Cứu tinh của các bà mẹ mất sữa

09/01/2016 - 09:50
Một bà mẹ ở Việt Nam xin con nuôi, chưa từng mai thai sinh nở; một người cha ở Mỹ, sau khi áp dụng phương pháp tái kích sữa, đều đã có sữa cho con.

Sữa... đàn ông
Một thành viên giấu tên trong Hội Sữa Mẹ Bé Tí Bú Ti chia sẻ, chị là một người mẹ xin con nuôi. Chị không hề mang thai và sinh con. Nhưng chị có một mong muốn đến mức quyết tâm, là làm sao cho con bú sữa mẹ. Sau nhiều tháng kiên trì, chị đã áp dụng thành công phương pháp tái kích sữa  trước khi nhận con nuôi, để bé được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hoàn toàn. 

Câu chuyện có thật về những người mẹ không sinh nở nhưng vẫn có thể cho con bú từ bầu ngực của mình từ lâu đã không còn xa lạ đối với hàng chục nghìn thành viên của Hội. Mỗi bầu ngực của người phụ nữ đều có vai trò như một “nhà máy” chế tạo sữa. Không chỉ phụ nữ từng sinh con, mà cả những ai không thể có con nhưng cơ thể khỏe mạnh và bầu ngực phát triển bình thường, nếu có sự kiên trì vẫn có thể áp dụng tái kích sữa để nuôi con nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ.

Người đi đầu tìm kiếm, dịch thuật và áp dụng phương pháp này tại Việt Nam là thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng- chuyên gia Sữa mẹ Quốc tế (Viện Sữa Mẹ Canada). Theo cuốn sách hướng dẫn tái kích sữa của chị, thậm chí một người đàn ông 33 tuổi cũng có sữa, sau khi kiên trì áp dụng biện pháp kích thích tiết sữa.

Vì hiểu được giá trị vô tận của sữa mẹ, chị Hồng luôn gần gũi với các bà mẹ trẻ để động viên họ đừng bao giờ bỏ cuộc.

Bí quyết: Massage - hút sữa - tự tin
Chị hướng dẫn các bà mẹ đã từng cho con bú hay dù đã mất sữa trong một thời gian dài, bằng cách hút "chay" 10 phút x 10 lần mỗi ngày, kết hợp với phương pháp massage 3 phút chuyên nghiệp, nhằm tác động gia tăng các hormone estrogen (hormone nữ cần thiết để phát triển tuyến sữa), prolactin (hormone tạo sữa) và oxytocin (hormone tiết sữa), đánh thức các tuyến sữa đã "ngủ đông" hoạt động trở lại, và tạo sữa như một bà mẹ nuôi con bú tự nhiên.

Chìa khóa của phương pháp tái kích sữa là biện pháp massage mọi lúc mọi nơi có thể, và một lịch hút sữa (thậm chí vắt tay nhanh những khi không tiện dùng máy), cộng với tinh thần lạc quan, tự tin mình có đủ sữa. Lịch này linh hoạt và phù hợp với giờ giấc làm việc và sinh hoạt của từng người.

“Ở một bà mẹ mang thai, tuyến sữa có 9 tháng để hoàn thiện, nên một bà mẹ tái kích sữa không thể nóng vội, kết quả tái kích sữa thường được nhìn thấy sau 3-8 tuần khi kiên trì áp dụng”- chị Hồng cho biết.

Chuyên gia tự trở thành minh chứng sống

Bản thân thạc sĩ Lê Nhất Phương Hồng năm nay 43 tuổi, con gái út đã được 13 tuổi, hiện không mang thai sinh đẻ, và bầu vú đã ngưng tạo sữa từ hơn 11 năm qua, cũng tự trở thành một minh chứng sống động. Chị Hồng massage bầu ngực mọi lúc mọi nơi, kín đáo nhờ chiếc khăn quàng cổ; sắp xếp lịch “kích” bằng máy phù hợp với giờ giấc của mình: 8g - 13g - 18g - 20g - 22g - 23g30 - 1g30. Tuy lịch vắt hút chưa đạt được 10 lần mỗi ngày, nhưng được kết hợp massage đúng và đều, lượng sữa chị thu được từ bầu ngực của mình tăng dần đến khoảng 75ml - 100ml sữa mỗi ngày.

Lượng sữa ít ỏi của chị đã tạo được tiếng vang và trở thành động lực cho nhiều bà mẹ đã mất sữa ở cộng đồng facebook Hội Sữa Mẹ Bé Tí Bú Ti tìm lại nguồn sữa của mình và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thành công sau một thời gian dài tưởng rằng mất sữa hoặc “cơ địa không có sữa”.

Chị Hồng chia sẻ: "Tôi muốn dùng chính cơ thể mình để áp dụng lý thuyết khoa học mà nhiều người cho là không tưởng. Tôi muốn làm nhân chứng sống cho nhiều bà mẹ rằng không có việc gì là không thể, nếu có kiến thức, niềm tin và sự kiên trì”. 

Điều quan trọng nhất, chị Hồng tin hành động này sẽ là tấm gương để tạo động lực và quyết tâm cho nhiều bà mẹ khi đã hiểu ra lợi ích sữa mẹ trong những năm đầu đời và hiểu ra tác hại sữa công thức, muốn tìm lại nguồn sữa mẹ quý giá.


“Những ngày đầu kích sữa em cảm thấy thật bất lực nhưng đọc được chia sẻ của 1 mẹ sữa nào đó nói rằng vào ngày đẹp trời sẽ thấy sữa về. Và bây giờ với em ngày nào cũng đều là ngày đẹp trời” - một bà mẹ đã dùng phương pháp tái kích sữa cảm kích tâm sự.

Một người mẹ tâm sự rằng: “Giá như các mẹ đều biết và theo phương pháp BeTiBuTi sớm để làm đúng từ đầu chỉ cần nằm cho con bú, sữa mẹ luôn luôn từ đủ trở lên, không phải vất vã ôm máy hút sữa và hồi hộp trông chờ kết quả kích sữa. Nhưng nếu chẳng may đã lỡ làm sai rồi, thì hãy sửa sai ngay và luôn, đừng nản chí. Có máu là có sữa. Chỉ cần trong tim có hai chữ "tự tin" và trong đầu có hai chữ "quyết tâm"!”

Mong muốn của chị Hồng, là xóa bỏ đi những ngộ nhận vốn ăn sâu trong tư tưởng của rất nhiều người. Một điều vô cùng khó tin, nguồn sữa mà chị Hồng "tái kích" và vắt ra hàng ngày, dù chưa nhiều, nhưng lại là liều thuốc đối với mẹ chị - bà Trần Thị Giáng Châu. Bà Châu chia sẻ trên facebook của mình hình chụp một lượng sữa do con gái bà vắt được. Bà Châu vẫn uống lượng sữa do con gái vắt hàng ngày để trị bệnh.

Giá trị của sữa mẹ trong việc chữa bệnh đã được thế giới nghiên cứu và tin tưởng. Tại Việt Nam, vì là một xu hướng mới xuất hiện nên cũng đã gây sự bất ngờ đối với rất nhiều người. Hình chụp trên facebook bà Trần Thị Giáng Châu.

Chị Hồng luôn nhắc nhở các hội viên: "Phúc lộc của con trong tay bố mẹ. Hãy học hỏi để nắm giữ phúc lộc của con. Bố mẹ nắm giữ quyền nuôi con, nhưng rất ít người được trao kiến thức đúng, vậy nên họ sẽ dựa vào đâu để chọn lựa đúng?

Cuốn sách “68 ngộ nhận & giác ngộ nuôi con sữa mẹ” của Chuyên gia sữa mẹ Lê Nhất Phương Hồng vừa được nhận giải Giải A sách hay 2015, do nhà xuất bản Phụ Nữ trao tặng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm