Đà Nẵng: Thay đổi chính sách trong tuyển sinh lớp 10 trước kỳ thi nửa tháng

23/05/2019 - 07:35
Việc ban hành hay triển khai những chính sách của cơ quan hành chính không chỉ phải đảm bảo tính hợp pháp mà nó còn phải đảm bảo tính hợp lý. Những chính sách ban hành hay triển khai một cách bất ngờ sẽ khiến người dân không kịp trở tay.

Ngày 15/5 UBND TP Đà Nẵng đã khiến tất cả những bậc phụ huynh có con em thi vào lớp 10 năm nay phải ngỡ ngàng khi đưa ra thay đổi về chính sách khi kỳ tuyển sinh chỉ còn cách đúng 15 ngày.

Theo đó những thí sinh dự tuyển vào lớp 10 nếu đã có chứng chỉ ngoại ngữ sẽ không được quy đổi thành điểm 9 và 10 và được miễn thi môn này như trước đó.  

Trước sự bất ngờ của dư luận, hai ngày sau lãnh đạo Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã đưa ra lời xin lỗi, tuy nhiên quyết định thay đổi thì vẫn được giữ nguyên hiệu lực. Điều đó đồng nghĩa với việc có rất nhiều thí sinh đã học và thi để có được chứng chỉ ngoại ngữ giờ đây lâm vào cảnh “xôi hỏng bỏng không”.

Cùng với đó, chính quyền thành phố ra quyết định sẽ thanh tra những cơ sở đào tạo và cấp chứng chỉ ngoại ngữ trên địa bàn toàn thành phố.

thi-ts-10-tai-da-nang-1489475145706.jpg
Ảnh minh họa

 

Cơ quan hành chính nhà nước là chủ thể được quyền hoạch định soạn thảo và ban hành chính sách. Mọi chính sách của họ tùy mức độ đều có tác động đến quyền và lợi ích của một bộ phận hay toàn xã hội. Chính sách cũng sẽ định hướng và thay đổi ít nhiều những hành vi, hoạt động của người dân, những người sẽ chịu tác động trực tiếp của chính sách. Bên cạnh đó một chính sách, khi đem đến lợi ích, quyền lợi cho một bộ phận này thì ở chiều ngược lại thường có tác động bất lợi lên một bộ phận khác.

Chính vì thế, chính sách cần sự hợp pháp, hợp lý, khoa học tiến bộ phù hợp với thực tế và cũng rất cần sự ổn định. Đồng thời cơ quan làm chính sách cũng cần lường trước mọi tình huống xảy ra nghĩa là phải có một “tầm nhìn” để không đặt người dân vào tình thế bất ngờ. 

Thông thường, trước khi ban hành một chính sách cơ quan hành chính nhà nước phải có những động thái khảo sát, điều tra xã hội học về thực trạng, nhu cầu về những tác động ảnh hưởng của chính sách. Trong nhiều trường hợp phải tổ chức thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ để đánh giá tác động, nếu khả thi mới áp dụng trên quy mô rộng hơn.

Trong rất nhiều trường hợp, một chính sách cần được công bố dự thảo trên phương tiện thông tin đại chúng, lấy ý kiến của đông đảo tầng lớp nhân dân ở nhiều thành phần, nhiều lứa tuổi, nhiều giới khác nhau. Và với những bộ phận bị tác động tiêu cực, họ cần thời gian thích nghi để chuyển đổi. Để hạn chế những tác động tiêu cực đó họ cần được báo trước và có một lộ trình hợp lý để thay đổi thích nghi.

Nhưng trong trường hợp này, cơ quan hành chính của Đà Nẵng đã không làm vậy.

Lý do mà cơ quan hành chính Đà Nẵng đưa ra là có tình trạng thiếu minh bạch trong việc dạy, sát hạch và cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Tuy nhiên lý do này có vẻ không thực sự thuyết phục bởi những tiêu cực trong việc dạy và cấp chứng chỉ ngoại ngữ là một vấn đề hình thành và diễn biến trong một thời gian dài.

Trong suốt thời gian đó, các cơ quan chức năng của TP hoàn toàn có đủ thời gian, điều kiện để chấn chỉnh ngăn chặn. Trong trường hợp xét tình hình thực tế cần phải thay đổi chính sách, cơ quan này cũng cần thực hiện sớm hơn để người dân, mà cụ thể là các thí sinh và phụ huynh, có đủ thời gian thích nghi với thay đổi đó.

Nhưng đến sát thời điểm tuyển sinh lớp 10, Đà Nẵng mới thay đổi quy định, không chấp nhận những chứng chỉ ngoại ngữ của thí sinh. Điều đó cũng đồng nghĩa sẽ có những thí sinh học thật, thi thật và có chứng chỉ ngoại ngữ bằng chính công sức, kiến thức của mình nhưng giờ đây bị phủ nhận. Và rõ ràng những thí sinh này họ không phải liên đới trách nhiệm với những thí sinh và những trung tâm ngoại ngữ có tình trạng tiêu cực trong đào tạo và cấp chứng chỉ.

Còn nhớ Luật Viên chức ra đời năm 2012 và được triển khai vào thực tế đời sống. Mặc dù đã có một lộ trình khá dài tuy nhiên trong thực tế vẫn có những bộ phận đối tượng không có khả năng thích nghi với những quy định mới đó là những giáo viên đã có hàng chục năm thậm chí gần 20 năm làm việc với chế độ giáo viên hợp đồng. Điển hình là gần 300 giáo viên của huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Khi Luật có hiệu lực, những giáo viên này, theo quy định sẽ phải trải qua một kỳ thi viên chức. Hầu hết họ là những giáo viên của thế hệ cũ, nay phải trải qua kỳ thi có bộ môn ngoại ngữ nên khả năng có thể vượt qua là rất thấp, thậm chí nhiều giáo viên chấp nhận nếu vẫn bị bắt buộc sẽ không tham gia thi. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều năm lao động trong ngành giáo dục của họ sẽ trở nên vô nghĩa, ngành giáo dục cũng mất đi nhiều giáo viên mà không ít người trong số họ là giáo viên có năng lực, có thâm niên kinh nghiệm. Đến tận thời điểm này, các cơ quan chức năng TP Hà Nội vẫn đang tìm kiếm những giải pháp để hài hòa quyền lợi cho những giáo viên này.

Mong rằng những cơ quan hành chính hãy đặt mình vào vị trí của người dân khi soạn thảo, ban hành chính sách để sát với thực tiễn và thực sự hiệu quả.

                                                                              

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm