'Cửa thoát hiểm' ly hôn

01/09/2015 - 13:44
Trong một số trường hợp, ly hôn chưa hẳn đã là xấu, thậm chí đó còn là lối thoát tích cực, là cách cửa mở để người trong cuộc có cơ hội khiến cuộc sống của mình tốt đẹp hơn.

Năm nay, sinh nhật Thanh Tâm đúng vào ngày chủ nhật. Thanh Tâm cũng chỉ định nấu vài món ăn tươi cho chồng con chung vui thôi, nhưng mấy đứa em bảo nhau kéo đến, mỗi người góp một món thành ra “cỗ” khá to.

Ly hôn chưa hẳn là kết thúc, có khi là mở ra một cánh cửa mới tràn đầy hi vọng (Ảnh minh họa) 

Cả nhà đang xúm xít dọn bàn, bày thức ăn thì điện thoại tư vấn reo. Đành ra hiệu cho mọi người cứ tiếp tục, Thanh Tâm lui vào buồng riêng nghe câu chuyện của vị khách. Cô còn khá trẻ, mới lấy chồng, có con được hai tuổi nhưng nghe giọng cô buồn, ai oán như một người từng trải. Trước khi cưới, bố mẹ cô đến thăm gia đình chồng tương lai của cô và ông bà đã phản đối vì qua tiếp xúc, thấy gia đình họ sống có vẻ không có tình. Lúc đó, cô không hề nhận ra điều cha mẹ nhận xét, bởi cô còn quá trẻ - Vả lại, ván sắp đóng thuyền, làm sao cô dám từ bỏ.

Chỉ ngay sau tuần trăng mật, mọi chuyện diễn ra y như lời nhận xét của cha mẹ cô. Việc đầu tiên là bố mẹ chồng bắt vợ chồng cô phải kiếm việc gì đó làm để tự kiếm sống, phải tách ra sinh hoạt riêng. Chồng cô vốn lông bông, ỷ lại vào bố mẹ nên không biết làm ăn gì nhưng lại tỏ ra tinh tướng. Anh ta thường xuyên quát tháo, thậm chí đánh đập vợ.

Là người đảm đang, tháo vát, cô thuê ngay một cửa hàng mặt phố và mở quán ăn. Biết thu vén, nấu ăn ngon, quản lý được người làm và tiền bạc, bán giá phải chăng, quán ăn của cô rất đông khách và chẳng mấy chốc đã phát đạt. Đến khi phải nghỉ đẻ, cô giao lại cửa hàng cho chồng quản lý, chỉ ba tháng sau anh ta đã bị thua lỗ nặng. Cô xót xa, cằn nhằn liền bị anh ta đánh cho thành thương rồi bỏ đi miền nam. Nghe nói là đi làm ăn nhưng cả năm trôi qua, anh ta không gửi về một đồng nào gọi là đóng góp nuôi con và cũng chẳng một lần thăm hỏi gì đến mẹ con cô. Quá ngán ngẩm cái cảnh có chồng cũng như không, cô chỉ biết lao vào làm ăn, vực dậy quán hàng và cô lại thu lãi về.

Cô gọi điện cho Thanh Tâm vì hiện nay có một người bạn học cũ của cô thông cảm với hoàn cảnh của cô. Anh chia sẻ, yêu thương mẹ con cô và sẵn sàng làm chỗ dựa về tình cảm, tinh thần cho cô. Cô băn khoăn vì sĩ diện. Trước đây cha mẹ ngăn cản hôn nhân, cô chống lại để lấy anh ta bằng được. nay cô li hôn thì tức là thừa nhận mình sai, mình thất bại. Mặt khác, cô thương đứa con sống với mẹ mà thiếu cha.

Thật ra, cuộc sống của cô hiện nay, có ý nghĩa gì ngoài cái tiếng là có chồng? Bản thân cô một mình bươn chải, vất vả kiếm tiền gây dựng kinh tế gia đình. Anh chồng đã vô trách nhiệm, vô tích sự lại còn vũ phu, bạo hành vợ, cả năm trời anh ta có đoái hoài gì đến mẹ con cô đâu? Cô nên sống vì cuộc sống thực chất của mình hay vì cái tiếng hão huyền? Con cô có bố mà thực tế, nó được hưởng gì từ tình cảm, nghĩa vụ của người làm cha? Cô sĩ diện với bố mẹ nhưng không hiểu rằng, người biết sai mà sửa thì mới là người biết lẽ phải và trong gia đình, không có kẻ thắng – người thua, bởi nếu thành viên nào đó trong nhà sống bất hạnh thì tất cả đều thất bại.

Nếu bây giờ cô mạnh dạn li hôn tức là cô can đảm giải thoát cho mẹ con khỏi cuộc sống vô nghĩa, đọa đầy. Tuy con cô không có bố bên cạnh nhưng nó được sống tốt đẹp hơn bởi được mẹ yêu thương che chở và không phải chứng kiến sự vô trách nhiệm, thờ ơ, thô lỗ, cục cằn của bố và những giọt nước mắt của mẹ.

Còn với người bạn trai kia, cô nên giữ một mối quan hệ tốt đẹp chứ đừng đưa anh ấy vào như một nhân tố để quyết định chuyện li hôn.

May mà cuộc trò chuyện với khách không quá lâu, mọi người cùng hoan hỉ nâng cốc chúc mừng sinh nhật Thanh Tâm. Tự nhiên, Thanh Tâm thầm cầu mong cho cô gái ấy sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn và được nhiều người yêu thương như Thanh Tâm lúc này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm