Cuộc đua của các thiết bị âm thanh

19/09/2015 - 10:07
Gần đây, các chuyên gia công nghệ đã nỗ lực giới thiệu hàng loạt thiết bị nhằm cải thiện chất lượng nhạc số, với tham vọng đưa loại hình âm thanh này trở thành số 1 trên thị trường. Song “cuộc đua” có vẻ không cân sức.
CHẤP NHẬN “PHẬN HÀNG CHỢ”?
Theo các nhà kỹ thuật, giới công nghệ thường có thói quen quy chất lượng âm thanh của các bản ghi âm căn cứ vào độ phân giải (tính bằng đại lượng là “bit”). Theo đó, họ cho rằng một “tập tin” ghi âm thanh càng nhiều dữ liệu thì chất lượng âm thanh càng cao. Vì vậy, những nỗ lực của các nhà công nghệ trong việc nâng cấp chất lượng nhạc số là nhằm giải quyết vấn đề dữ liệu âm thanh.

 Tín đồ Analog chưa bao giờ coi âm thanh của CD là mẫu mực

Trong “bài toán nan giải” ấy, họ coi chất lượng của CD là “đạt chuẩn” (với bit-rate 1.411 Kb/giây), mặc dù “tín đồ Analog” chưa bao giờ họ coi âm thanh của CD là “mẫu mực”. Các nghệ sĩ cho rằng khi tạo ra bản nhạc gốc trên CD có chất lượng 100% thì người nghe chỉ nhận được 5% chất lượng nếu nghe bằng MP3.
Để nâng cấp chất lượng, từ khoảng 5-6 năm trở lại đây, một số trang dịch vụ đã mở bán các bài nhạc không nén FLAC trực tiếp như HDTracks, Magnatune, Zunior hay The Classical Shop… Một số nghệ sĩ cũng bắt đầu tạo ra các phiên bản không nén âm nhạc của mình trên các website, chẳng hạn Beatles hiện bán cả bộ 14 album nhạc không nén trong 1 USB với định dạng FLAC 24-bit, giá 300 USD, hay Trent Reznor ra mắt phiên bản không nén album “Ghost” gồm 4 phần của mình thông qua BitTorrent - cơ chế chia sẻ dữ liệu dung lượng cao thông dụng nhất hiện nay.
Thường thì trong những công chúng của nhạc số, không nhiều người ngồi nghe nhạc số ở những không gian “nghệ thuật cao cấp”, yêu cầu về chất lượng âm thanh vì thế thật ra cũng chỉ ở mức vừa phải. Trong môi trường đó, dẫu là âm thanh từ MP3 hay những bản lưu trữ không nén, có dung lượng lớn gấp hàng chục, hàng trăm lần, đều không có nhiều ý nghĩa.
Trong dịp quay trở lại Việt Nam biểu diễn mới đây, danh cầm Richard Clayderman từng tỏ ra thích thú khi biết được rằng, ở Việt Nam nhiều người coi thứ âm nhạc của ông là “nhạc thang máy” - với hàm ý đề cao tính phổ cập hơn là so sánh về tính hàn lâm với các danh cầm khác. Tương tự, nhạc số không nên đặt trong sự so sánh với các sản phẩm Hi-end với nền tảng là công nghệ Analog - nơi không chỉ xem xét giá trị của âm nhạc dưới các chỉ số về độ phân giải, mà còn được đặt dưới rất nhiều tiêu chí vô cùng tinh tế khác như màu sắc, sức biểu cảm, hiệu ứng từ độ cộng hưởng giữa các nhạc cụ… mà nhạc công nghệ có lẽ còn rất lâu nữa hoặc chẳng bao giờ đáp ứng được.
THEO LỐI RIÊNG
Nhiều người từng rất ngạc nhiên, thậm chí bực bội, khi bỏ cả trăm triệu đồng đầu tư những bộ ampli hay các cặp loa “cực khủng” để… hát karaoke, mà vẫn không thể “hay” bằng những bộ dàn chỉ có giá dăm bảy triệu đồng. Điều này cũng khá giống với chuyện có ai đó bỏ một số tiền rất lớn để đầu tư một dàn âm thanh trường phái hitech, rồi sau đấy phàn nàn rằng nghe nó không “tinh tế” và “thiếu màu sắc” hơn hẳn nếu đặt cạnh một cái máy… cassette có giá 400.000 đồng!
Mỗi loại hình lưu trữ hoặc xử lý âm thanh đều có những đặc tính riêng và không thể sử dụng thứ này lẫn lộn với thứ kia được. Do đó, nhạc số muốn phát triển mạnh mẽ hơn thì cần chấp nhận đi trên con đường riêng, phù hợp nhất với mình, thay vì cứ cố “gồng mình” để “chiến đấu với Analog vốn đang được coi là “quý tộc”, có thế thượng phong khó lòng đảo ngược.

Nhạc số và tính thuận tiện của nó sẽ hữu ích cho nhưng người nghe bận rộn 

Hiện nay, không ít người đam mê công nghệ và âm thanh đã đầu tư những khoản tiền rất lớn vào các thiết bị nghe nhạc số của mình. Anh Luận, một “tay chơi” có tiếng ở quận 2, TPHCM, cho biết: “Sau mỗi lần “nâng cấp”, mình luôn cảm thấy hài lòng và sung sướng, vì nghe âm thanh hay hơn hẳn trước đó. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì lại… chán, lại muốn tìm những thiết bị, phần mềm mới hơn để tiếp tục “nâng cấp”. Nhiều lần mình đã cố gắng tự trả lời cho câu hỏi “Cuộc chơi đến khi nào mới chấm dứt?” nhưng cuối cùng thì vẫn chưa có câu trả lời đích xác”.
Mọi chuyện chỉ tạm “dừng lại” khi anh sắm một dàn nghe CD và đĩa than hạng “cận hi-end”, còn dàn nghe nhạc số được “phân công” đảm nhiệm vai trò “góp vui” khi anh vừa làm việc khác vừa nghe nhạc. Theo quan điểm của anh Luận, công nghệ mang lại nhiều tiện ích nhưng riêng với lĩnh vực âm nhạc, thì đó không phải là con đường thích hợp để tạo nên phong cách cảm thụ nghệ thuật dành cho những người “bảo thủ” như anh.
Điều đó phần nào lý giải cho sự hồi sinh và phục hưng mạnh mẽ của trào lưu nghe nhạc Analog, mặc cho nhạc số không ngừng được “tiếp sức” bằng những thiết bị và phần mềm tối tân, ưu việt… Đây có lẽ không phải là cuộc chiến giữa cái cũ và cái mới, mà là cuộc xung đột giữa những trường phái cảm thụ thẩm mỹ khác nhau.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm