Cúm A/H1N1 bùng phát làm 1 người tử vong, 'né' bệnh thế nào?

13/06/2018 - 16:35
BV Đa khoa TP Cần Thơ vừa cách ly 3 nhân viên của bệnh viện có biểu hiện nhiễm cúm A/H1N1 sau khi điều trị cho một bệnh nhân dương tính với cúm này. Cúm A/H1N1 đã và đang bùng phát tại nhiều địa phương, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong.

Cụ thể, 3 nhân viên trên phải cách ly vào ngày 12/6. Trước đó, ngày 8/6, BV Đa khoa TP Cần Thơ tiếp nhận bệnh nhân N.T.Tư, 84 tuổi, trú tại xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long). Kết quả xét nghiệm, bệnh nhân Tư dương tính với cúm A/H1N1. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân Tư, 3 nhân viên y tế của BV Đa khoa TP Cần Thơ gồm 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng của khoa Tim mạch có triệu chứng nghi lây nhiễm cúm A/H1N1 từ bệnh nhân Tư. Cả 3 nhân viên này trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Tư.

Hiện BV Đa khoa TP Cần Thơ đã tổ chức cách ly và điều trị cúm A/H1N1 theo phác đồ của Bộ Y tế cho 3 nhân viên trên. Đến ngày 13/6, bệnh viện cũng đã lập danh sách 16 nhân viên y tế thuộc các khoa Cấp cứu, Tim mạch, Truyền nhiễm và 2 người nhà nuôi bệnh, có tiếp xúc với bệnh nhân Tư để theo dõi. 

cum-ah1n1.png
Cúm A/H1N1 rất dễ lây lan

Cũng trong ngày 8/6, BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết đã có một nữ bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1. Bệnh nhân này 26 tuổi, trú tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TPHCM, được đưa vào cấp cứu tại BV quận Thủ Đức vào sáng 30/5 trong tình trạng nguy kịch vì viêm phổi nặng, suy hô hấp trên nền thể trạng béo phì. Đến chiều 30/5, bệnh nhân được chuyển lên BV Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó tử vong.


Còn tại Đắk Lắk, theo Sở Y tế tỉnh, sau gần 10 ngày điều trị cúm A/H1N1, bệnh nhân Lê Thị Kim Trang sức khỏe đã ổn định và được xuất viện chiều 11/6. Trước đó, BV Đa khoa tỉnh Đắk Lắk tiếp nhận chị Lê Thị Kim Trang (sinh năm 1977, ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) nhập viện do bị đau bụng, nôn ói, đi cầu lỏng nước kèm nhầy máu. Bệnh nhân được chẩn đoán bị tiêu chảy nhiễm trùng. 

Ngày 31/5 chị Trang nhập viện điều trị bệnh lý phụ khoa tại BV Từ Dũ (TPHCM). Ngày 2/6, bệnh nhân được xuất viện về Đắk Lắk. Trong thời điều trị tại BV Từ Dũ, bệnh nhân có tiếp xúc với trường hợp bệnh nhân bị cúm A/H1N1 nên được lấy mẫu xét nghiệm. Chiều 3/6, BV Từ Dũ thông báo kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1. 

Trước đó, cúm A/H1N1 đã bùng phát tại TP HCM với 28 trường hợp mắc bệnh. Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), hiện ổ dịch cúm A tại khu vực này đã được khống chế. Tuy nhiên, điều đáng nói là ổ dịch này lây lan trong bệnh viện nên ngành y tế đã tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm chéo tại cơ sở y tế và hạn chế bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi

“Cúm A/H1N1 hiện nay được coi như một loại cúm mùa, cúm thông thường. Tuy nhiên, virus cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, trên nền bệnh nhân có sẵn bệnh”, TS Trần Đắc Phu cho biết. 

GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cho biết, kết quả giám sát cúm từ hệ thống giám sát quốc gia những tháng đầu năm 2018 ghi nhận virus cúm A/H1N1 chiếm tỷ lệ hơn 40%, cao hơn so với các chủng virus cúm mùa khác, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2. 

anh-cum.png
Đeo khẩu trang khi đến chỗ đông người là một trong những biện pháp ngừa cúm A/H1N1

Theo GS Đặng Đức Anh, nhiều người bị cúm khi hắt hơi không ý thức che tay, trong khi một lần hắt hơi rất nhiều giọt nước bọt li ti chứa virus cúm bắn ra ngoài, những virus này có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. 

Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền bệnh cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nhất là nơi tập trung đông người.

Để phòng chống cúm, TS Phu khuyến cáo mọi người nên che miệng khi ho, hắt hơi. Sau đó cần rửa sạch bàn tay để khi cầm nắm các vật dụng dùng chung như: Tay nắm cửa, nút bấm cầu thang máy… sẽ hạn chế việc lây lan mầm bệnh cho người khác chạm vào. 

Hiện nay đã có vaccine phòng cúm, tuy nhiên mới chỉ triển khai được ở các điểm tiêm dịch vụ. Vì vậy người dân có thể đi tiêm vaccine để ngừa cúm. Sau tiêm khoảng một tháng, vaccine sẽ có tác dụng bảo vệ. Khi có triệu chứng nhiễm cúm A/H1N1 cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.

7 lưu ý trong phòng, chống cúm A/H1N1

1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. 

2. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.

3. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang.

4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

5. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm. 

6. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 01 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. 

7. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng virus như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Nguồn: Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm