Cuộc sống bận rộn của bà mẹ sinh 5

07/08/2015 - 16:59
“Chăm cùng lúc 5 đứa con rất mệt. Cứ cho đứa đầu đến đứa cuối bú xong, quay ra rửa bình, thay tã, tắm rửa… là đứa đầu lại khóc, đòi bú. Tôi quay như chong chóng với “cả núi” công việc, một ngày trôi qua lúc nào cũng chẳng hay”, chị Lê Huỳnh Anh Thư tâm sự

Ngôi nhà của vợ chồng chị Thư ở Q.5, TPHCM, những ngày qua ngập tràn niềm vui nhưng cũng bộn bề lo toan. Bước vào nhà, cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những cháu bé sinh 5 “đủ nếp đủ tẻ” được cha mẹ đặt nằm trên đi-văng, xếp theo số thứ tự từ 1 đến 5, lần lượt với các tên gọi Huynh - Đệ - Lộc - Phượng - Muội. Hằng ngày, luôn có ít nhất 3 người thay nhau chăm sóc, trông nom các bé. Đó là ba, mẹ và bà nội. Còn bà ngoại thì những ngày cuối tuần lại tranh thủ từ Tiền Giang lên Sài Gòn phụ chăm các cháu.

Chị Thư cùng người thân chăm sóc các bé (ảnh chụp 13/6/2013)

Tận mắt chứng kiến công đoạn chăm sóc, nuôi dưỡng cùng lúc 5 đứa trẻ sinh non mới thấy hết được sự vất vả, cực nhọc. Vào sáng sớm, 5 bình sữa được chị Thư pha từ trước và ủ ấm. Bà Nguyễn Thị Kim (bà nội) “phụ trách” 2 bình sữa cho 2 cô cháu gái. Chị Thư “tiếp quản” cậu cả và cậu 3, còn cậu thứ 2 thì giao cho bà ngoại chăm sóc. Chị Thư tâm sự: “3 tháng sau cuộc vượt cạn ấy, sức khỏe của tôi đã dần hồi phục. Tôi cố gắng ăn uống điều độ để lấy sữa cho con bú. Các cháu rất thích bú sữa mẹ nhưng lượng sữa mẹ không đủ cung cấp nên phải uống sữa ngoài”.

Chị Thư nựng cậu cả (Ảnh chụp 13/6/2013)

Sau khi cho các bé bú bình, bà Kim lại lụi cụi chuẩn bị nước ấm để tắm cho các cháu. Bà nhẹ nhàng nâng từng cháu, dùng khăn ẩm vừa vắt bớt nước lau đầu, rồi lau toàn bộ người của bé, sau đó cẩn thận massage, vệ sinh lỗ mũi, rơ miệng và từ từ bọc cháu vào chiếc khăn mềm, chuyển cho chị Thư đang ngồi bên cạnh, đóng bỉm và đặt bé lên nệm. Bà khoe: “Cậu cả tên Huynh này “hóng” chuyện lắm đấy. Miệng cứ há tròn xoe, ê a như muốn nói chuyện vậy!”. Tắm cho cậu thứ 2, bà Kim xuýt xoa: “Cậu này nhẹ cân hơn anh cả và em 3 vì bị chèn, nhưng “có da có thịt” hẳn chứ không bé xíu như hôm mới từ bệnh viện về”.

Chị Thư bộc bạch: “Lương chạy taxi của chồng tôi chỉ có 6 triệu đồng/tháng nên cũng khó khăn lắm”. Vừa nói chị vừa nựng con, gương mặt ngập tràn hạnh phúc nhưng vẫn không giấu nổi những nỗi lo đan xen.

Cân nhắc kỹ khi mang đa thai

ThS, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng phòng khám Hoàng Gia, chia sẻ: “Đa thai trong hỗ trợ sinh sản (HTSS) có thể coi như một biến chứng trong quá trình kích thích buồng trứng. Đa thai sẽ mang đến rất nhiều nguy cơ cho mẹ và con, làm giảm đi cơ hội đưa được một đứa trẻ khỏe mạnh về nhà sau quá trình điều trị. Vì thế, chiến lược của HTSS là ngoài gia tăng tỉ lệ thành công còn phải giảm tỉ lệ đa thai”.

Trong các ca có thai nhờ hỗ trợ sinh sản, thường các bác sĩ luôn tư vấn rõ về các nguy cơ và khuyến cáo thai phụ cùng gia đình trước tuần thứ 8 nên bỏ bớt phôi thai, chỉ giữ lại 1 hoặc 2 phôi khỏe mạnh. Ngoài việc phải vất vả lo chăm sóc, nuôi dưỡng cho nhiều con cùng lúc một khi mẹ tròn con vuông, các bà mẹ mang đa thai còn đứng trước những nguy cơ tai biến khó lường. Bác sĩ Trung khuyến cáo: “Thai kỳ đa thai luôn là một thai kỳ nguy cơ cao. Người mẹ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật; tăng nguy cơ tai biến do diện nhau bám rộng làm đờ tử cung, băng huyết, chảy máu sau sinh… Đa thai cũng thường dẫn đến sinh non, nguy cơ đối với trẻ non tháng là ngạt sau sinh, hạ thân nhiệt, suy hô hấp, hạ đường huyết, vàng da sơ sinh, nhiễm trùng, bệnh lý võng mạc, chậm tăng trưởng thể chất, trí tuệ… Đây là điều để các gia đình có con bằng phương pháp HTSS phải cân nhắc kỹ”.

Theo ThS, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, Trưởng phòng khám Hoàng Gia

 

Trẻ non tháng do mẹ mang đa thai cần một chế độ chăm sóc đặc biệt:

Đảm bảo dinh dưỡng: Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo giúp bé tăng khả năng miễn dịch. Thành phần (các tế bào sống, các enzym, hormone, lactoferrin và lysozyme) trong sữa mẹ giúp bé hạn chế cao khả năng bị nhiễm trùng, tăng trưởng và cung cấp một nguồn protein cực lớn cho trẻ. Trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân cần bú được lượng sữa gấp 3 lần so với trẻ bình thường.

Chăm sóc ở nhà: Giữ sạch, hấp hoặc ủi, khử trùng đối với tã lót trước khi sử dụng. Khi trời lạnh cần lưu ý giữ ấm. Ngoài ra, mẹ cũng cần tắm nắng cho bé để bé tận hưởng nguồn vitamin D từ ánh sáng mặt trời, thời gian tốt nhất để tắm nắng là trước 9h sáng (khoảng 10-15 phút mỗi lần).

Theo dõi sát các biểu hiện của trẻ hằng ngày như: Nhịp thở, màu sắc da, tiêu hóa. Những dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay: vàng da nhiều tăng nhanh, ngủ nhiều khó thức dậy, kích thích nhiều hơn, bú kém, khó thở, xanh tái quanh môi, mắt hoặc miệng, sốt hoặc hạ thân nhiệt, không tiểu > 12 giờ, không tiêu > 4 ngày, phân đen hoặc có máu… Tuân thủ lịch tái khám trẻ sinh non, cùng các bác sĩ tích cực theo đuổi một chiến lược dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ.

Massage cho bé: Công việc này sẽ giúp bộ máy hô hấp của trẻ hoạt động tốt hơn, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất và đào thải những độc tố qua da. Một điều rất quan trọng là giúp tăng cường sự kết nối tình mẫu tử, bé gần gũi mẹ hơn. 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm