Cùng thảo luận về tiền bạc
Nhiều người chồng cho rằng, hàng tháng phải “nộp thuế” cho vợ là đang bị vợ quản lý về kinh tế, có cảm giác gò bó và không tự do. Bởi vậy, ngay từ khi mới lập gia đình, vợ và chồng nên cùng chia sẻ với nhau về tiền bạc trong những lúc thoải mái, vui vẻ để hiểu tâm lý của nhau và đưa ra giải pháp thích hợp. Cả hai cùng thống nhất mỗi tháng đóng góp bao nhiêu cho “quỹ chung” để chi tiêu những khoản lớn (tiền đối nội, tiền ăn, tiền điện nước, xăng xe…), công khai hợp lý những khoản phải chi tiêu cá nhân và cùng nuôi 1 con heo tiết kiệm để lo cho tương lai, dự phòng bệnh tật. Như vậy, người chồng vẫn có tự do nhất định trong kinh tế của mình và có trách nhiệm gánh vác ngân sách gia đình.
Vợ chồng không nên né tránh, hãy thẳng thắn thảo luận về vấn đề tiền bạc
Tin tưởng lẫn nhau
Có những người chồng thấy vợ chi tiêu hoang phí nên không tin tưởng giao phó tài chính của mình, lo nó sẽ bị tiêu vào những khoản “trên trời”. Bởi vậy, một người vợ tiết kiệm, biết vun vén cho gia đình sẽ khiến chồng tin tưởng hơn. Song, cách chi tiêu đã trở thành thói quen từ lâu của mỗi người, nên để thay đổi dần và chi tiêu hợp lý hơn, người vợ có thể hỏi kinh nghiệm của người đi trước và có một quyển sổ tay ghi chép những khoản tiền đã sử dụng. Sau đó chia sẻ với chồng, cả hai cùng nhau rút kinh nghiệm. Từ đó, người chồng sẽ tin tưởng vợ hơn và chủ động đưa tiền cho bà xã hàng tháng.
Phân loại các khoản chi tiêu
Lên kế hoạch chi tiêu cùng nhau rồi chia nhỏ các khoản tiền ra, như: tiền ăn, tiền biếu ông bà nội ngoại, tiền đi đám hiếu hỉ… rồi định mức số tiền ấy tương đối, bỏ riêng vào các phong bì. Khi cần dùng tiền vào việc gì sẽ lấy tiền ở phong bì ấy. Như vậy, người chồng sẽ hiểu và người vợ sẽ chủ động biết cách chi tiêu hợp lý.
Nguyên tắc cơ bản là không nên giấu diếm hoặc bí mật tiêu tiền
Không cất giữ hoặc bí mật tiêu tiền
Tin tưởng là nền móng để vợ và chồng sống hòa hợp với nhau. Nếu bạn sử dụng tiền của vợ/chồng để bí mật lo cho bên ngoại/bên nội, mua đồ hoặc cất giấu tiền không cho “nửa kia” biết, khi bị phát hiện, niềm tin của người đó dành cho bạn sẽ không còn, thậm chí hoài nghi và trách móc, đánh giá về nhân cách. Bởi vậy, nếu người vợ muốn tiết kiệm tiền, hãy công khai với chồng, để chồng hiểu vợ đã cất đi một khoản lo cho tương lai, chi tiêu trong nhà sẽ càng phải tiết kiệm, hợp lý hơn.
Cùng đi chợ
Người chồng thường có suy nghĩ rằng, mình đi làm để trang trải cho “đại sự”, còn đi chợ hàng ngày chẳng tốn kém là bao. Nhưng có câu “Miệng ăn núi lở”, mà giá cả thị trường ngày càng leo thang. Vợ hãy rủ chồng cùng đi chợ, đi siêu thị mua đồ dùng cần thiết trong gia đình, để chồng hiểu thực tế những khoản “chi tiêu lặt vặt” ấy tốn kém như thế nào. Nếu người chồng tâm lý, hiểu vợ, nhất định sẽ tự đánh giá lại số tiền mình đã chia sẻ cùng vợ và đưa ra những quyết định có trách nhiệm.