Thú vị, hóm hỉnh, đầy trí tuệ và giàu tính tương tác, “Cửa hiệu triết học” là tài liệu hữu ích, giúp các em học sinh, thiếu niên có thể tiếp cận với triết học một cách tự nhiên, dễ hiểu và gần gũi nhất. Cuốn sách cũng là món quà đáng giá cho bất cứ ai luôn muốn đặt câu hỏi và tìm hiểu về cuộc sống.
“Tamara, Carim và Miriam rủ nhau cùng làm bánh. Tamara đi chợ mua hết tất cả những thứ cần thiết; thực tế là cô bé đã dùng hết tiền tiêu vặt trong tháng của mình để mua các nguyên liệu. Carim dồn hết sức vào việc làm bánh – nhiều hơn hẳn bạn bè của cậu. Miriam hầu như chỉ đứng nhìn tận hưởng không khí bạn bè. Câu hỏi đặt ra là mỗi đứa trẻ nên được chia bao nhiêu phần của chiếc bánh? Và sâu xa hơn là câu hỏi “Công bằng là gì?” – Đó là cách viết và đặt vấn đề đầy thú vị của cuốn sách “Cửa hiệu triết học”.
Có rất nhiều cuốn sách về triết học – đặc biệt là những cuốn sách giải thích các vấn đề triết học rồi đưa người đọc đi qua các tranh luận truyền thống hoặc truyền dạy dưới diện mạo của một khám phá.
Tuy vậy, có rất ít cuốn sách triết học được thiết kế riêng cho việc giảng dạy, đưa triết học vào nhà trường cho trẻ em với đầy đủ sự bất ngờ, hóm hỉnh đầy trí tuệ khiến cho người đọc có khả năng tự vỡ lẽ những triết lý một cách tinh tế như cuốn sách “Cửa hiệu triết học” của Peter Worley và các đồng tác giả.
Trong các “gian hàng” (chương sách) của mình, “Cửa hiệu triết học” đề cập đến các vấn đề khái quát, quan trọng nhất của triết học, bao gồm những khái niệm về siêu hình học, sự hiện hữu và các góc cạnh trong đó như mỹ học, tri thức, tri giác, đạo đức…
Là những vấn đề tưởng chừng như khô khan và khó hiểu, nhưng “Cửa hiệu triết học” được viết dưới hình thức câu chuyện, các câu hỏi giàu tính tranh luận và đặt vấn đề… tạo nên sự thú vị cho bất kỳ ai thích suy nghĩ. Đặc biệt, câu chuyện và các ví dụ mở đầu trong mỗi vấn đề triết học được viết một cách dễ hiểu, có khả năng tương tác giữa người dạy và người học, phù hợp với nhiều lứa tuổi – từ 7 đến 16.
Đó là các câu chuyện như khi nào một con dao được gọi là một con dao – khi lần đầu tiên nó được dùng hay lần đầu tiên được gọi tên; đặt vấn đề cho sự khác nhau của tiếng ồn và âm nhạc, hay làm sao để nhận ra thời gian nếu thời gian đóng băng trong một triệu năm?
Giống như một cuốn giáo trình, tài liệu hữu ích, trước khi mở đầu “gian hàng” của mình, “Cửa hiệu triết học” cũng cung cấp những lời chỉ dẫn chi tiết cho các giáo viên, người chủ trì và người điều phối; đưa ra lời khuyên xây dựng buổi thực hành tương tác với quy mô từ khóa học đến buổi thảo luận chuyên đề ở các trường đại học hay những buổi nói chuyện giữa cha mẹ và con cái. Cuốn sách còn phù hợp với cả những người yêu thích, đam mê triết học - muốn tự đọc và suy tư một mình.
Theo một nghiên cứu độc lập với hơn 3.000 học sinh tiểu học lớp 4 và 5, trên 48 trường học của tổ chức Education Endowment Foundation (EEF) tại Anh, các học sinh được giảng dạy những bài học triết học, thảo luận về các khái niệm, tìm hiểu lý luận và bản chất của thực tại, sự vật chỉ một giờ mỗi tuần trong một năm cho thấy khả năng đọc, viết và kỹ năng toán học tốt hơn đáng kể, so với những đứa trẻ cùng lứa không được tiếp cận với chương trình triết học.
Tác giả Peter Worley là Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Quỹ Triết học (TPF) – một dự án xã hội với mục tiêu đem triết học tới cộng đồng rộng lớn và đặc biệt là đem triết học vào các trường học chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi.
Peter Worley đã biên soạn cuốn sách “Cửa hiệu triết học” cùng với nhóm tác giả là 35 giáo sư, giảng viên, chủ biên… triết học tại các tổ chức và trường đại học danh tiếng.