Cứu tinh của hàng chục thai phụ sinh con tại nhà

08/08/2015 - 10:38
Từ ngày bắt đầu làm “cô đỡ thôn bản” đến nay, chị Thào Thị Se đã trực tiếp đỡ đẻ cho khoảng 40 thai phụ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà và đều “mẹ tròn con vuông”. Nhiều gia đình sau đó coi chị như người mẹ thứ 2 của con mình.

Cháu Thào Đức Anh bên mẹ và CĐTB Thào Thị Se (bìa trái)

Với mô hình đào tạo người địa phương trở thành cô đỡ thôn bản (CĐTB), nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) đã thoải mái hơn trong việc thăm khám khi mang thai cũng như sinh nở, nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản.

Bố là nhân viên trạm y tế, con vẫn đẻ tại nhà

Chị Súng Vừ Thị Súng (xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) kể, năm 2007, chị mang thai rồi sinh con gái đầu lòng. Tuy bố chồng chị là nhân viên trạm y tế nhưng theo thói quen của người Mông, chị không đến trạm. Ngày chị trở dạ, gia đình cho mời bà thày cúng tên là Sùng Thị Chứ đến đỡ đẻ. Bà Chứ thắp hương cúng ma, còn chị Súng thì vẫn vật vã vì đau đẻ. Đến lúc chị sinh, bà Chứ đỡ đẻ rồi lại tiếp tục cúng ma. Mọi kiến thức chăm sóc trẻ sơ sinh, cả nhà chị và bà Chứ đều không biết.

Lần thứ 2 chị Súng mang thai là vào năm 2012. Lúc ấy có CĐTB là Thào Thị Se đến khám thai định kỳ và tư vấn cho chị cách chăm sóc sức khỏe. Chị Se cũng hướng dẫn chị Súng xuống trung tâm y tế huyện khám thai định kỳ. Tuy nhiên, với tâm lý ngại ngần không muốn để người lạ thăm khám, chị Súng cứ lần lữa không đi. Ngày chị Súng trở dạ, chị bảo chồng đến tìm chị Se. Se tiếp tục khuyên chị Súng đến cơ sở y tế. Song, do không vượt qua được tâm lý e ngại nên chị Súng vẫn một mực từ chối và mong muốn được sinh con tại nhà. Nhận thấy đây là ca sinh bình thường, chị Se đành chấp nhận đỡ đẻ tại nhà. Chị thực hiện đầy đủ những thao tác cắt rốn, tắm cho trẻ sơ sinh như những gì mình được đào tạo. May mắn là ca sinh suôn sẻ, bé trai Thào Đức Anh ra đời trong sự vui mừng của cả người nhà lẫn Se.

Thỉnh thoảng, chị Se vẫn qua lại tư vấn cách chăm sóc, nuôi dưỡng con trẻ cho cả gia đình. Chị Súng tâm sự: “Có CĐTB bên cạnh, mình yên tâm hơn nhiều. Ngoài việc giúp mình sinh con, cô ấy còn dạy mình nhiều điều trong cách chăm sóc con và chăm sóc chính bản thân mình!”.

Mẹ nuôi của trẻ trong bản

Từ ngày bắt đầu làm CĐTB đến nay, chị Se đã trực tiếp đỡ đẻ cho khoảng 40 thai phụ sinh con tại nhà. Tất cả đều “mẹ tròn con vuông”. Nhiều gia đình sau đó coi chị như người mẹ thứ 2 của con mình. Ngày Tết, họ thường đem củi và gạo đến cảm ơn. Chị Se chỉ lấy củi, còn gạo thì thuyết phục họ mang về vì người Mông vẫn còn nghèo lắm.

Chị Se kể, từ năm 2004, chị làm y tá thôn bản tại xã Phố Cáo. Tuy là y tá nhưng chị cũng không có nhiều kiến thức về sản khoa. Năm 2010, sản phụ Ly Thị Sai trở dạ con so. Chị Sai chưa từng đặt chân đến trạm y tế. Lúc chị Sai sắp sinh lại không có bà thầy cúng, vốn là người phụ trách việc sinh nở ở đây. Bí quá, em trai chị Sai là Ly Mí Dà đến nhà tìm chị Se. Dù đã có chồng và sinh con nhưng chị Se vẫn thấy sợ vì lần đầu đỡ đẻ. Thuyết phục gia đình đưa sản phụ đến cơ sở y tế thì họ một mực không nghe, chị đành ở bên để hỗ trợ theo những cách... tự nghĩ ra. Đến trưa hôm ấy, chị Sai đã sinh 1 bé trai, chị Se thở phào vì họ “mẹ tròn con vuông”.

Sau đó có khóa đào tạo CĐTB, chị Se liền đăng ký đi học. Tại đây, chị được đào tạo những kiến thức cơ bản về sản khoa để quay trở lại phục vụ dân bản. Học xong, chị về xã làm CĐTB. Công việc thường ngày của chị là đi khám thai, tư vấn sức khỏe sinh sản cho các thai phụ. Thông thường, chị động viên các thai phụ đến cơ sở y tế để khám thai định kỳ. Nhưng tâm lý đa phần phụ nữ Mông vẫn “chat mùa” (xấu hổ). Thai phụ người Mông có phần thoải mái hơn với “Pò khâu mi nhuận” (cô đỡ thôn bản). Vì vậy, đến nay, chị Se đã trực tiếp đỡ đẻ cho hàng chục ca sinh con tại nhà.

Với một số ca, khi nhận thấy dấu hiệu bất ổn, chị Se cố gắng thuyết phục họ đến Trung tâm y tế huyện khám. Họ đồng ý với điều kiện phải có CĐTB đi cùng.

Anh Sùng Mĩ Lử, cán bộ y tế xã, cho biết, trước đây bà con tại xã hầu hết tự sinh con tại nhà. Đến nay, xã có 4 CĐTB chia khu vực phụ trách hoạt động. Mỗi năm xã có khoảng 100 ca sinh nở. Tỉ lệ phụ nữ sinh con tại nhà vẫn chiếm khoảng 50%. Cái được lớn nhất từ khi có các CĐTB là việc tuyên truyền, phổ biến giúp người dân nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản. Cũng theo anh Lử, trong khoảng 3 năm gần đây, xã không có ca tai biến sản khoa nào. Tất cả những ca đẻ có dấu hiệu khó khăn đều được các CĐTB thăm khám và tư vấn để thai phụ xuống bệnh viện huyện.

Năm 2013, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2013/TT- BYT về Quy định tiêu chuẩn, chức năng, nhiệm vụ của nhân viên y tế thôn bản. Theo đó, chính thức đưa CĐTB là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam, là một loại hình nhân viên y tế thôn bản được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 75/2009/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm