Cuộc trở về của 'thuyền nhân nô lệ'

16/03/2016 - 07:00
Sau loạt bài phóng sự điều tra của hãng tin AP về cuộc sống của những lao động bị cưỡng bức làm việc trên những chiếc thuyền đánh cá ở vùng biển Đông Nam Á, Chính phủ Indonesia đã tiến hành giải cứu và đưa về nước hơn 800 nô lệ...

Năm 1993, một người đàn ông lạ đến một ngôi làng hẻo lánh của Myanmar tìm những chàng trai khỏe mạnh để đưa đi nước ngoài làm việc. Ai đi với ông sẽ nhận ngay 300 USD. Myint Naigh là một trong số ấy. Myint Naigh, khi đó mới 18 tuổi, nhẩm tính với số tiền đó, gia đình anh có thể sống cả năm trong khi anh chỉ đi làm xa nhà có vài tháng. 3 năm qua, từ ngày bố mất, nhà anh mất đi trụ cột vững chắc. Myint luôn cố hết sức đỡ đần với mẹ mọi việc trong ngoài nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau. Bởi thế, anh không muốn bỏ qua cơ hội quý báu này để để giúp gia đình. Myint còn nhớ rõ như in ngày hôm ấy, bọn chúng hối anh phải đi ngay như sợ chần chừ thêm một vài phút nữa anh sẽ đổi ý, đến nỗi anh không kịp từ biệt mẹ già...

Myint Naigh đoàn tụ với gia đình sau 22 năm xa cách. 

Sau 15 ngày bồng bềnh trên biển, anh và đồng nghiệp được thông báo một tin sét đánh là các anh đã bị bán làm nô lệ và không bao giờ được tự do quay về nhà nữa. Từ đó, anh bước vào kiếp sống giữa “địa ngục trần gian”. Anh phải làm việc cật lực giữa cuồn cuộn sóng gió, nắng cháy thịt da, thậm chí là làm quần quật suốt 24 tiếng đồng hồ mà không hề được nghỉ ngơi. Tháng nào hậu hĩnh lắm, anh được phát chỉ 10 USD. Còn không thì anh vẫn phải làm như một nghĩa vụ của kẻ tôi đòi không còn một chút tự do cho riêng mình. Thân phận của những con người thấp cổ bé họng như anh có khi còn bị coi rẻ hơn cả những mẻ cá vớt lên từ lòng đại dương. Nhát roi hung tợn của thuyền trưởng không biết nương tay với bất cứ ai. Làm việc kém năng suất, tranh thủ nghỉ giải lao hay đau bệnh đều bị đánh. Đã có nhiều người bị giết chết và vứt xác xuống biển vì bệnh hoạn hoặc muốn trốn thoát.

Bất chấp những lời đe dọa, Myint đã tự trói tay mình lại, dập đầu dưới chân thuyền trưởng để xin về với gia đình. Thuyền trưởng đã trả lời nguyện vọng thiết tha của anh bằng một trận đòn nhừ tử. Sau đó, họ xích chân anh lại, bỏ đói, phơi nắng, phơi sương 3 ngày, 3 đêm. Nếu như cảnh lao động khắc nghiệt, tàn bạo vô nhân đạo không thể giết chết tình cảm nhớ mong gia đình trong anh thì những sợi xích vô tri cũng phải đầu hàng ý chí và niềm hy vọng của anh. Sau những phút ngã lòng vì “yêu sách” thất bại, anh ngồi dậy, loay hoay tìm cách bẻ khóa. Bằng cách sử dụng những cái móc kim loại trên quần áo, anh mài mài, giũa giũa cho đến khi nghe được tiếng “cách” rất khẽ và gọng khóa bật ra mới thôi. Anh run bắn người vì vui sướng nhưng ngay lập tức anh trấn tĩnh lại ngay. Phải trốn thoát trước khi bọn chúng phát hiện.

Định thần lại, Myint nhảy khỏi thuyền và bơi mãi, bơi mãi cho đến khi chạm vào bờ thì anh mới có thể tin rằng mình đã thoát chết. Khi choàng tỉnh dậy, anh thấy mình đang ở trong nhà của một ngư dân trên  đảo Maluku (Indonesia). Để trả ơn cứu mạng, anh ở lại làm việc với họ trong suốt 5 năm và được họ yêu quý dạy nói tiếng bản địa. Nhưng khi họ ngỏ ý giúp anh cưới một người vợ Indonesia để định cư lại đó thì anh một mực từ chối. Vì chưa bao giờ anh quên rằng ở đất nước Myanmar xa xôi, có một người mẹ luôn ngóng ra cửa đợi anh mỗi sáng, mỗi chiều dù đứa con đi xa chưa kịp nói một lời từ giã hay ước hẹn ngày nào đó sẽ quay về. Nếu có một phép màu, chắc chắn là anh sẽ về ngay bên mẹ. Anh vẫn thường mơ như thế cho đến khi thực tại phũ phàng kéo anh về với thân phận một kẻ nô lệ khốn cùng, một kẻ nhập cư trái phép không có một tờ giấy lận lưng...

Năm 2001, sau 5 năm chờ đợi mà không thấy dịp may nào đến. Một lần nữa, anh lại ra khơi vì tin lời người chủ thuyền hứa hẹn sẽ giúp anh trở về Myanmar. Khi nhận ra đây chỉ là chiêu trò mới của những kẻ bịp bợm đã lừa đảo anh trước đây, anh tìm mọi cách phóng ra khỏi boong tàu. Vượt qua mọi nghịch cảnh, anh hy vọng tìm một con đường sống, một con đường trở về quê hương. Lần này, anh trôi dạt đến một khu rừng. Ở đó, anh tự xoay xở cho mình một cuộc sống tự cung tự cấp trong gần 3 năm. Cho đến khi người dân bản địa phát hiện, họ dang rộng vòng tay nhân ái đón anh về ở cùng. Tuy vậy, giữa xứ quê người, anh vẫn thấy mình như một người khách lạ. Đến năm 2011, anh quyết định đi đến đảo Dobo, nơi có nhiều người Indonesia sinh sống để nguôi ngoai niềm nhớ cố hương.

Một ngày hè nắng đẹp tháng 4/2015, Myint và những người đồng cảnh ngộ vỡ òa trong niềm vui sướng khi hay tin mình sẽ được Chính phủ Indonesia giải cứu và đưa về quê hương. Sau 22 năm lưu lạc, cuộc đoàn viên đến với anh nhẹ nhàng như một giấc mơ. Vừa đặt chân lên đất nước Myanmar, người đàn ông dạn dày sương gió bỗng chốc trở nên lóng ngóng như một đứa trẻ không biết kiềm chế cảm xúc. Anh òa khóc khi thấy cô em gái đang đứng đợi ở đầu ngõ. Bà mẹ nhìn thấy con, vừa đi vừa chạy cứ như là sợ anh sẽ biến mất như bao nhiêu giấc mơ của bà trước đó. Mẹ con, anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Bao nhiêu thương nhớ, xót xa cho những ngày chia ly giờ đã trào hết ra qua những dòng nước mắt. Nước mắt hòa lẫn nụ cười, Myint Naigh nói niềm xúc động: “Từ bây giờ, tôi sẽ không đi đâu nữa, tôi sẽ làm việc và chết trên mảnh đất quê mình”.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm