gần 23%;
+ Tỷ lệ nữ ủy viên Trung ương Đảng tăng từ 8,62% lên 9,5%.
Những số liệu trên cho thấy, việc thực hiện chỉ tiêu giới có tác động tăng nhanh tỷ lệ nữ tham chính.
Khoảng cách giới tham gia cấp ủy đảng còn khá lớn
Qua 3 khóa thực hiện chỉ tiêu giới tham chính, tỷ lệ nữ ủy viên Trung ương Đảng vẫn thấp, khóa hiện nay chỉ đạt 9,5% (giảm 0,5% so với khóa XII), nữ ủy viên Bộ Chính trị đầu khóa chỉ đạt 5,6% (giảm 11,06% so với khóa XII), hiện tại trong Ban Bí thư không có nữ.
Phân tích tỷ lệ nữ trong cấp ủy tỉnh của 63 tỉnh, thành cho thấy: Có 31/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ nữ ủy viên tỉnh ủy chỉ đạt dưới 15,0% và 32/63 tỉnh, thành có tỷ lệ nữ thường vụ tỉnh ủy đạt dưới 10%, trong đó 3 tỉnh không có nữ thường vụ tỉnh ủy. Ngoài ra, có 43/63 tỉnh, thành không có nữ thường trực tỉnh ủy (nữ bí thư và phó bí thư).
Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng (ở vị trí ủy viên, ủy viên thường vụ, thường trực) các cấp còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của cán bộ nữ.
Điều này không chỉ hạn chế tiếng nói của phụ nữ trong tham gia xây dựng và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đảng các cấp, vì phát triển bền vững của quốc gia, mà còn ảnh hưởng đến sự tham gia của phụ nữ ở vị trí cấp chiến lược và hoạch định chính sách.
Sự tham gia chính trị của phụ nữ chịu tác động của nhiều yếu tố như:
+ Yếu tố chính trị: hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị và sự cam kết trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu.
+ Yếu tố văn hóa xã hội: Nhận thức của xã hội đối với phụ nữ (về vai trò, địa vị và năng lực lãnh đạo).
+ Mạng lưới hỗ trợ phụ nữ: Gia đình, cộng đồng, cơ quan, Hội LHPN, các đoàn thể, tổ chức khác.
+ Sự nỗ lực của bản thân phụ nữ: Giác ngộ về bình đẳng giới, luôn học hỏi, tự tin và vượt khó. Ngoài ra, kinh tế-xã hội phát triển là điều kiện quan trọng, tạo thuận lợi cho phụ nữ tham chính.
Các yếu tố trên có thể tác động tích cực hoặc hạn chế tỷ lệ nữ tham chính, phụ thuộc chủ yếu vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ.
Giải pháp hiện thực hóa mục tiêu giới trong cấp ủy nhiệm kỳ tới
Tiếp tục nâng cao nhận thức của xã hội, trước hết trong hệ thống Đảng và chính quyền các cấp về vai trò, năng lực và tầm quan trọng của phụ nữ tham gia vào cơ cấu lãnh đạo.
Từ đó, thay đổi quan niệm cho rằng quyền lực chính trị thuộc về nam giới, điều đó có thể dẫn đến khắt khe, dè dặt đưa nữ vào qui hoạch cán bộ; đồng thời xóa bỏ những chuẩn mực văn hóa và những định kiến cản trở sự thăng tiến của phụ nữ.
Quán triệt quan điểm giới trong công tác cán bộ, đảm bảo thực hiện biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tham chính (thực hiện chỉ tiêu giới, áp dụng chính sách đặc thù, linh hoạt đối với nữ về độ tuổi đưa vào qui hoạch, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ), tạo cơ hội để nhiều phụ nữ đủ tiêu chuẩn tham gia cấp ủy Đảng.
Cần nghiên cứu bổ sung vào Chỉ thị 35-CT/TW về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng như quy định về tiêu chuẩn cấp ủy, thời gian đảm nhiệm chức vụ, tuổi lần đầu tham gia và tuổi tái cử đối với nữ…
Đối với nội dung "Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ" thì tỷ lệ này có thể phù hợp đối với cấp ủy Trung ương nhưng quá thấp đối với cấp địa phương.
Đến nay, tỷ lệ trung bình nữ cấp ủy cấp tỉnh đạt trên 15%, cấp huyện trên 20% và cấp xã trên 25%. Do vậy, đối với những cấp này cần yêu cầu đạt tỷ lệ nữ cấp ủy cao hơn, nhằm đạt chỉ tiêu 25% đề ra. Chỉ tiêu giới hàm ý cả về số lượng và chất lượng, được áp dụng khi khoảng cách giới còn khá lớn.
Thúc đẩy mạng lưới hỗ trợ: Động viên gia đình, cộng đồng ủng hộ, hỗ trợ phụ nữ tham gia chính trị. Các cơ quan, đơn vị đảm bảo môi trường làm việc công bằng, khuyến khích, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển năng lực và tham gia lãnh đạo.
Đặc biệt, Hội LHPN các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức phát hiện phụ nữ tiềm năng để giới thiệu với cấp ủy Đảng bồi dưỡng, hỗ trợ cán bộ nữ tham gia cấp ủy và đề xuất những giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể, giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Phát huy sự nỗ lực của phụ nữ: Đây là một hành trình đầy thử thách, đòi hỏi phụ nữ có ý chí, nghị lực để vượt qua. Với sự cầu tiến, phụ nữ cần luôn nỗ lực: Học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng áp dụng công nghệ nâng cao hiệu quả công việc;
tích cực tham gia mạng lưới giúp phụ nữ kết nối, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm; nâng cao năng lực để tự tin vào khả năng tham gia lãnh đạo, từ đó xóa bỏ định kiến cho rằng lãnh đạo là vai trò dành riêng cho nam giới.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và người đứng đầu: Cấp ủy Đảng và người đứng đầu là nhân tố then chốt trong việc hiện thực hóa chỉ tiêu giới tham gia cấp ủy theo Nghị quyết 11-NQ/TW đề ra.
Sự cam kết và quyết tâm cao của cấp ủy và người đứng đầu được thể hiện bằng những việc làm thực chất, đó là: Xác định tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cần đạt, phù hợp với cấp mình và chỉ tiêu giới theo nghị quyết của Đảng;
tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp; tăng cường giám sát việc áp dụng các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tham gia cấp ủy, kịp thời chấn chỉnh những sai lệch và chịu trách nhiệm khi cấp mình không đạt tỷ lệ nữ cấp ủy đề ra.
-----
Tài liệu tham khảo
1. Hiến pháp Việt Nam 1946, 2013
2. Luật bình đẳng giới, 2006
3.Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/04/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
4.Tulieuvankien.dangcongsan.vn>ban-chap-hanh>bo-chinh-tri>ban-bi-thu
5.https://têntỉnhthành.dcs.vn>ban-chap-hanh>ban-thuong-vu
6.Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới
7.Chỉ thị số 35/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng
8.Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 15/02/2022 của Ban Tổ chức Trung ương một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ