pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc chiến chống hàng giả: Câu chuyện đạo đức và công lý

Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ
Chính phủ: Quyết tâm hành động
Tại cuộc họp chiều 19/5/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Không thể để hàng trăm tấn hàng giả được buôn bán, vận chuyển, phân phối mà các cơ quan chức năng không hay biết.
Theo Thủ tướng, chỉ có hai khả năng: hoặc không còn ý chí chiến đấu, hoặc đã bị mua chuộc. Và cả hai điều này đều cần phải xử lý nghiêm. Đây là tuyên bố mạnh mẽ, quyết liệt và cũng là sự thừa nhận: hàng giả không chỉ là tội ác của những kẻ sản xuất, mà còn là lỗ hổng từ khâu giám sát, thực thi.
Đề xuất sửa đổi Luật An toàn thực phẩm không chỉ là việc kỹ thuật lập pháp. Nó phải là công cụ để triệt tiêu nguồn sống của hàng giả - từ khâu cấp phép, kiểm nghiệm, hậu kiểm, quảng cáo tới xử lý hình sự. Như Thủ tướng nói: Liên quan đến sức khỏe, tính mạng người dân, không thể làm qua loa.
Trong khi đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, nhất là các vụ việc liên quan thuốc giả, sữa giả, thực phẩm giả, thực phẩm bẩn… đang được người dân, xã hội rất quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, cần thiết kế các chính sách để xử lý được các vấn đề cấp bách mà thực tế đang đặt ra. Theo Thủ tướng Chính phủ, cần thiết kế các chính sách để xử lý được các vấn đề cấp bách hiện nay mà thực tế đang đặt ra.
Cần quy định rõ một cơ quan chịu trách nhiệm chính và xác định rõ thẩm quyền của các cơ quan, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm.
Phân định trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, không để chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, không để khoảng trống trong quản lý nhà nước. Khẩn trương xây dựng dự án luật để trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan đề nghị giữ án tử hình với tội phạm làm thuốc giả
Quốc hội: Câu hỏi về hình phạt - giữ hay bỏ tử hình?
Không khí tại nghị trường Quốc hội cũng "nóng" lên khi thảo luận về dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, đặc biệt là đề xuất bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh, trong đó có tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Nhiều đại biểu Quốc hội phản đối việc bỏ án tử hình với tội danh này. Họ cho rằng, đây là hành vi vô nhân đạo, trục lợi trên sức khỏe, thậm chí mạng sống của người khác, đặc biệt là người già, trẻ em, những nhóm yếu thế.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thẳng thắn: "Chúng ta nhân văn với tội phạm là chúng ta độc ác với đồng bào mình". Câu nói ấy không phải là cảm tính, mà là phản ánh một thực tế: trong khi người dân loay hoay đối phó với kẹo giả, sữa giả, thuốc giả - thì những kẻ đứng sau các đường dây ấy chỉ tính lời hàng trăm tỷ.
Một bác sĩ tay nghề yếu có thể gây chết một người. Một dược sĩ làm giả thuốc có thể giết cả trăm, cả nghìn người. Đó là lý do đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị giữ án tử hình, thậm chí mở rộng sang cả các tội danh làm thực phẩm giả.
Trong bối cảnh hàng giả tràn lan như hiện nay, đó không chỉ là câu chuyện luật pháp, mà là câu chuyện đạo đức và công lý. Theo bà Lan, gần nhất là Công an Thanh Hóa phá vụ thuốc giả với 21 loại thuốc giả. "Nhưng đây mới chỉ là bề nổi chúng ta phát hiện được. Chứ còn thực tế thì khủng khiếp như thế nào?".
Theo bà Lan: "Dù chưa có tiền lệ tử hình tội làm thuốc giả nhưng trước thực trạng thuốc giả ảnh hưởng tính mạng, cần áp dụng án tử hình để răn đe, tránh vi phạm trong tương lai. Trung Quốc từng tử hình cục trưởng quản lý dược năm 2017 vì cấp phép thuốc gây chết người. Án tử hình cần được thi hành để cảnh cáo, răn đe".
Đại biểu này còn đề nghị thêm án tử hình với tội làm thực phẩm giả, hiện mức kịch khung mới là chung thân.
"Thực phẩm làm giả hàng loạt, đặc biệt vừa qua, sữa giả, thực phẩm giả ảnh hưởng người già, trẻ em…, hậu quả nặng nề như thế nào. Trong trường hợp này cần xem xét, cần thêm án tử hình cho những tội như vậy mới đủ răn đe", bà Lan nêu.
Đây cũng là lúc đặt lại câu hỏi: Có nên tiếp tục dùng những lý lẽ nhân văn để giảm nhẹ hình phạt trong khi tội ác thì ngày càng tinh vi và táo tợn? Khi lòng tin của người tiêu dùng đang lung lay bởi các vụ việc thuốc giả, sữa giả bị phanh phui liên tục, giữ lại án tử hình không chỉ là răn đe, mà còn là lời khẳng định: Pháp luật không khoan nhượng với tội ác mang tính hủy diệt.
Chính phủ đang phát tín hiệu cứng rắn. Quốc hội đang đặt ra những yêu cầu rõ ràng. Nếu những tín hiệu ấy được cụ thể hóa bằng luật pháp minh bạch, chế tài nghiêm khắc và hệ thống thực thi mạnh mẽ, thì cuộc chiến chống hàng giả sẽ không còn là cuộc chiến đơn độc.
Và khi đó, người dân sẽ không còn phải hoang mang mỗi lần mở một hộp sữa, bóc một viên thuốc, hay đặt niềm tin vào một nhãn hàng - bởi họ biết, đằng sau là một hệ thống pháp luật bảo vệ họ đến cùng.