Đa phần các cặp đồng tính ở Việt Nam mong muốn được chung sống hợp pháp

17/05/2019 - 19:19
Cách đây ít giờ, Đài Loan (Trung Quốc) trở thành nơi duy nhất ở châu Á công nhận hôn nhân đồng tính. Cũng trong ngày hôm nay (17/5) - Ngày quốc tế chống kỳ thị Đồng tính, Song tính, Chuyển giới (IDAHOT), iSEE đã chia sẻ kết quả khảo sát “Trải nghiệm và nhu cầu sống chung cùng giới” với gần 6.000 người tham gia.

Nữ tham gia khảo sát đông gấp 4 lần nam

Các cặp chung sống cùng giới đa số đều giữ bí mật, không bộc lộ ra (cụ thể: Hà Nội là 52,5%, TPHCM là 49,2%; tính chung khu vực miền Bắc là 56,5%; miền Trung là 53,1%; miền Nam là 53%; thậm chí ở nước ngoài cũng có tới 49,1% không muốn người khác biết.) Những số liệu này là kết quả khảo sát “Trải nghiệm và nhu cầu sống chung cùng giới” do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện với 5.999 người tham gia. Đặc biệt, trong số những người tham gia khảo sát, 79,8% có giới tính sinh học khi sinh là nữ và 20,2% là nam - đây cũng là lần đầu tiên đối tượng nữ tham gia có số lượng áp đảo như vậy.

 

3.jpg
Pháp luật Việt Nam không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính. Ảnh minh họa

 

Đối tượng tham gia trong độ tuổi từ 19 đến 25 chiếm 80,9%; 25-34 chiếm 17,8%; 35-49 là 1% và 0,3% trên 50 tuổi. Số người tham gia trải đều khắp các tỉnh/thành trên cả nước, nhưng phần lớn sống ở các thành phố lớn như TPHCM hơn 2.000 người, Hà Nội 1.000 người, 191 người Việt hiện sống ở nước ngoài. 68,3% có trình độ đại học, cao đẳng hoặc cao hơn.

Trong số 5.999 người tham gia khảo sát, 47 người từng trải nghiệm kết hôn với người khác giới. Lý do kết hôn khác giới: Tự nguyện kết hôn vì là người song tính 37,2%; 20,2% cưới vì áp lực từ xã hội; 21,3% gia đình ép buộc; 14,9% kết hôn để che mắt. Có gần 47% bạn đời không biết về xu hướng tính dục của vợ/chồng (che giấu với nửa kia); 12,8% không biết vợ/chồng có biết hay không; 40,4% biết chuyện của vợ/chồng. Hơn 50% số cặp vẫn duy trì hôn nhân; 7,4% ly thân; số còn lại đã chia tay…

Là người tham gia khảo sát, anh Đ. (37 tuổi, người đồng tính nam sống ở Hà Nội) chia sẻ, bản thân anh chưa lấy vợ nhưng bạn đời hiện nay của anh từng kết hôn với người khác giới. Trước đó, hai người yêu nhau một thời gian dài. Sức ép từ gia đình khiến bạn trai anh Đ. phải lấy vợ, điều này làm anh cảm thấy rất đau lòng. “Sau khi mọi chuyện vỡ lở, cả hai vợ chồng họ đều có trải nghiệm buồn. Trải qua cuộc hôn nhân như vậy khiến phụ nữ mất niềm tin vào đàn ông và hôn nhân, khó đi bước nữa, thậm chí sống trong thù hận”, anh Đ. kể 

Khảo sát cũng cho thấy, có tới 54,3% các cặp từng kết hôn khác giới cho rằng, kết hôn không tình yêu là sai lầm và 41,3% các cặp không còn hạnh phúc...

 

Sống chung cùng giới hiện tăng hơn so với năm 2013

Trên 50% (2.958) người tham gia nghiên cứu cho biết đang trong quan hệ với người yêu, bạn đời cùng giới. Trong số này, khoảng 60% chưa từng sống chung; 14,4% từng sống chung; 26,8% đang sống cùng. Số đang sống chung tập trung nhiều vào các độ tuổi 25-34 và 35-49, đa số đều có việc làm, thu nhập ổn định.

Quyết định sống chung được họ đưa ra khi cảm thấy tình yêu đã chín muồi, có cam kết chung thủy với người yêu (82,6%); muốn nghiêm túc hóa mối quan hệ và có kế hoạch cuộc sống lâu dài với “nửa kia” (57,6%); chia sẻ tài chính (37,7%); xã hội cởi mở hơn (26,2%); gia đình thừa nhận và ủng hộ (15,8%)…

Dù tỷ lệ các cặp đôi sống chung cùng giới tăng hơn nhiều so với khảo sát của năm 2013 nhưng các cặp đôi vẫn thường xuyên phải thay đổi chỗ ở, trong đó số ít vì có điều kiện kinh tế khá giả hơn, còn lại vẫn vì lý do bị phân biệt đối xử.

Chị P.T - một người đồng tính nữ, 29 tuổi, ở TP.HCM, chia sẻ, chị và bạn đời cùng đứng tên chung với tài sản, đất đai nhưng như thể là đối tác kinh tế chứ không phải giống các cặp vợ chồng hợp pháp khác.

 

2.jpg
Anh H.L, đồng tính nam ở Hà Nội, cho rằng: Nếu có giấy tờ xác nhận hôn nhân đồng giới sẽ giúp cho xã hội công nhận mình - đó mới là điều quan trọng với những cặp đồng giới đến với nhau vì tình yêu và muốn gắn bó lâu dài. Ảnh minh họa

 

Chung suy nghĩ này, anh H.L, 34 tuổi, đồng tính nam, ở Hà Nội, cho rằng “về tài sản, hai người có thể đồng sở hữu nhưng nếu có giấy tờ xác nhận hôn nhân đồng giới sẽ giúp cho xã hội công nhận mình - đó mới là điều quan trọng với những cặp đồng giới đến với nhau vì tình yêu và muốn gắn bó lâu dài”.

Chia sẻ từ những người từng sống chung đồng giới cho thấy, họ gặp phải khá nhiều khó khăn khi không có chứng nhận vợ chồng hợp pháp: Không thể đăng ký nhập hộ khẩu cho bạn đời để một trong hai người làm đại diện hợp pháp trong các trường hợp khẩn cấp; mua bán, phân chia và thừa kế tài sản chung; sinh con và nhận con nuôi; gia đình không ủng hộ mối quan hệ và tình yêu cùng giới; sự kỳ thị của cộng đồng, xã hội với những người LGBT - ảnh hưởng không nhỏ đến con cái của người đồng tính...

Gần 100% người tham gia khảo sát có mong muốn cặp đôi cùng giới tính được pháp luật công nhận bình đẳng như cặp đôi khác giới; 96% mong pháp luật cho phép cặp đôi cùng giới nhận con nuôi; 63% các cặp mong có con trong tương lai và 95% trong số họ mong được tiếp cận các kỹ thuật cấy ghép phôi thai…

Thực tế cho thấy, sự hiện diện của tình yêu cùng giới là có thật dù đến với nhau các cặp đôi đều biết sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, đa số họ đều mong muốn pháp luật có những hình thức công nhận sự tồn tại và bảo vệ quan hệ cùng giới cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho việc có con (sinh con, nhận con nuôi) - đảm bảo cho cuộc sống tương lai lâu dài như các cặp đôi bình thường khác.

Khảo sát được iSEE chia sẻ vào đúng Ngày Quốc tế chống kì thị và phân biệt đổi xử với cộng đồng người đồng tính, song tính, chuyển giới và đa dạng giới (IDAHOTB ) cũng với mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu được thông qua kiến nghị thừa nhận hôn nhân đồng giới trong pháp luật Việt Nam.

Năm 2014, Quốc hội đã thông qua kiến nghị sửa đổi bộ Luật Hôn nhân và Gia đình, trong đó bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 vẫn quy định "không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính" (khoản 2 Điều 8), có nghĩa: người cùng giới tính có thể chung sống nhưng sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra.

dai-loan.jpg
Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới tại Đài Loan (Trung Quốc) tập trung trước toà nhà nghị viện  

Chiều nay (17/5/2019), nghị viện Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức thông qua dự luật hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới - một quyết định mang tính bước ngoặt khi đây trở thành nơi đầu tiên ở Châu Á thông qua dự luật này. Đây là kết quả cuộc bỏ phiếu nhằm thay đổi quy định pháp luật hiện hành. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 24/5/2019.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm