Cuộc tranh cãi 'Người trẻ ngồi trên nóc tủ'

31/12/2015 - 11:55
Sau khi bài viết 'Những bạn trẻ ngồi trên nóc tủ' nói về các sinh viên mới ra trường rất 'chảnh' khi xin việc trở thành tâm điểm dư luận, một bạn trẻ đã có bài viết 'phản pháo'.
Bài viết 'Những bạn trẻ ngồi trên nóc tủ' được facebooker Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch NBN Media - đăng tải trên trang cá nhân. Anh viết: Trải qua vô số cuộc phỏng vấn tuyển dụng và trao đổi với các bạn đang là chủ doanh nghiệp, mình rất ngạc nhiên khi thấy “một bộ phận không nhỏ” những bạn trẻ non cả về kiến thức lẫn non nghề, con nhà nghèo, gánh nặng gia đình đang đè nặng trên đôi vai mỏi mòn của cha mẹ song lại cực “chảnh” và ảo tưởng nặng về bản thân khi đi xin việc - thể hiện qua việc luôn nói cái này cái kia mình "thích hay không thích".

Cuối bài, anh Ngọc khuyên: Nhiều bạn trẻ chưa lo nổi ly cafe sáng mà đã đòi chễm chệ ngay trên đỉnh tháp Maslow thì quả là điều không tưởng. Hãy tỉnh lại, và leo xuống đi các bạn đang say sưa giấc nồng trên “nóc tủ cuộc đời”.
 
Rất nhanh sau khi bài viết của anh Ngọc được lan truyền, bạn trẻ Kim Tuyến (cựu sinh viên Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) đã lên tiếng tranh luận. Bạn cho rằng, mới ra trường không có nghĩa sức lao động là miễn phí. Tác giả viết:

"Tôi và những bạn bè cùng thời còn nhớ những lần nộp đơn đi xin việc. Người tuyển dụng nhìn chúng tôi bằng thái độ ơ hờ và coi như không khí. Một anh tuyển dụng lật lật hồ sơ rồi phán: “Mới ra trường hả, chắc chưa có kinh nghiệm”.

Anh ấy hỏi tôi vài câu, thỏa thuận lương với mức rẻ phân nửa so với nội dung quảng cáo tuyển dụng đã ghi - thử việc 3 tháng và chỉ trả 70% số lương. Sau đó, anh ta nói với giọng ban ơn: “Vậy là tốt lắm rồi, tụi em mới ra trường, vô đây anh phải đào tạo. Nhiều nơi còn không trả lương nữa, chứ đừng nói là lương cao hay thấp”.

Thực trạng hiện nay là rất nhiều sinh viên là trường thất nghiệp

Tôi lắc đầu không đồng ý, nhưng nhỏ bạn thì ở lại làm. Nó kể, không có bất cứ phúc lợi gì, không bảo hiểm, không hợp đồng lao động và làm cả tỉ việc không tên khác nhau - làm thêm giờ không bao giờ tính thêm tiền ngoài giờ, trong khi những người khác trong phòng đều có, chỉ đơn giản “em là sinh viên mới ra trường”.

Người viết đặt câu hỏi: Muốn lên cấp 2 phải thi chuyển cấp 1, muốn lên cấp 3 cũng thi chuyển cấp 2 và khi muốn lên đại học cũng phải thi tuyển rõ ràng. Vậy mà khi ra trường, rất ít công ty tuyển dụng tổ chức thi tuyển tìm người có năng lực mà chỉ nhìn vào tuổi, số năm đi làm. Kim Tuyến khẳng định: Hãy thành thật với nhau đi, nếu anh là chủ doanh nghiệp, có bao giờ trong đầu anh có suy nghĩ: Không có tiền thì thuê mấy đứa sinh viên mới ra trường cho rẻ, tụi nó trả bao nhiêu chả chịu làm!

Cô tiếp tục kể:

Tôi nhớ một chị sếp cũ ngày xưa khi mới ra trường, chị luôn nghĩ là “ban ơn” cho tôi để có được công việc với đồng lương rẻ bèo. Ngoài việc làm công việc chuyên môn, tôi còn làm rất nhiều việc không tên khác như đón con của chị, đi đóng tiền điện nước, mua cafe, cơm trưa, lau dọn bàn mỗi ngày, đi siêu thị giùm… Tôi vẫn cố gắng làm vì lúc đó ngây thơ nghĩ chỉ là giúp đỡ chị ấy, nhưng thực tế chị nghĩ đó là nghĩa vụ của tôi. Rồi một hôm bận nên tôi nói không đi chợ giúp được, thế là sếp đá xéo, nói tôi thiếu lễ độ.

Cô cho rằng, bản mô tả công việc của các doanh nghiệp luôn mơ hồ và dối trá dai dẳng: "... tôi nghĩ mình làm 5 phần công việc, lương vậy cũng được... Nhưng tôi trải qua những ngày làm việc bán sống bán chết, hết thảy việc này đến việc khác, miệt mài cho đến khi ngã bệnh, nằm một xó trong bệnh viện mới chợt nghĩ ra, trời ơi, họ trả 5 đồng để mình làm 5 việc, vậy mà giờ họ bắt mình làm 15 việc vẫn trả 5 đồng… Và khi trao đổi với ông chủ điều đó, ông tím mặt và nói tôi là không biết tự lượng sức, tự đề cao bản thân, tự ảo tưởng…"

Vì thế, Kim Tuyến đưa ra lời khuyên: Bạn đừng hy vọng những lời họ sẽ thành hiện thực khi họ nói nửa năm sẽ tăng lương, doanh thu công ty tốt sẽ thưởng cao, bạn sẽ có hoa hồng khi đem về hợp đồng, bạn sẽ được tăng lương khi làm thêm giờ. Hãy biến những lời nói ấy bằng văn bản hợp đồng rõ ràng, nếu nó chỉ dừng lại ở lời nói thì bạn mơ đi, họ sẽ quên sau 30 giây và chỉ mỗi một mình bạn nhớ.

Cuối cùng, Kim Tuyến nêu quan điểm: "Đừng lên án mấy bạn trẻ, mấy bạn sinh viên mới ra trường ảo tưởng về sức mạnh bản thân. Đơn giản ai cũng cần được tôn trọng, cần được thực hiện lời hứa, cần được đối xử công bằng, dù họ có là “sinh viên mới ra trường”.

Bài viết của Kim Tuyến cũng nhận được nhiều phản hồi của cộng đồng mạng. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến đồng quan điểm với tài khoản Nguyễn Việt Khoa, cho rằng: "Tôi nghĩ những câu chuyện Kim Tuyến kể về các ông bà chủ doanh nghiệp sai đi chợ, đón con... là có thật nhưng không nhiều trong khi các bạn trẻ mới ra trường chưa có kinh nghiệm lại ảo tưởng về bản thân thì đang là tình trạng rất phổ biến".

Bài 'Hãy xuống đi hỡi những bạn trẻ đang ngồi trên nóc tủ' cũng chả có gì là nặng lời cả - facebooker Lan Nguyen viết.

Mình không khẳng định ai đúng ai sai, nhưng có một sự thật chắc chắn: sinh viên ra trường không có kinh nghiệm bởi trường ĐH ở Việt Nam chỉ nặng lý thuyết, ít thực hành. Lỗi này không hẳn thuộc hoàn toàn về sinh viên, nhưng lí do đó cũng khiến các nhà tuyển dụng phải cân nhắc là đương nhiên thôi' - Trương Tuấn Nghĩa bình luận.

Hãy xuống đi hỡi những bạn trẻ đang ngồi "trên nóc tủ"

"Trải qua vô số cuộc phỏng vấn tuyển dụng và trao đổi với các bạn đang là chủ doanh nghiệp, mình rất ngạc nhiên khi thấy “một bộ phận không nhỏ” những bạn trẻ non cả về kiến thức lẫn non nghề, con nhà nghèo, gánh nặng gia đình đang đè nặng trên đôi vai mỏi mòn của cha mẹ song lại cực “chảnh” và ảo tưởng nặng về bản thân khi đi xin việc – thể hiện qua việc luôn nói cái này cái kia mình Thích hay Không Thích.

Các bạn luôn mong muốn phải được ngồi vào những vị trí trọng vọng nhất; bất chấp nó không phù hợp với năng lực bản thân. Thí dụ như quản lý nhóm 3 người không xong nhưng lại chỉ muốn làm Giám đốc Kinh doanh, lập kế hoạch cho một việc chưa được nhưng lại muốn thêm chữ Senior vào trước chức danh, và nói chung chưa làm được việc nhỏ đã đòi làm việc to... Khi bị yêu cầu đi tuần tự, đảm nhận đúng năng lực, các bạn liền giãy nẩy, và lấy cớ thích hay không thích, các bạn sẽ sẵn sàng nghỉ việc dù trong túi không đủ tiền trả 2 ly cafe.
                                       Ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch NBN Media

Bệnh này còn có cả ở các “cao nhân” khởi nghiệp. Việc đầu tiên các bạn mở miệng ra là cái này em thích nên em làm; bất chấp thị trường có cần không.

Tất nhiên phần lớn các bạn khởi nghiệp có cách tiếp cận kiểu “sống cùng đam mê” này đều thất bại đau đớn. Một số bạn dùng tiền người khác thì ra đi để lại một đống rác... thôi rồi!

Nói một cách hình tượng là các bạn chưa thành người nhưng đã đòi leo ngay lên nóc tủ ngồi, theo mô hình tháp Maslow thì leo ngay lên đỉnh tháp mà ngự...

Chuyện đơn giản thôi, các bạn hãy chịu khó chút, đi từ đáy tháp, tu tập, trang bị kinh nghiệm và kiến thức, tự lo được cho bản thân các nhu cầu thiết yếu hàng ngày như ăn, mặc, chỗ ở... đỡ cha mẹ đi rồi hẵng leo dần lên, đâu có muộn. Còn đằng này chưa lo nổi ly cafe sáng mà đã đòi chễm chệ ngay trên đỉnh tháp Maslow thì quả là điều không tưởng...".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm