Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ cấp ủy: Cần sự vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu địa phương

Hải Yến
27/12/2024 - 18:22
Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ cấp ủy: Cần sự vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu địa phương

Các đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết bằng hệ thống điện tử

Tại Việt Nam, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy vẫn thấp hơn mục tiêu, do định kiến giới và một số chính sách chưa tạo điều kiện thuận lợi. Để thay đổi thực trạng này, sự chủ động và kiên quyết của cấp ủy và người đứng đầu trong chỉ đạo là yếu tố then chốt để nâng cao sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy.

Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia chính trị chưa đạt chỉ tiêu

Ngày 27/12, hội thảo khoa học "Giải pháp tăng cường sự tham gia cấp uỷ của cán bộ nữ hướng tới đại hội lần thứ XIV của Đảng: Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng" do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Hội Xã hội học Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp thực hiện đã diễn ra tại Hà Nội.

Theo Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2024 do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố (tháng 6/2024), chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới của Việt Nam năm 2024 đứng thứ 72/146 quốc gia, tăng 11 bậc so với năm 2022. Ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hợp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) nhiệm kỳ 2025-2027, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo thống kê, hiện nay, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt trên 30%, cao nhất từ Quốc hội khóa VI trở lại đây. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều đạt 29%, cao hơn nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, Quốc hội khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) có 03/63 tỉnh, thành phố (4,76%) không có nữ đại biểu (Tây Ninh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế); Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 - 2026) có 02/63 tỉnh, thành phố (3,2%) không có nữ đại biểu (Hải Phòng và Cà Mau).

Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị xác định, chỉ tiêu phát triển đội ngũ cán bộ nữ đến năm 2020, trong đó tỷ lệ tham gia cấp uỷ Đảng đạt từ 25% trở lên.

Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: "So với mục tiêu và yêu cầu đặt ra từ Nghị quyết số 11-NQ/TƯ thì tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào hệ thống chính trị nói chung và cấp ủy Đảng nói riêng của ta vẫn chưa đạt được. Việc phân tích cụ thể hoạt động triển khai công tác cán bộ nữ ở các địa phương khác nhau là rất hữu ích để xác định các biện pháp hiệu quả nhằm nâng cao tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy".

Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ cấp ủy: Cần sự vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu địa phương- Ảnh 1.

Hội thảo khoa học "Giải pháp tăng cường sự tham gia cấp uỷ của cán bộ nữ hướng tới đại hội lần thứ XIV của Đảng: Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế và Lâm Đồng" diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại các điểm cầu địa phương

Nhiều chính sách chưa tạo điều kiện cho cán bộ nữ

Hội thảo đã chia sẻ kết quả nghiên cứu thực tiễn từ hai tỉnh Thừa Thiên – Huế và Lâm Đồng cho thấy, một số chính sách còn thiếu sự linh hoạt và nhạy cảm giới, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy.

Cụ thể, có tới 25,6% đảng viên tham gia khảo sát nhận định một trong những nguyên nhân khiến cho tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy thấp là do "chính sách chưa tạo điều kiện cho cán bộ nữ". Việc cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ cho cán bộ nữ tham gia đào tạo chưa kịp thời, khiến cán bộ nữ gặp nhiều khó khăn hơn so với cán bộ nam trong việc chuẩn bị các điều kiện cho việc được đề bạt, bổ nhiệm. Hơn nữa, một số chỉ tiêu quy hoạch hay bổ nhiệm cán bộ còn mang tính định hướng, chưa bắt buộc và không có quy định xử lý kèm theo đã tạo ra những hạn chế trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong công tác cán bộ.

Các quy định chung về tiêu chí đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức luân chuyển cán bộ, quy hoạch cán bộ còn chưa linh hoạt, chưa mang tính nhạy cảm giới. Trong đó, quy định về hình thức học tập trung hay tại chức gắn với độ tuổi là một trong những rào cản đối với phụ nữ trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, khi độ tuổi học tập trung trùng với thời gian mà nhiều cán bộ nữ sinh con và nuôi con nhỏ.

Định kiến giới là rào cản lớn đối với sự tham gia lãnh đạo của cán bộ nữ. 23% đảng viên cho rằng "công việc lãnh đạo phù hợp với nam giới hơn" và 17,4% nhận định "năng lực của phụ nữ hạn chế hơn nam giới". Ngoài ra, thiếu sự ủng hộ từ gia đình và quan niệm coi công việc chăm lo gia đình là trách nhiệm của phụ nữ đang cản trở cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, có tới 48% đảng viên cho rằng cán bộ nữ chỉ có thể giữ vai trò phó bí thư hoặc cấp ủy viên vì "nữ giới phải chăm lo cho gia đình".

Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách nằm tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy. Cụ thể:

Cần có chính sách linh hoạt đối với cán bộ nữ trẻ cũng như các cán bộ nữ từ 40 tuổi trở lên về độ tuổi đào tạo, bổ nhiệm; chính sách giúp cân bằng công việc gia đình-xã hội... Đẩy mạnh truyền thông, thay đổi định kiến giới về năng lực của cán bộ nữ và nâng cao sự ủng hộ của gia đình và xã hội đối với việc tham gia của phụ nữ trong chính trị.

Cần xây dựng kế hoạch hành động chi tiết và đồng bộ ở tất cả các khâu đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch, bổ nhiệm; tạo điều kiện cho cán bộ nữ trẻ giữ các chức danh chủ chốt ở cơ sở; gắn kết chặt chẽ công tác quy hoạch với bổ nhiệm và bố trí cán bộ.

Đặc biệt, dữ liệu và các chỉ tiêu liên quan đến sự tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy cần được xây dựng một cách có hệ thống và cập nhật thường xuyên để tạo điều kiện cho lãnh đạo cấp ủy nắm vững nguồn cán bộ và bố trí cán bộ được kịp thời.

Trước đó, những nghiên cứu từ kinh nghiệm thành công trong việc nâng cao tỷ lệ của cán bộ nữ vào cấp ủy từ hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước đã cho thấy, mặc dù yếu tố nguồn lực rất quan trọng nhưng yếu tố quyết định tỷ lệ tham gia của cán bộ nữ vào cấp uỷ chính là sự chủ động và kiên quyết của cấp ủy và người đứng đầu trong chỉ đạo cùng với những nỗ lực tự thân của cán bộ nữ.

Việc đảm bảo phụ nữ có cơ hội bình đẳng để tham gia vào chính quyền địa phương là rất quan trọng để xây dựng một đội ngũ lãnh đạo nữ có trình độ và kinh nghiệm"

Bà Sabina Stein, Trợ lý đại diện thường trú, Trưởng phòng quản trị và tham gia, UNDP tại Việt Nam 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm