Cúm A/H1N1 gây tử vong cao

27/04/2016 - 15:35
TPHCM xuất hiện ca cúm A/H1N1 đầu tiên từ đầu năm. Lâu nay, người dân chỉ lo ngại cúm A/H5N1 mà lơ là với các chủng cúm khác, trong đó có cúm A/H1N1. Nhưng thực tế, không ít trường hợp tử vong do nhiễm cúm A/H1N1.
Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H1N1 bùng phát mạnh vào năm 2009 và có tốc độ lây lan rất nhanh. Tại Việt Nam, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ngày 26/5/2009. Hiện cúm A/H1N1 lưu hành thường xuyên và rộng khắp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong có Việt Nam như các chủng virus cúm mùa khác. Kết quả giám sát trọng điểm qua các năm ghi nhận khoảng 10% số mẫu bệnh nhân cúm dương tính với cúm A/H1N1. 
cum.jpg
 Không chủ quan với cúm A/H1N1
Theo TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H1N1 dễ dàng lây bệnh từ người sang người như các chủng cúm mùa thông thường khác. Chủng virus cúm lưu hành hiện nay ở nước ta trong thời gian qua chủ yếu là cúm A/H3N2, cúm A/H1N1 và cúm B.

Tuy không nguy hiểm như nhiễm cúm A/H5N1, cúm A/H7N9, nhưng người nhiễm cúm A/H1N1 hay virus cúm mùa khác cũng có thể gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, thậm chí gây suy đa tạng, tử vong ở một số người có bệnh mạn tính. Trên thế giới mỗi năm ghi nhận 250.000-500.000 trường hợp tử vong do cúm.

Trong tháng 3/2016, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ ghi nhận bệnh nhân người Thổ Nhĩ Kỳ tử vong do cúm A/H1N1. Trước đó, khi ở Việt Nam, bệnh nhân có biểu hiện sốt, mệt mỏi kéo dài và nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng, suy hô hấp, được xác định do cúm. Sau 1 tháng điều trị, người bệnh đã không qua khỏi. 

Cùng bệnh nhân này, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ tiếp nhận một bệnh nhân nam 46 tuổi, người Yên Bái, nhiễm cúm A/H1N1 trong tình trạng rất nặng và tử vong chỉ sau 2 ngày. Bệnh nhân được chuyển đến BV trong tình trạng suy hô hấp nặng, hai phổi bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ. Dù được thở máy, dùng thuốc Tamiflu nhưng diễn biến bệnh ngày càng xấu. Bệnh nhân đã tử vong sau hai ngày nằm viện. Kết quả mẫu bệnh phẩm cho thấy bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1. Bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt và sau 4 ngày có hiện tượng khó thở tăng dần mới đi khám. 

Virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm virus cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy đã dụng có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A/H1N1.
Những người mắc cúm A/H1N1 có thể lây lan bệnh 1 ngày trước khi khởi bệnh và kéo dài 7 ngày sau khi khởi bệnh. Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1N1, người bệnh thường có các triệu chứng sốt, thường trên 38oC, ớn lạnh, đau viêm họng, nhức đầu, đau mình và nhức cơ…

“Cách phòng phòng chống cúm A/H1N1 đơn giản nhất là vệ sinh cá nhân thường xuyên, tiêm vaccine. Với những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan, thậm chí tử vong”, TS Trần Đắc Phu đưa ra khuyến cáo. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm