Cuộc 'bám đuổi' Nguyễn Hữu Linh và 'vũ khí' từ sự phẫn nộ của cộng đồng

26/06/2019 - 12:24
Sáng ngày 25/6, trước khi phiên tòa sơ thẩm vụ dâm ô bé gái trong thang máy được mở, phóng viên nhiều tờ báo đã đến sớm chờ sẵn tại TAND quận 4, TPHCM, dù đây là phiên tòa xử kín.

Ngay khi bị cáo Nguyễn Hữu Linh có mặt, ông ta đã phải đối mặt với một loạt ống kính hướng về phía mình. Mặc dù đã phần nào lường trước được tình huống này, ông Linh vẫn không có phương án nào “chống đỡ” ngoài cách bỏ chạy lên tầng năm trụ sở Tòa án. Theo sát ông, những phóng viên, nhà báo vẫn tiếp tục "truy đuổi". Vài phút sau, hình ảnh ông Linh và cả chi tiết vụ “bám đuổi” này đã xuất hiện trên báo điện tử cũng như các trang mạng xã hội... Rất nhiều bình luận lại được dịp xuất hiện, phần lớn tiếp tục bức xúc trước những gì mà ông Linh đã làm trước đó, nhưng hiếm hoi cũng đã có câu hỏi được đặt ra: ông Linh có được bảo vệ quyền về hình ảnh như pháp luật đã quy định?

 

Bị cáo Nguyễn Hữu Linh (giữa) 'chạy trốn' phóng viên khi đến tòa

 

Nguyễn Hữu Linh tại TAND quận 4, TPHCM

 

Nguyễn Hữu Linh chạy lên lầu 4 của TAND quận 4

 

Điều 31 Bộ luật Dân sự, cá nhân có quyền với hình ảnh của mình, việc sử dụng ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý. Luật Báo chí quy định, nhà báo được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai. Tuy nhiên cuộc "truy đuổi" này lại diễn ra khi phiên tòa chưa chính thức mở. 

 

Camera ghi lại cảnh Nguyễn Hữu Linh ôm hôn bé gái trong thang máy

 

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 1/4/2019, tại thang máy chung cư Galaxy 9, TP HCM, camera ghi lại hình ảnh một người đàn ông ôm hôn bé gái. Người đàn ông được xác định là Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng.

Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội, cùng với đó thái độ tức giận, phẫn nộ của cộng đồng cũng tăng lên theo thời gian và chưa có dấu hiệu dừng lại. Kèm theo đoạn video, ngày càng có nhiều đoạn bình luận bày tỏ sự bức xúc, và tất nhiên, như thường lệ trên mạng xã hội, không thiếu những bình luận mang tính quá khích, nói cách khác là xúc phạm, mạt sát, chửi bới không tiếc lời đối với người đàn ông trong thang máy.

Trong khi đó sự phẫn nộ của cộng đồng mạng vẫn tiếp tục gia tăng và dù chờ đợi, cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn chưa có quyết định chính thức về vụ việc.

Đêm 4/4 một nhóm người tự tổ chức nhau đã tập trung trước cửa nhà ông Linh ở Đà Nẵng. Tại đây họ xịt sơn lên cổng, và ném chất bẩn trước nhà.

Dư luận cũng lên tiếng về những hành vi của nhóm người đã phun sơn lên cổng nhà ông Linh, cho rằng đó là hành vi vượt quá giới hạn của sự biểu lộ quan điểm thông thường, vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, dường đó chỉ là trên lý thuyết, vì từ đó cho đến nay ngoài việc lập biên bản và nhắc nhở, cơ quan quản lý cũng không tiếp tục điều tra về hành vi này.

Phải đến ngày 21/4, nghĩa là sau 20 ngày từ khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra mới ra quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can về tội Dâm ô người dưới 16 tuổi.

Nhìn lại cả một quá trình, có thể nhận thấy, cộng đồng, những người bức xúc với nạn xâm hại trẻ, hoàn toàn có rất nhiều lý do để bất bình và trong khuôn khổ luật pháp cho phép, họ hoàn toàn có quyền biểu lộ quan điểm của mình đối với hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó cũng cần thẳng thắn thừa nhận, các quy định của pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng, pháp luật về các tội phạm liên quan đến tình dục nói chung vẫn chưa hoàn thiện nếu không nói là vẫn còn quá đơn giản sơ lược thậm chí là nhiều khoảng trống.

Những người quan tâm đến cuộc chiến phòng chống xâm hại trẻ em chắc chắn vẫn còn nhớ vụ án Nguyễn Khắc Thủy ở Vũng Tàu. Mặc dù đối tượng xâm hại nhiều trẻ em trong một khoảng thời gian dài và có nhiều nhân chứng tố cáo, tuy nhiên vẫn phải mất một cuộc chiến pháp lý dài tới hơn 2 năm với sự vào cuộc của những nhà hoạt động xã hội, luật sư, báo chí... Tòa án mới ra phán quyết bị cáo có tội. Thậm chí tại phiên tòa phúc thẩm ngày 11/5/2018, bị cáo chỉ bị tuyên 18 tháng tù treo. Một lần nữa, cộng đồng với đủ thành phần lại vào cuộc và bản án sau đó bị cáo phải nhận là 3 năm tù giam.

Trong khi đó, còn rất nhiều những vụ xâm hại trẻ em khác đã xảy ra nhưng chưa được xử lý một cách triệt để, điều này gây bức xúc cho dư luận và tiếp tục tích tụ thêm sự bất bình của cộng đồng với những kẻ xâm hại trẻ em. Nhưng với đa số các vụ việc khác, cộng đồng chỉ được nghe hoặc đọc thông tin do người khác mang lại, họ không được nhìn thấy những hành vi vi phạm và chính vì thế họ ít có cơ hội bày tỏ bất bình của mình.

Có thể nhìn thấy sự tương đồng ở vụ Đỗ Mạnh Hùng cưỡng hôn nữ sinh trong thang máy chung cư ở Nhân Chính (Hà Nội) ngày 4/3/2019. Ngay khi đoạn video được đưa lên mạng xã hội nó đã gây một làn sóng phẫn nộ với người có hành vi tấn công tình dục nữ sinh. Dư luận càng bất bình hơn, khi cơ quan chức năng vận dụng những quy định của pháp luật mặc dù đã đưa ra mức phạt “kịch khung”, người có hành vi vi phạm chỉ bị phạt hành chính 200.000 đồng. Và từ đây, cư dân mạng đã lan truyền tài khoản facebook của người đàn ông này cùng với ảnh của anh ta và kèm theo đó là những lời lẽ nặng nề như là một “hình phạt bổ sung” của cộng đồng khi pháp luật đã quá nhẹ tay với hành động tấn công tình dục.

 

Hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy chung cư ở Hà Nội của Đỗ Mạnh Hùng bị camera ghi lại rõ ràng nhưng đối tượng này chỉ bị phạt hành chính 200 nghìn đồng là quá nhẹ, khiến cộng đồng rất bức xúc.

 

Với sự thiếu hoàn thiện của luật pháp, những vụ án quá khó khăn để khởi tố và những mức phạt quá nhẹ, đương nhiên cộng đồng có lý do để bức xúc. Và không phải tất cả mọi cá nhân đều có cách biểu lộ quan điểm một cách ôn hòa, đúng pháp luật. Và "bản án" mà cộng đồng đưa ra thường nặng nề hơn cả chính bản án của những phiên tòa chính thức.

Luật pháp là những quy tắc xử sự chung của cộng đồng được Nhà nước công nhận, ủng hộ và nâng lên thành quy tắc xử sự chung trong lãnh thổ mà Nhà nước quản lý. Nhưng khi quy tắc xử sự chung đó vì lý do nào đó, chưa hoàn thiện hoặc cơ chế thực hiện nó chưa đầy đủ dẫn tới những hành vi vi phạm không được xử lý nghiêm minh triệt để, một bộ phận dân chúng sẽ tìm đến những cách xử sự của riêng họ. Dân gian gọi đó là “luật đời”. Về cơ bản "luật đời" thường vượt ra ngoài quy định của pháp luật và nó cũng không được ủng hộ trong xu thế chung của xã hội văn minh. Nhưng để triệt tiêu "luật đời", Nhà nước chỉ cần làm một việc không thể đơn giản hơn: Hoàn thiện các quy định pháp luật và cơ chế để thực hiện nó một cách nghiêm minh.   

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm