Cưới xong là... mất tự do

28/08/2015 - 10:23
Nhiều người hiện nay cho rằng kết hôn là mất tự do, là không được làm những điều mình thích. Chính vì vậy, dù có yêu nhau mặn nồng, tha thiết, họ cũng không muốn bị ràng buộc về pháp lý.
Mất tự do sau kết hôn là điều mà giới trẻ hiện nay đang lo lắng (Ảnh minh họa)

Khi con cái đã lớn, một trong những điều mong mỏi nhất của cha mẹ là con yên bề gia thất, có đũa có đôi, chứ “lêu têu” mãi thì biết bao giờ mới trưởng thành, ổn định cuộc sống? Thế nhưng, không ít bạn trẻ hiện nay lại có quan niệm mà nhiều người cho là kỳ cục: Dù yêu nhau mặn nồng, tha thiết nhưng không muốn bị ràng buộc về pháp lý. Tại sao? Vì sợ… mất tự do!?
Chị bạn tôi, lâu nay kinh tế ổn định, cuộc sống riêng tư thong dong, muốn đi đâu, làm gì thì "chàng kép” đẹp trai chiều chuộng. Những tưởng sau khi cưới nhau, mọi việc sẽ diễn ra như thế chăng? Không hề, chị cảm thấy bức bối khi thay vì săn đón như trước, nay “chàng kép” đã trở thành chồng lại hoạnh họe, tra hỏi, nghi ngờ đủ thứ.
Đôi lúc muốn đi chơi đâu đó xả strees, chị rủ chồng thì chàng đưa ra một lô lý do để từ chối vì đã lên lịch nhậu. Chả bù cho ngày trước, chỉ nhìn thái độ của chị, lập tức chàng đã hào hứng, sốt sắng: “À, thế thì anh đưa em đi”. Vợ đi cùng cô bạn vào siêu thị mua sắm, ngắm nghía gì đó cho khuây khỏa. Lúc về nhà, chồng lại tỏ ra nghi ngờ, căn vặn: “Đi với ai? Lúc mấy giờ? Vì việc gì? Ở đâu?”. Nghe mà phát mệt!
Đó, nỗi sợ bị “quản lý” mọi lúc mọi nơi. Thế không mất tự do thì là gì?
“Chuyện tình tự kể” của cô em tôi: “Ngày trước, có những lúc nửa khuya, em tự dưng thèm ly chè đậu xanh. Chỉ nhắn tin, ngay lập tức anh ta đem đến tận nhà với bộ mặt cười hơn hớn sung sướng như trúng số độc đắc. Nay, đừng hòng”. “Vậy em tự đi mua về ăn vậy?”. Cô cười buồn mà rằng: “Ấy thế, chồng em cũng gạt qua một bên với lý do ăn đêm, mà ăn ngọt nữa, thì dễ béo phì!”. Ối dào, ngay cả sở thích ăn uống cũng bị “cấm đoán” nữa!
Có những người phụ nữ muốn thăng tiến trong công việc nên tranh thủ sau giờ làm hành chánh đi học thêm lớp nghiệp vụ, chuyên môn nhưng chồng lại không đồng tình, bởi việc nhà, chăm sóc con còn bộn bề ra đó. Nhiều người ấm ức, nếu đi chơi với bạn bè thì ngăn cản cũng được, nay với lý do chính đáng cũng không thể thực  hiện, quả là mất tự do quá.
Ngược lại, nhiều người đàn ông cảm thấy “khó thở” bởi không thể duy trì nếp sinh hoạt cũ. Dù tiền mình làm ra nhưng cũng không thể “tự tung tự tác” tiêu xài vô tội vạ mà giờ có sự kiểm tra chặt chẽ của vợ! Thậm chí có người phải nộp tất tần tật lương hằng tháng, rồi mỗi ngày được vợ phát lại mà nào dám kêu ca. Chỉ hậm hực trong bụng: “Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu?”.
Với những lý do trên, cùng muôn vàn lý do khác nữa đã khiến nhiều bạn trẻ ngần ngại khi tiến tới hôn nhân.
Nhiều người còn nghĩ rằng, đã chung sống thì phải tự (hay bị) “bào mòn” cá tính, sở thích cho phù hợp với người bạn đời. Sự “bào mòn” này có cần thiết  không? Anh bạn tôi lịch lãm, đàn ca hát xướng, chơi với bạn bè là ”xả láng sáng  về sớm”, đã thế, trong anh em lúc ai gặp chuyện là anh giúp đỡ ngay, có thể ngồi hàng giờ tâm tình chia sẻ lúc bạn hoạn nạn, do đó ai cũng quý mến anh. Thế nhưng khi có vợ, anh thay đổi hẳn. Trước đám đông, ngón đàn của anh đã trở thành dĩ vãng vì vợ không muốn các cô trẻ đẹp chú ý đến anh. Tính cách hào phóng, xởi lởi cũng biến mất, vì vợ chỉ muốn anh dành riêng cho mình.
Từ đó, trước đám đông, trong giao tế hàng ngày, anh chìm khuất sau vợ. Đến một ngày, anh chán chính mình. Không còn một chút tự do nào mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự chỉ huy của vợ. Cũng được, nếu vợ hài lòng với tính cách mới của anh. Nhưng than ôi, ít ai ngờ, chính cô vợ cũng cảm thấy chồng mình sao "nhạt” thế này? Anh không còn sức hấp dẫn, quyến rũ như  trước nữa. Do đâu? Do tác động của sự “bào mòn” quá trớn đấy thôi.
Hôn nhân có “kị rơ” với tự do hay không? Khoan vội kết luận, chỉ biết chắc chắn một điều, dù đã kết hôn nhưng ai cũng cần có những lúc muốn được tự do, sống riêng tư với chính mình. Sự tự do ấy, chừng mực thế nào là thỏa thuận của cả 2 để không ai vượt qua giới hạn. Một khi vợ/chồng đã có niềm tin, tin tưởng lẫn nhau thì chẳng dại gì phải nhất thiết “quản lý”, “bào mòn” để biến “nửa kia” thành người khác, khiến họ cảm thấy tù túng, ngột ngạt ngay trong mái ấm của mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm