Cửa hàng 1 giá: Tưởng lỗ hóa... lời

13/01/2016 - 15:26
Nhiều người tiêu dùng cho rằng, hàng hóa ở các cửa hàng đồng giá vừa nghèo nàn, vừa… đắt đỏ. Liệu có đúng như vậy? 
1_C-ANH-CHINH.jpg

Người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng hàng giá rẻ

Dạo một vòng quanh 1 cửa hàng đồng giá tại Bình Dương sẽ thấy rất nhiều sản phẩm đa dạng với 1 mức giá duy nhất: 40.000đ. Từ dụng cụ học tập, các món quà lưu niệm, trang trí… mang phong cách Nhật Bản đến những sản phẩm thời trang, các đồ dùng thiết yếu cho cuộc sống hằng ngày. Đây có lẽ là một trong số ít cửa hàng đồng giá có uy tín và tạo được sự tin tưởng cho người tiêu dùng.

Một số thương hiệu khác tuy đã cố gắng thay đổi hình thức kinh doanh nhưng vẫn không phù hợp với nhu cầu mua sắm của phần đông người tiêu dùng. Nhiều khách hàng cho biết, từ lâu họ đã không còn hứng thú với những cửa hàng đồng giá như thời gian đầu, vì "tiền nào hàng nấy". Chỉ cần là người thường xuyên đi mua sắm sẽ nhận thấy những món đồ này tuy màu mè bắt mắt, giá rẻ nhưng chất lượng lại rất thấp. Các loại giỏ nhựa thì ọp ẹp và mỏng, hàng mỹ phẩm không tên tuổi, đồ gia dụng được thiết kế không chắc chắn… Nhìn chung, đa phần các mặt hàng đều là đồ giá rẻ, chất lượng kém.

Không chỉ đồ gia dụng, ở các shop quần áo đồng giá, khách hàng có thể tìm thấy những mẫu thời trang đang thịnh hành với giá khá “bèo”, chỉ trên dưới 100 ngàn đồng. Song, nếu để ý kỹ sẽ thấy những mẫu quần áo này được may khá cẩu thả, vải nhăn, nhiều nếp gấp, lộ đường chỉ, có đôi chỗ còn bị sút chỉ...

Bán đồ 1 giá nghĩa là dù mặt hàng giá trị nhỏ hay giá trị lớn thì cũng chỉ bán với đúng mức giá ấy. Nhiều người cho rằng chủ cửa hàng lấy cái lớn bù cái nhỏ, nghĩa là lấy lãi của món rẻ tiền bù cho phần lỗ của món đắt tiền. Trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy, vì nếu xem xét kỹ thì có thể thấy hầu hết đồ ở những cửa hàng ấy đều có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc nhập về hàng thùng ở các chợ đầu mối, mà giá bán sỉ đều rất rẻ, đôi khi so với món ít tiền nhất trong cửa hàng vẫn còn rẻ hơn. Như vậy, với mức giá tưởng như phải chịu lỗ ấy thì bán món nào chủ cửa hàng cũng vẫn có lời.

Mặt khác, không phải cửa hàng đồng giá nào cũng bán đúng 1 giá. Rất nhiều người khi vào các cửa hàng này mới “ngã ngửa”, vì cái giá đề ngoài kia chỉ là giá… trung bình, còn bên trong vẫn phân ra các khu giá khác nhau. Khi chúng tôi vào khu hàng đồng giá 10.000đ tại 1 cửa hàng ở Q.4, TPHCM, hầu hết các hàng hóa không có nhãn mác rõ ràng. Thường chỉ có khăn ướt, giấy ăn là có phần giới thiệu bằng tiếng Việt. Còn lại, 95% các mặt hàng có chữ Trung Quốc trên bao bì và không có nhãn phụ tiếng Việt.

Theo chị Phụng (Q.5, TPHCM): “Thỉnh thoảng mình cũng mua sắm ở cửa hàng đồng giá Nhật Bản các sản phẩm như dao, xà bông giặt cổ áo, kẹp tăm, nắp đậy thức ăn trong lò vi sóng. Mình phải chọn hàng nào có in chữ “Made in Japan”, chứ với mức giá rẻ như vậy, dù phù hợp với túi tiền nhiều người thu nhập thấp nhưng chất lượng ra sao thì đâu biết ai kiểm chứng?”.

Thị trường các cửa hàng đồng giá ngày càng nở rộ, tập trung vào những người thu nhập thấp. Tuy giá rẻ nhưng chất lượng sản phẩm tại các cửa hàng đồng giá mới là vấn đề khách hàng quan tâm. Với tâm lý đó nên hiện nay, không ít khách hàng khi đến cửa hàng đồng giá chỉ để mua những sản phẩm ít có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe như dây buộc tóc, bấm móng tay, đồ đựng bằng nhựa… 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm