pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc hồi hương sau 16 năm của cậu bé gốc Việt có khối u che nửa mặt được mẹ Mỹ nhận nuôi
Cuộc hội ngộ sau 16 năm, cách xa nửa vòng Trái Đất
16 năm trước, Samuel Ian Ettore (tên tiếng Việt là Nguyễn Hùng Lê) là một đứa trẻ được nuôi dưỡng trong cô nhi viện tại Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh. Cậu được sinh non và có một khối u máu khổng lồ che nửa khuôn mặt. Khi gặp cha mẹ nuôi người Mỹ lần đầu, Hùng16 tháng tuổi nhưng rất yếu ớt, chưa biết đi, bị viêm phổi và nhiễm trùng tụ cầu.
Khi ấy mẹ nuôi của Hủng, Hope Ettore là nhà dịch tễ học công tác tại Đông Nam Á. Bà biết cậu bé đang phải đối diện với tình trạng sức khỏe tồi tệ, đang thoi thóp sống. Bà cũng biết Hùng không hẳn là một đứa trẻ mồ côi.
Bố nuôi của Sam tại lễ giao nhận con 16 năm trước.
Cán bộ trại trẻ thông tin, cha mẹ cậu bé vẫn còn sống tại Bình Phước. Cha mẹ ruột của cậu rất day dứt, nhưng được thuyết phục để con lại cô nhi viện, với hy vọng những u ám trong đời cậu bé sẽ được xua tan, nếu có người nước ngoài nào đó nhận nuôi và chăm sóc y tế.
Khi được đón sang Mỹ và trở thành người nhà Ettore, Sam (tên thân mật) chưa từng biết mặt cha mẹ cậu. Bố mẹ nuôi của Sam cũng không biết gì về gốc tích của con, ngoài một vài giấy tờ cơ bản.
Sam thời điểm mới sang Mỹ.
16 năm sau, bà Hope đưa Sam trở lại Việt Nam để gặp gỡ gia đình ruột của cậu bé. Trước đó, vào dịp Sam tốt nghiệp trung học phổ thông, bà Hope đã khoe hình ảnh cậu con trai khỏe khoắn, đẹp đẽ của mình lên mạng, ngỏ ý muốn nhờ cộng đồng mạng tìm giúp gia đình ruột của con. Bà hy vọng con trai tìm được gốc rễ trước khi vào đại học, và bà còn đang sống bên con. Hope đang chiến đấu với bệnh ung thư vú.
Thật kỳ diệu, chỉ 2 tháng sau khi Hope chia sẻ câu chuyện của gia đình mình trên mạng, những manh mối về thân thế của Sam đã được tìm thấy. Cuối tháng 8 vừa qua, bà Hope cùng con trai lớn và Sam đã về Việt Nam trong một cuộc hội ngộ đầy xúc động.
Nhà Ettore về Việt Nam du lịch và để Sam hội ngộ bố mẹ ruột.
Hope chia sẻ: “Chúng tôi đã dành 2 ngày để quây quần bên gia đình ruột của Sam, cố gắng để bù đắp cho 18 năm xa cách. Chúng tôi uống cà phê, nói chuyện (thông qua phiên dịch viên), ăn rất nhiều, ôm ấp, khóc cười cùng nhau. Cuộc hội ngộ quá ngắn ngủi.
Gia đình bố Hùng (bố, các anh, các chú và anh em họ) đã làm nghề trồng cây cao su này hàng chục năm nay. Họ vẫn sống ở đó (Bình Phước) và hàng ngày cạo mủ, thu hoạch mủ lỏng rồi đưa về nhà máy. Mẹ Liên và bà ngoại cũng rất chào đón chúng tôi. Sam đã được đoàn tụ với gia đình ruột thịt, đó là món quà tôi dành cho con khi 18 tuổi”.
Sam đã gặp lại bố mẹ ruột của cậu, sau 18 năm xa cách.
Sam, theo lời kể của mẹ Hope là đứa trẻ giàu tình cảm và ngọt ngào. Có lẽ vì thế mà lần đầu gặp mẹ Liên, bố Hùng, Sam nồng nhiệt chào đón họ, dang tay ôm họ, trong khi bố mẹ ruột của cậu và họ hàng khóc như mưa. Sam chấp nhận mẹ Liên, bố Hùng, bất chấp việc 18 năm qua trong cuộc đời cậu, họ không xuất hiện.
Không biết tiếng Việt, nhưng ngay khi mẹ Liên thì thầm vào tai “Mẹ yêu con!”, Sam vẫn nhẹ nhàng vỗ vỗ vào vai mẹ như thể vỗ về, dịu dàng như khi cậu nấu cho mẹ Hope ăn những ngày bà nằm bệnh.
Trái tim người mẹ Mỹ
Gia đình Ettore có tổng cộng 6 “đứa trẻ”, giờ đều đã trưởng thành. Vợ chồng bà Hope đã nuôi dạy 3 người con lớn, bé út Lilah (sinh 2 tuần sau khi Sam sang Mỹ) và một cậu con trai nuôi khác bằng tuổi Sam (đến từ Ethiopia) với tình yêu thương đậm sâu.
Riêng Sam, để có được tuổi 18 rực rỡ như hiện tại, cậu phải trải qua 5 lần phẫu thuật mặt và 2 lần phẫu thuật mắt. Cậu bé cũng từng được can thiệp vật lý trị liệu, tập các bài tập vận động, trị liệu ngôn ngữ và các liệu pháp hành vi… để vượt qua những vấn đề về giao tiếp và hòa nhập.
Sam được mẹ Hope nuôi dưỡng đúng như một người Mỹ gốc Việt - bằng sự gắn kết sâu sắc với cội nguồn và văn hóa. Từ khi Sam còn bé, bà đã nhắc rằng cậu là người Việt Nam, đưa con đến các lễ hội truyền thống của Việt Nam tại Mỹ và mua cho con những cuốn sách về Việt Nam. Sau tất cả, bà luôn khẳng định Sam có hai gia đình, và tìm gia đình ruột cho con là điều sớm muộn bà phải thực hiện.
Phát hiện mình mắc ung thư, bà càng muốn dành quỹ thời gian không còn quá dông dài của mình để tìm cha mẹ ruột cho Sam, để cậu bé có thêm chỗ dựa tinh thần những năm tháng về sau. Người mẹ ấy thấu hiểu sự bơ vơ, lạc lõng của một đứa trẻ gốc châu Á trên đất Mỹ, dù Sam được nuôi dưỡng và lớn lên trong sự nồng ấm và công bằng.
Hope bảo, cuộc hội ngộ cuối tháng 8 là một kỳ tích, bởi gia đình bà đã nhận được sự giúp đỡ của những người bạn tuyệt vời. “Đó là Thu Lê, một người bạn cũ của tôi. Thu sống ở Việt Nam, nhưng chúng tôi cùng tốt nghiệp SDSU. Cô ấy đề nghị giúp chúng tôi tìm gia đình ruột của Sam. Thu dịch những bài viết của tôi sang tiếng Việt cũng như chia sẻ nó trên mạng xã hội. Sau đó, bài đăng được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Oanh Nguyễn là một cô gái trẻ ngọt ngào sống ở Seattle. Cô ấy vô tình thấy một trong những bài viết của tôi về Sam và chú ý đến nó vì Oanh là người gốc ở Bình Phước và vẫn còn gia đình ở đó. Cô ấy liên lạc với dì của mình ở Bình Phước để hỏi xem có biết thông tin gì về cha mẹ đẻ của Sam không. Khi chúng tôi về Việt Nam gặp gia đình ruột của Sam, Oanh cũng phấn khích như chúng tôi vậy.
Lê Giang là người dì sống ở Bình Phước của Oanh. Sau khi xem bài đăng, cô ấy cảm thấy câu chuyện có vẻ quen quen. Giang nhanh chóng nhận ra bố mẹ của Sam còn đang là công nhân cạo mủ cao su của công ty mình.
Lê Giang đã gặp mẹ Liên của Sam trước. Vì không biết nói tiếng Anh, mẹ Liên đã mẹ nhờ Oanh kết nối cuộc gọi với Sam và phiên dịch giúp họ. Đó là cách Sam gặp mẹ ruột, lần đầu tiên sau 16 năm! Sam cũng đã trò chuyện lần đầu với bố theo cách đó. Lê Giang cũng là người giúp điều phối chuyến đi của chúng tôi, đặt giúp phòng khách sạn và gọi xe cho chúng tôi. Cô ấy thật vô giá!
Cuộc hội ngộ tại Bình Phước của hai gia đình diễn ra nhờ những người bạn đặc biệt.
Thịnh Nguyễn, tài xế của chúng tôi, đã đón chúng tôi ở thành phố Hồ Chí Minh và đồng hành cùng chúng tôi liên tục trong 3 ngày. Bình Phước cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 4 giờ lái xe. Anh ấy là một chiến binh!
Khi Thu bận việc, không thể đi cùng chúng tôi đi Bình Phước, chúng tôi đã kết nối được với Thi Nguyễn, một sinh viên chuyên ngành tiếng Anh. Cô ấy là phiên dịch của chúng tôi 24/7 trong những ngày chúng tôi ở Bình Phước, giúp chúng tôi trò chuyện, giao tiếp với nhau.
Không có gì tôi có thể làm để cảm ơn những người này cho đủ. Tôi chỉ muốn nói rằng, họ giờ là những người bạn suốt đời của gia đình Ettore.”.