pnvnonline@phunuvietnam.vn
Da nổi mẩn đỏ có mủ: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng tránh
Với thời tiết vào hè nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi để xuất hiện các vấn đề về da, trong đó có tình trạng da nổi mẩn đỏ có mủ. Tình trạng này xuất hiện không chỉ gây ngứa ngáy, khó chịu mà còn khiến người bệnh mất tự tin khi giao tiếp với những người xung quanh. Vậy nguyên nhân da nổi mẩn đỏ có mủ là gì, cách điều trị và phòng tránh ra sao?
1. Nguyên nhân khiến da nổi mẩn đỏ có mủ
Nhìn chung, trong hầu hết các trường hợp thì bệnh nhân da nổi mẩn đỏ có mủ đều là do tình trạng nhiễm khuẩn gây nên. Nhiễm khuẩn da có thể là nhiễm khuẩn tiên phát hoặc là nhiễm khuẩn thứ phát trên nền một tổn thương đã có sẵn từ trước đó.
Xác của các tế bào bạch cầu và xác của vi khuẩn sẽ phân hủy và tạo thành một hỗn hợp màu vàng, trắng hoặc xanh chứa trong các nốt sẩn. Hậu quả là tình trạng da nổi mẩn đỏ có mủ xuất hiện.
Những nguyên nhân chính của tình trạng da nổi mẩn đỏ có mủ hay gặp trên thực tế:
- Viêm da do vi khuẩn: Vi khuẩn xâm nhập vào tổ chức da và gây viêm, tạo nên các nốt sẩn chứa mủ bên trong. Các chủng vi khuẩn hay gây bệnh viêm da bao gồm liên cầu và tụ cầu. Nếu không được điều trị đúng cách thì vi khuẩn ở tổ chức da có thể phát triển quá mức, di chuyển vào máu và gây nhiễm trùng huyết.
- Do herpes: Khi bị nhiễm virus herpes sinh dục, người bệnh có thể biểu hiện bằng sự xuất hiện của các mụn rộp quanh miệng và hậu môn. Ban đầu các mụn này thường chỉ có chứa dịch trong. Tuy nhiên nếu bị bội nhiễm vi khuẩn thì dịch sẽ dần thay đổi màu sắc và trở thành mủ.
- Thủy đậu hoặc bệnh zona: Cả bệnh thủy đậu và bệnh zona đều được xác định là do virus varicella zoster gây nên. Các mụn nước rải rác khắp cơ thể trong bệnh thủy đậu hoặc các dài mụn nước trong bệnh zona có thể bị bội nhiễm vi khuẩn thứ phát. Hậu quả là người bệnh có tình trạng da nổi mẩn đỏ có mủ.
- Bệnh chàm bội nhiễm: Bệnh chàm là một bệnh lý tự miễn với nhiều tổn thương khác nhau, đặc trưng dễ nhận thấy là tổn thương da. Khi vùng da bị tổn thương do bệnh chàm không được chăm sóc tốt, bị nhiễm khuẩn thì người bệnh sẽ có tình trạng da nổi mẩn đỏ có mủ.
- Bệnh tay chân miệng: Trong trường hợp bình thường, bệnh tay chân miệng gây các lở loét ở miệng và các mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân. Nếu trẻ k được chăm sóc tốt và để tình trạng nhiễm khuẩn thứ phát xảy ra, dịch trong ở các mụn nước sẽ chuyển thành dịch mủ và dễ dàng bị vỡ ra sau đó.
Ngoài ra còn có thể kể đến nhiều nguyên nhân gây da nổi mẩn đỏ có mủ khác chẳng hạn như do bị ghẻ, bị viêm nang lông, chốc lở,...
2. Da nổi mẩn đỏ có mủ nguy hiểm không?
Nếu cho rằng da nổi mẩn đỏ có mủ chỉ là một vấn đề bệnh lý ngoài da, không hề nguy hiểm thì chắc chắn đây là một quan điểm hết sức sai lầm.
Bởi như đã nói, nếu tình trạng nhiễm khuẩn da ở các bệnh nhân da nổi mẩn đỏ có mủ không được quan tâm, điều trị đúng cách thì sẽ dẫn đến sự phát triển quá mức của vi khuẩn. Vi khuẩn sẽ từ các tổ chức ở da di chuyển vào máu, đến các cơ quan khác trong cơ thể gây nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng,...
Hơn nữa, khi các nốt mẩn đỏ có mủ trên da bị vỡ, mủ sẽ để lại các tổn thương trên bề mặt da. Những tổn thương này dễ chuyển thành sẹo, tạo thành các vết thâm da về sau. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và sự tự tin của người bệnh.
3. Điều trị da nổi mẩn đỏ có mủ
Vấn đề điều trị cho các trường hợp da nổi mẩn đỏ có mủ nên được đặt ra sớm, thực hiện một cách tích cực nhằm làm giảm triệu chứng của bệnh, rút ngắn thời gian mắc bệnh và dự phòng biến chứng có thể xảy ra.
3.1. Điều trị hỗ trợ giảm triệu chứng
Da nổi mẩn đỏ có mủ thường có sự đi kèm với các triệu chứng như ngứa, hoặc đau nhức do da bị nứt nẻ. Khi này người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamin để giảm ngứa và bôi các loại kem dưỡng ẩm hoặc thuốc mỡ giúp hạn chế khô da, nứt nẻ da.
Chườm đá lạnh cũng là một biện pháp để giảm ngứa, đau rát ở các bệnh nhân da nổi mẩn đỏ có mủ. Tuy nhiên không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên bề mặt da để tránh nguy cơ bỏng lạnh. Thay vào đó hãy bọc viên đá trong một lớp khăn rồi sau đó mới tiến hành chườm lạnh bề mặt da.
Một lưu ý khác cần nhớ khi chăm sóc bệnh nhân da nổi mẩn đỏ có mủ là phải giữ vệ sinh da sạch sẽ, tránh việc kiêng cữ quá mức làm bệnh tiến triển nặng hơn. Tuyệt đối không tự ý đắp thuốc, lá cây hay bất kỳ thứ gì lên vùng da tổn thương.
3.2. Điều trị nguyên nhân
Với các bệnh nhân da nổi mẩn đỏ có mủ tức là đã có tình trạng nhiễm khuẩn xảy ra. Bệnh nhân cần phải được sử dụng thuốc kháng sinh để chống lại tình trạng nhiễm khuẩn. Tùy theo mức độ nặng của bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh bôi tại chỗ, kháng sinh uống hoặc kháng sinh đường tĩnh mạch.
Với những trường hợp bệnh nhân bị bội nhiễm thứ phát trên một nền tổn thương da sẵn có trước đó. Tùy thuộc vào tổn thương đó là gì mà bệnh nhân có thể được sử dụng thêm các loại thuốc thích hợp, chẳng hạn như thuốc kháng virus cho bệnh nhân bị zona, thuốc ức chế miễn dịch cho các bệnh nhân bị chàm,...
4. Dự phòng da nổi mẩn đỏ có mủ
Nhìn chung, việc thực hiện dự phòng chủ động tránh mắc da nổi mẩn đỏ có mủ là điều có thể thực hiện được. Một số biện pháp dự phòng có thể kể đến như:
- Vệ sinh da sạch sẽ mỗi ngày, nhất là sau khi rời khỏi môi trường nhiều khói bụi hoặc thực hiện các hoạt động làm cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi.
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh da như xà phòng tắm, sữa tắm,... để làm sạch da sâu hơn.
- Quan hệ tình dục an toàn để phòng tránh tổn thương da do herpes sinh dục.
- Không sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm,... với người khác, tránh bị lây nhiễm các nguyên nhân gây da nổi mẩn đỏ có mủ.
- Nếu có các bệnh lý như thủy đậu, zona, chàm,... người bệnh cần thực hiện điều trị sớm theo đúng chỉ định của bác sĩ để hạn chế nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn.
Trên đây là một số thông tin liên quan đến tình trạng da nổi mẩn đỏ có mủ. Khi thấy xuất hiện tình trạng nầy, các bạn không nên chủ quan, cần điều trị và vệ sinh đúng cách. Nếu thấy các vết mụn có dấu hiệu nhiễm trùng nên đến bệnh viện để được thăm khám.