pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc sống lập dị đến khó tin của họa sĩ siêu thực bậc thầy
Bức tranh sơn dầu trên vải canvas "Perseus Freeing Andromeda" của Piero di Cosimo.
Xuất hiện cùng thời với những danh họa nổi tiếng như: Botticelli, Leonardo và Michelangelo, tài năng của Piero di Cosimo (1462-1522) bị quên lãng suốt nhiều thế kỷ. Mãi đến những năm 1930, ông mới được tôn vinh là bậc thầy của chủ nghĩa hội họa siêu thực.
Cuộc sống lập dị
Piero di Cosimo là một người đàn ông kỳ quặc. Ông sống trong cảnh nhếch nhác với những căn phòng bừa bộn và một khu vườn bỏ hoang. Ông sợ giông bão, tiếng ho lớn, tiếng tụng kinh của các tu sĩ, sợ lửa tới mức hiếm khi nấu thức ăn. Mỗi lần nấu hồ dán dùng cho các bức tranh, Piero di Cosimo lại đun 50 quả trứng để ăn.
Hoạ sĩ kỳ lạ này cũng không cho ai dọn dẹp xưởng vẽ của mình hoặc cắt tỉa cây trong vườn. Trong cuốn sách Lives of the Most Excellent Painters, Sculptors, and Architects, tác giả Giorgio Vasari viết rằng Piero di Cosimo sống “giống một con thú hơn là con người”.
Ý tưởng cho các bức tranh của Piero di Cosimo được cho là đến từ việc nhìn chằm chằm hàng giờ vào bức tường bẩn, nơi nhiều người nhổ nước bọt. Ông nhìn thấy những thành phố, phong cảnh và cuộc chiến trong những vết dơ.
Theo Giorgio Vasari, vào những năm cuối của cuộc đời, Piero di Cosimo “kỳ lạ và lập dị tới mức không thể làm gì được với ông ấy”.
Bậc thầy hội họa siêu thực
Là con trai của một thợ kim hoàn Lorenzo di Piero, Piero sinh ra ở Florence và học nghề vẽ dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Cosimo Rosseli. Sau này chính ông là người tham gia vẽ khung cảnh bức bích họa nổi tiếng của Cosimo Rosseli tại Nhà nguyện Sistine.
Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Piero bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tự nhiên người Hà Lan của Hugo van der Goes. Có lẽ từ đó, ông yêu phong cảnh, kiến thức sâu sắc về sự phát triển của các loài hoa và đời sống động vật.
Ông theo Cosimo Rosseli đến Rome vào năm 1482, bắt đầu sáng tạo những tác phẩm mang chủ đề thần thoại cổ điển, thông qua các tác phẩm như: Venus, Mars, and Cupid và The Death of Procris hay Perseus and Andromeda.
Lấy cảm hứng từ câu chuyện của Vitruvius về sự tiến hóa của con người, các sáng tác thần thoại của Piero cho thấy sự hiện diện kỳ lạ của các dạng lai giữa người và động vật, hoặc người đàn ông học cách sử dụng lửa và công cụ. Rất nhiều hình ảnh khỏa thân trong các tác phẩm này cho thấy ảnh hưởng của danh họa cùng thời Luca Signorelli đối với nghệ thuật của Piero.
Lorenzo di Piero trở thành tên tuổi được giới quý tộc yêu thích mỗi khi muốn trang trí dinh thự bằng những khung cảnh trong thần thoại Hy Lạp và La Mã. Nhiều tác phẩm của ông pha trộn độc đáo những chi tiết kỳ lạ vào trong các bức tranh chủ đề tôn giáo.
Sự công nhận muộn màng
Bất chấp sự thành công đó, Piero phần nào bị lãng quên trong danh sách các họa sĩ nổi tiếng thời Phục hưng. Nhiều thế kỷ sau, đến những năm 1930, ông được những họa sĩ theo trường phái siêu thực công nhận là danh họa bậc thầy. Năm 1946, giới học thuật bắt đầu chú ý đến Piero di Cosimo với chuyên khảo của Robert Langton Douglas.
Mãi đến năm 2014, tác phẩm của ông mới được tổ chức một cuộc triển lãm lớn tại Phòng trưng bày Nghệ thuật Quốc gia Mỹ.
Đầu năm nay, Sarah Blake McHam xuất bản cuốn sách chuyên khảo Piero di Cosimo: Eccentricity and Delight, tập hợp những thông tin chưa được biết đến rộng rãi về cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ siêu thực bậc thầy thời Phục Hưng.
Dưới bàn tay của Blake McHam, toàn bộ tài năng của Piero được khám phá. Tác giả cũng làm sáng tỏ cách tiếp cận độc đáo của Piero đối với hội họa tôn giáo. Qua kể của Blake McHam, tài năng hội họa của Piero không chỉ là tiến bộ về mặt kỹ thuật mà còn cả tính thần học trong các bức tranh.
Bên cạnh đó, Piero di Cosimo: Eccentricity and Delight còn khám phá bối cảnh ra đời các tác phẩm nổi tiếng và mối quan hệ của Piero với những danh họa cùng thời như: Botticelli, Leonardo.