pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cuộc sống qua lăng kính của vị nhiếp ảnh gia bị mù, làm tất cả mọi thứ chỉ bằng sự tưởng tượng của mình
Khi sắp sửa bị mù, Pete Eckert quyết định đưa những cảm xúc về sự mất mát của anh vào nghệ thuật. Thời điểm những năm 20 tuổi, Pete thường dành cả ngày dài để thực hiện những tác phẩm vẽ than chì và điêu khắc gỗ trước khi bảo vợ miêu tả thành quả cho mình nghe.
Nhiệm vụ ấy khiến vợ Pete như muốn phát điên, chính xác theo miêu tả của anh là vậy. Chính vì lẽ đó nên một thời gian sau, Pete quyết định chuyển hướng sang nhiếp ảnh.
"Khi tôi mới bắt đầu, máy ảnh kỹ thuật số vẫn chưa phổ biến. Tôi đi vào các cửa tiệm chụp hình, mua 2 cuộn phim và hỏi 10 câu hỏi. Tôi cứ đi đến đó mỗi ngày và nhờ vào việc hỏi rồi nhận câu trả lời, tôi đã học được cách chụp hình" - Pete, hiện đang sống ở Sacramento, California, Mỹ, nói.
Hơn 20 năm sau khi mất đi hoàn toàn thị lực vì bệnh viêm võng mạc sắc tố, một căn bệnh thoái hóa mắt, Pete đã gây dựng sự nghiệp thành công với tư cách là một nhiếp ảnh gia tự học. Những bức ảnh của anh được mọi người biết đến nhiều hơn khi được tạp chí Playboy để mắt đến và gần đây, hãng xe hơi nổi tiếng Volkswagen đã gửi lời mời Pete làm nhiếp ảnh gia thực hiện bộ ảnh cho chiến dịch quảng bá sản phẩm ô tô mới.
Trong lần thực hiện bộ ảnh đầu tiên của mình, Pete đã đi du ngoạn vào ban đêm cùng với một người chăn cừu người Đức, Uzu, làm nhiệm vụ bảo vệ anh. Khi đó, anh chỉ tập trung chụp những bức tượng trước khi tìm ra những chủ thể ấn tượng hơn.
"Cho ra đời những bức ảnh chụp tượng có vẻ như không công bằng lắm bởi vì bản thân bức tượng đã là một tác phẩm nghệ thuật rồi. Điều tôi đang kiếm tìm chính là cho mọi người thấy mù lòa thật sự là gì" - Pete chia sẻ.
Với mục tiêu ấy, Pete đã tạo ra những tác phẩm có tính thẩm mỹ riêng biệt. Đó là các hình vẽ mờ ảo, ma quái và đầy chất nghệ. Pete xây dựng hình ảnh trong đầu, sử dụng giọng nói và cảm ứng để hình dung, chỉnh sửa chúng.
"Ví dụ muốn vẽ một con dơi, tôi sẽ dùng giọng nói của mình để định vị mô hình. Tôi cho ánh sáng vào, đo đạc lại mọi thứ cho đến khi tôi hài lòng với hình ảnh trong đầu mình. Bởi vì tôi là người dựng lên hình ảnh, tôi nắm rõ tất cả mọi chi tiết và tôi dường không cần sự trợ giúp của người sáng mắt nào" - Pete nói.
Hầu hết những bức ảnh của Pete đều được chụp trong studio của anh. "Bus series' là một trong những bộ ảnh ấn tượng của Pete, chủ đề nói về những khó khăn mà người mù và khuyết tật phải đối mặt mỗi khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.
Tác phẩm của Pete không đơn giản chỉ là sự ẩn dụ của mù lòa. Rất nhiều bức ảnh thể hiện những gì đang diễn ra trong đầu của vị nhiếp ảnh gia này, cho phép người bình thường có thể thấy được thế giới của anh.
Pete khẳng định anh có thể nhìn thấy "ánh sáng" phát ra từ xương của mình. Anh tin đó chính là kết quả của những nỗ lực không ngừng để nhận thức thế giới xung quanh mà anh đã và đang làm trong suốt thời gian qua.
"20 năm qua, tôi đã cố gắng điều chỉnh lại vỏ não thị giác của mình bằng âm thanh và trí nhớ. Tôi tin rằng nếu chụp MRI, người ta sẽ phát hiện vỏ não thị giác của tôi vẫn hoạt động như bình thường và thậm chí nó còn được kết nối với các giác quan khác của tôi nữa" - Pete chia sẻ.
(Nguồn: CNN)