pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cứ 3 trẻ dân tộc thiểu số thì có 1 em bị suy dinh dưỡng thấp còi
Bác sĩ Trương Hồng Sơn khám dinh dưỡng cho bệnh nhi tại Viện Y học Ứng dụng Việt Nam
PV: Bác sĩ có thể chia sẻ cụ thể hơn về tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số tại nước ta hiện nay?
Bác sĩ Trương Hồng Sơn: Trước đây, chúng ta từng ghi nhận tỉ lệ suy dinh dưỡng đến hơn 50%. Tức là cứ 2 trẻ thì có 1 em bị suy dinh dưỡng. Đến năm 1998, Việt Nam bắt đầu khởi động Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống suy dinh dưỡng. Chỉ trong khoảng 15 năm, chúng ta đã đưa tỉ lệ suy dinh dưỡng xuống mức an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, không phải mọi vấn đề đã được giải quyết, như vấn đề về suy dinh dưỡng thấp còi vẫn đang còn ở một số vùng. Trên toàn quốc hiện nay, tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi đang là 19,6%, theo Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020 do Viện dinh dưỡng Quốc gia và Bộ Y tế tổ chức.
Tuy nhiên, ở những vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉ lệ này cao hơn so mức chung. Cụ thể, ở miền núi phía Bắc, con số hiện nay là 37,4% và vùng Tây Nguyên là 28,8%. Như vậy, giải pháp về phục hồi và phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ em trên toàn quốc về cơ bản đã khá tốt nhưng giải pháp cho những vùng khó khăn đang bị trống.
PV: Đã có nhiều chương trình hướng tới giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dân tộc thiểu số nhưng vì sao tình trạng suy dinh dưỡng ở đối tượng này vẫn cao như vậy, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Trương Hồng Sơn: Ở nhiều chương trình, chúng ta nghĩ rằng khi làm một giải pháp, đạt được giải pháp đấy rồi là xong nhưng câu chuyện ở đây là các chiến lược can thiệp ở Việt Nam đôi khi là ngắn hạn, không có những giải pháp dài hạn.
Ví dụ, khi vấn đề về suy dinh dưỡng ở Tây Nguyên, miền núi phía Bắc đã giảm trong những năm qua, chúng ta nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục ở mức đấy nên ngừng can thiệp. Nhưng chúng ta nên hiểu rằng, những năm tiếp theo lại có những bà mẹ trẻ.
Nếu chúng ta không duy trì giáo dục, truyền thông, những bà mẹ mới sẽ không thể tiếp cận thông tin,khi đó suy dinh dưỡng sẽ quay lại. Thực tế là suy dinh dưỡng ở miền núi phía Bắc đã tăng trở lại so với 5 năm trước.
Trước đây, chúng ta có Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng, Kế hoạch hành động dinh dưỡng quốc gia, các chương trình mục tiêu đi kèm. Nhưng hiện nay, các hoạt động dinh dưỡng đi vào nhiều chương trình. Và trong nhiều chương trình như vậy có kế hoạch nhưng lại không có ngân sách.
Năm ngoái khi chúng tôi đi đánh giá lại vùng miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên, chúng tôi thấy tất cả mọi việc khoán cho trạm y tế xã, trong khi nhân lực chỉ có 6 con người với rất nhiều chương trình, hoạt động mà ngân sách thì không có. Ví dụ, việc cân đo cho trẻ, cả trạm y tế có khi chỉ có một cái cân xộc xệch, không có thước đo chiều cao.
Chúng ta nói về vấn đề phục hồi cho trẻ suy dinh dưỡng bằng các sản phẩm xương cơ, bằng các buổi thực hành dinh dưỡng. Bây giờ ngân sách đâu để thực hiện việc đó thì chưa có câu trả lời.
PV: Vậy theo bác sĩ, để kiểm soát và giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em vùng dân tộc thiểu số, chúng ta cần có những giải pháp gì?
Bác sĩ Trương Hồng Sơn: Chúng ta cần một giải pháp tổng thể. Đơn cử, trong chương trình mục tiêu ở các vùng miền núi hoặc Tây Nguyên, vai trò của ngành y tế là quan trọng nhưng vai trò chỉ đạo của chính quyền cũng quan trọng không kém.
Có những thời điểm, tỉ lệ suy dinh dưỡng là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Ở đây chúng tôi nghĩ rằng vai trò của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể rất quan trọng.
Đừng nghĩ rằng đó là việc của mỗi gia đình hay của ngành y tế mà phải có sự tham gia của nhiều đơn vị, vì một mục tiêu chung là chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Có một giải pháp phòng, chống suy dinh dưỡng thấp còi đơn giản mà chi phí không lớn là bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai.
Giải pháp này chỉ hết khoảng 10 USD (tương đương khoảng 250.000 đồng) cho toàn bộ quá trình phụ nữ mang thai. Một năm chúng ta có khoảng 1,7 triệu trẻ em ra đời. Số tiền thuốc khoảng 17 triệu USD nhưng nó có thể giải quyết được "bài toán" nâng chiều dài sơ sinh của trẻ và giảm các nguy cơ về thai sản của bà mẹ.
Chúng ta cần có những giải pháp mang tính đột phát và bao phủ trên toàn quốc, đặc biệt là đối với vùng miền núi và vùng Tây Nguyên.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!