Tuổi trẻ đầy biến cố
Bà Park Geun Hee chào đời ngày 2/2/1952 tại Samdeok-dong, Daegu vào thời điểm cuộc chiến tranh liên Triều vẫn đang ác liệt. Bà là con gái đầu trong gia đình có 3 anh chị em. Cha bà là ông Park Chung Hee - người sau đó trở thành chỉ huy quân đội Hàn Quốc và bà Yuk Young Soo - tiểu thư một gia đình giàu có ở Okcheon, Bắc Chungcheong.
Bà Park Geun Hee chụp ảnh cùng cha mẹ và 2 em trong một bức ảnh gia đình. |
Khi bà mới học lớp 4, tướng Park Chung Hee tiến hành vụ đảo chính vào ngày 16/5/1961. Hai năm sau đó, ông Park Chung Hee được bầu làm Tổng thống thứ 5 của Hàn Quốc. Đầu năm 1964, gia đình bà chuyển vào điện Cheongwadae hay còn gọi là Nhà Xanh.
Lúc này, các giáo viên tiểu học mô tả bà là một học sinh thật thà, khiêm tốn, cần cù và mẫu mực. Mọi người bắt đầu gọi Geun Hye là “Công chúa sổ ghi chép” vì bà có thói quen ghi chép lại về tất cả các sự kiện. Bà yêu thích học về ngoại ngữ vì bà coi đó là phương tiện để “cải thiện chất lượng cuộc sống”. Bà có thể sử dụng 4 ngoại ngữ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung.
Cá tính quyết đoán của bà Park được cho là chịu ảnh hưởng nhiều từ người mẹ. Trong suốt những năm đi học trung học, bà Park luôn đứng đầu lớp. Chỉ số IQ của bà là 127. Năm 1971, bà quyết định theo học chuyên ngành cơ khí điện tử tại Đại học Sogang - một nghề không được phụ nữ thời đó ưa chuộng.
Khi bà Park lên đại học, cha bà đã sửa đổi hiến pháp vào tháng 10/1972 để gia hạn thời gian cầm quyền và tăng quyền lực. Động thái này đã làm nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình của sinh viên. “Ai cũng biết cha tôi là ai nên cuộc sống đại học trở nên rất mệt mỏi" bà Park từng tâm sự, song bà vẫn tốt nghiệp hạng xuất sắc.
Nữ Tổng thống Hàn Quốc thời còn trẻ. |
Cuộc đời bà trải qua nhiều nỗi đau khó có thể nguôi ngoai. Năm 1974 xảy ra một biến cố lớn trong cuộc đời bà Park. Lúc này, sau khi tốt nghiệp đại học, bà sang Pháp để trau dồi kỹ năng. Chỉ vài tháng sau, bà được Đại sứ quán Hàn Quốc tại Pháp thông báo phải trở về nước lập tức. Tại sân bay, bà Park đọc được tin trên báo: "Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc bị ám sát". Đó thực chất là là vụ ám sát hụt ông Park Chung Hee xảy ra khiến phu nhân Yook Young Soo thiệt mạng. Ở tuổi 22, bà Park phải thay mẹ để đảm nhiệm các nghi thức lễ tân ngoại giao bên cạnh cha. Ngày 10/11/1974, bà viết trong nhật ký: "Nhiệm vụ quan trọng nhất của tôi thời điểm này là chứng tỏ cho mọi người thấy cha tôi không cô đơn. Tôi đã quyết định dẹp bỏ mọi ước mơ về một cuộc sống cá nhân nhàn tản và dễ chịu". Kể từ đó, bà luôn sát cánh cùng cha cho đến khi cha bà cũng bị ám sát.
Vụ ám sát tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee diễn ra vào ngày 26/10/1979 tại một tòa nhà bí mật ở Nhà Xanh có liên quan tới Cục tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA). Nó thường được biết đến với tên gọi sự kiện ngày 26/10 ở Hàn Quốc.
Giám đốc KCIA Kim Jae Kyu mời Park Chung Hee đến tham dự một bữa tiệc tối. Sau khi ông Park và các khách mời đã yên vị, Kim Jae Kyu bỏ ra ngoài phát tín hiệu. Sau đó, Kim bước vào phòng, rút ra một khẩu súng lục và bắn chết viên vệ sĩ chỉ huy của Park Chung Hee rồi bắn nhiều phát vào ông Park Chung Hee. Ngay khi nghe tiếng súng, 5 đặc vụ KCIA xông vào phòng kế bên để giết nốt 2 vệ sĩ khác và người tài xế.
Sau này, trong tự truyện, bà Park viết rằng đó là những ngày tháng mà bà sống trong sự bàng hoàng, cảm giác như phải trải qua một cơn gió lạnh để lại nhiều tổn thương lớn trong lòng.
Con đường chông gai trở thành Nữ Tổng thống
Sau khi cựu tổng thống Park Chung Hee qua đời, bà Park Geun Hee đã sống một cuộc sống ẩn dật. Bà lui về hậu trường trong 18 năm, đó là khoảng thời gian bà phải chịu đựng sự phản bội của từ nhiều trợ lý cũ của cha mình. Bà dùng thời gian này đọc nhiều sách về triết học và lịch sử, tham quan danh thắng văn hóa trên khắp cả nước để mở rộng tầm hiểu biết.
Sau một thời gian dấy lên phong trào chỉ trích ông Park Chung Hee, cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á diễn ra vào cuối những năm 1990 khiến người dân không khỏi hoài niệm về một Hàn Quốc đạt mức tăng trưởng hai con số dưới thời ông Park Chung Hee lãnh đạo. Bà Park Geun Hye bắt đầu có ghế trong Quốc hội và nhanh chóng giành được sự ủng hộ của phe bảo thủ, với mong muốn khôi phục lại danh tiếng của cha mình và hồi sinh nền kinh tế nước nhà.
Bà đã chủ động xin lỗi các nạn nhân trong 3 sự kiện “đen tối” vào thời kỳ cầm quyền của cha bà gồm vụ đảo chính năm 1961, sự kiện cải cách Hiến pháp năm 1972 và vụ án các nhà hoạt động trẻ tuổi bị xử tử năm 1974. |
Năm 1997, Park Geun Hye gia nhập đảng Quốc đại (GNP), tiền thân của đảng Saenuri. Tháng 4/1998, bà giành được ghế nghị sĩ tại Daegu và có những bước tiến quan trọng trong sự nghiệp chính trị của mình, nhanh chóng thăng tiến lên đội ngũ hàng đầu của đảng này. Tuy nhiên do bất đồng về quan điểm chính trị khi yêu cầu cải cách bà đưa ra bị đảng Saenuri từ chối, năm 2001 bà lập ra một đảng mới.
Khi yêu cầu cải cách của bà được đáp ứng, Park Geun Hye đã quay trở lại đảng GNP và tiếp tục chứng minh khả năng lãnh đạo của bà bằng hàng loạt chiến thắng trong các cuộc bầu cử quốc hội.
Bà đã làm việc cho Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng trong suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 và sau đó là Bộ Thống nhất, Ngoại giao, Thương mại và Ủy ban về quyền lợi của phụ nữ trong Quốc hội khóa 16.
Có thể nói, từ khi bước vào con đường chính trị, Park Geun Hye đã trở thành một hình tượng đặc biệt luôn được nhắc đến trên chính trường Hàn Quốc. Bà thừa nhận: "Mọi người có cảm tình với tôi vì danh tiếng của cha mẹ tôi" nhưng cũng ngầm khẳng định rằng mình sẽ không đứng dưới tiếng tăm của cha mẹ mà quyết tâm làm lại từ đầu.
Trong cuộc tranh cử năm 2007, bà Park Geun Hye đứng sau ông Lee Myung-bak trong cuộc bỏ phiếu lựa chọn ứng cử viên của đảng Saenuri ra tranh cử chức Tổng thống. Khi chính thức tuyên bố tranh cử chức Tổng thống, bà Park hứa sẽ thúc đẩy nền kinh tế công bằng, tăng phúc lợi và cải thiện quan hệ với Triều Tiên.
Ngày 19/12/2012, bà Park Geun Hye trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Nhiệm kỳ 5 năm của bà bắt đầu từ ngày 25/2/2013.
Ngày 19/12/2012, bà trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. |
Những bi kịch của cuộc đời khiến Park Geun Hye trở thành người phụ nữ “3 không” ở Hàn Quốc và châu Á: Không cha mẹ (bị ám sát), không chồng (đến nay vẫn chưa lấy chồng) và không con cái. Khi trở thành Tổng thống, bà được gọi là “người phụ nữ được gả cho Hàn Quốc”. Bà từng nói một câu khiến người người xúc động: Tôi không còn cha mẹ, không chồng, không con, quốc gia là đối tượng hy vọng để phục vụ duy nhất của tôi. "Giống như một người mẹ hy sinh cả đời mình cho gia đình, tôi sẽ trở thành một tổng thống chăm lo cho đời sống của từng người trong các bạn", bà tuyên bố trong cuộc họp báo khi trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.