pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đặc điểm của người có EQ cao và nhiều khả năng thành công
Ảnh minh họa
Yếu tố để khiến một người thành công trong sự nghiệp là kiến thức, sư thông minh và tầm nhìn. Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của những nhà lãnh đạo tài ba nhất trên thế giới lại là trí tuệ cảm xúc, hay khả năng xác định, nhận thức và điều tiết cảm xúc của chính mình và người khác.
Nghiên cứu của Daniel Goleman
Daniel Goleman, sinh năm 1946, được biết đến như một nhà báo và một tác giả, đồng thời là người đã đưa khái niệm trí tuệ cảm xúc trở nên phổ biến. Goleman lập luận, trí tuệ nói chung và trí tuệ cảm xúc là hai phạm trù khác biệt. Ông viết: "Nhiều người thông minh theo kiểu sách vở nhưng lại thiếu đi trí tuệ cảm xúc. Cuối cùng, họ lại làm việc cho những người có chỉ số IQ thấp hơn nhưng vượt trội về trí tuệ cảm xúc".
Goleman đã chia sẻ về nghiên cứu của ông để giải thích cho nhận định trên. Trong đó, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu các kỹ sư phần mềm đánh giá mức độ thành công của đồng nghiệp trong công việc. Rồi những đánh giá được đối chiếu với chỉ số IQ và chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ) của những kỹ sư phần mềm. Kết quả khiến Goleman ngạc nhiên, khi xét theo những đánh giá trên, chỉ số thông minh không có liên quan đến sự thành công, mà chính là chỉ số trí tuệ cảm xúc.
Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu tiến hành phân tích năng lực của 286 tổ chức cơ quan. Sau khi nghiên cứu, họ xác định được những người làm việc có thành tích tốt nhất đều cùng sở hữu 21 năng lực. Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là 18 trong số 21 năng lực đó lại liên quan đến trí tuệ cảm xúc, chỉ có 3 kỹ năng còn lại là phân tích, tư duy trừu tượng và kiến thức chuyên môn.
Goleman viết: "Nói theo cách khác, hơn 80% những năng lực tạo nên sự khác biệt của những người có thành tích tốt so với những người còn lại đều phụ thuộc vào trí tuệ cảm xúc. Trong một công ty, mọi người đều làm việc cùng nhau. Bạn phải biết hợp tác, thuyết phục và gây ảnh hưởng để trở thành một người nổi trội trong số đông. Lúc này, trí tuệ cảm xúc càng trở nên hữu ích".
Những dấu hiệu chứng minh trí tuệ cảm xúc cao
Qua các nghiên cứu trên, Goleman xác định được trí tuệ cảm xúc được chia ra thành 4 nhóm chính, với 12 năng lực cốt lõi
1. Tự nhận thức
Đây là khả năng tự điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Nó cho biết bạn đang cảm thấy gì và tại sao, cũng như những cảm xúc đó có lợi hay có hại cho công việc của bạn.
Tự nhận thức ở đây chính tự nhận thức về cảm xúc: Bạn ý thức được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Bạn làm việc dựa trên năng lực của bản thân và biết khi nào nên dựa vào những thành viên khác trong nhóm. Ngoài ra, bạn cũng biết rõ về giá trị và mục tiêu của bản thân, điều này khiến bạn quyết đoán hơn khi bắt tay vào công việc.
Để phát triển kỹ năng này, bạn phải nhận thức rõ điểm yếu của bản thân, và trau dồi không ngừng để khắc phục điểm yếu đó. Ngoài ra, nếu bạn thất vọng, hãy xác định gốc rễ và nguyên nhân khiến bạn thất vọng.
2. Quản lý bản thân
Quản lý bản thân là kỹ năng kiểm soát những cảm xúc bốc đồng. Đây là một trong những kỹ năng mà các nhà lãnh đạo cần phải có, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng. Bởi người lãnh đạo vững mạnh chính là chỗ dựa cho cấp dưới của mình, đồng thời sẽ giúp trấn an cấp dưới để cùng tìm ra những giải pháp xử lý khủng hoảng. Quản lý bản thân gồm:
- Tự kiểm soát cảm xúc: Bạn biết giữ bình tĩnh trước áp lực và có thể nhanh chóng điều tiết cảm xúc về trạng thái bình thường sau mỗi lần bực tức. Bạn biết cân bằng cảm xúc cá nhân vì lợi ích của bản thân và tập thể, vì nhiệm vụ hay vì mục tiêu dài hạn.
- Khả năng thích ứng: Điều này thể hiện ở việc linh hoạt đối mặt với thay đổi đột ngột. Bạn có thể tìm ra cách mới để giải quyết các thử thách và có thể cân bằng nhiều nhu cầu cùng lúc.
- Định hướng thành tích: Bạn có thể làm tốt hơn cả mức tiêu chuẩn. Bạn trân trọng góp ý về hiệu quả công việc và không ngừng tìm cách để làm tốt hơn nữa.
- Góc nhìn tích cực: Bạn nhìn thấy được những điều tốt đẹp trong con người và sự việc xung quanh. Đây là một năng lực vô cùng quý giá, vì nó có thể tạo tiền đề cho sự bền vững và đổi mới.
Trong lúc thất vọng, hãy giữ bình tĩnh và đừng hoảng sợ. Thay vì nổi cáu với mọi người thì hãy cho họ biết điều gì không ổn và đề xuất giải pháp.
3. Nhận thức xã hội
Nhận thức xã hội cho thấy độ chính xác trong việc phán đoán và diễn giải cảm xúc của người khác, thường thông qua các tín hiệu phi ngôn ngữ. Các nhà lãnh đạo có nhận thức xã hội có thể hiểu được nhiều kiểu người khác nhau, lắng nghe chăm chú và giao tiếp hiệu quả.
- Đồng cảm: Bạn hoàn toàn chú ý đến người khác và dành thời gian để hiểu lời nói và cảm xúc của họ. Bạn luôn cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác một cách có chủ đích.
- Nhận thức về tổ chức: Bạn có thể dễ dàng đoán được các cảm xúc và động lực trong một nhóm hoặc tổ chức. Đôi khi, bạn thậm chí có thể dự đoán cách thức xử lý tình huống của một thành viên trong nhóm hoặc lãnh đạo của công ty mà bạn hợp tác kinh doanh.
4. Quản lý các mối quan hệ
Đây là tập hợp những kỹ năng cho phép một người tạo động lực, truyền cảm hứng và hoà hợp với người khác, đồng thời duy trì những mối quan hệ quan trọng.
- Tạo ra sức ảnh hưởng: Bạn là một nhà lãnh đạo bẩm sinh, có thể nhận được sự ủng hộ từ mọi người một cách dễ dàng, có thể tạo ra một nhóm gắn kết, chủ động và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trong tầm tay.
- Huấn luyện và cố vấn: Bạn thúc đẩy quá trình học tập lâu dài bằng cách đưa ra nhận xét và hỗ trợ. Bạn đưa ra quan điểm của mình một cách thuyết phục và rõ ràng để mọi người có động lực cũng như hiểu rõ về kỳ vọng tương lai.
- Quản lý xung đột: Bạn có thể giải quyết những bất đồng giữa nhiều bên và có thể giải quyết những mâu thuẫn âm ỉ, đưa ra giải pháp có lợi cho đôi bên.
- Làm việc theo nhóm: Bạn tương tác tốt với các thành viên trong nhóm và có thể làm việc với những người khác. Bạn tham gia tích cực, cùng làm và cùng hưởng, đồng thời cống hiến toàn bộ sức lực và khả năng cho đội nhóm.
- Lãnh đạo truyền cảm hứng: Bạn truyền cảm hứng cho người khác. Bạn luôn hoàn thành công việc và phát huy những phẩm chất tốt nhất của nhóm trong suốt quá trình.