pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Đặc sản vàng" đắt ngang biệt thự ở Trung Quốc
Tại Trung Quốc, có loại "đặc sản vàng" được thu hoạch từ những cây chè cổ thụ luôn bán với giá rất cao. Đó là những loại trà cổ thụ. Đặc biệt, nhiều loại trà cổ thụ được bán trên thị trường có giá lên tới hàng chục tỷ đồng cho 1kg.
Đại hồng bào là một trong những loại trà nổi tiếng của Trung Quốc. Nó cũng được coi là loại trà đắt nhất thế giới. Giá của trà Đại hồng bào lên tới 11 triệu NDT/kg (hơn 36 tỷ đồng). Có người nói vui, 1kg trà Đại hồng bào có thể mua được 1 căn biệt thự. Trà Đại hồng bào thực chất là loại trà được hái từ những cây chè cổ thụ mọc trên vách núi Vũ Di quanh năm có sương mù bao phủ. Mỗi năm những cây chè này chỉ thu hoạch được 600 gram. Vì tế, những cây chè cổ thụ Đại Hồng Bào được xem như "đặc sản vàng" ở đất nước tỷ dân, chúng còn được bảo vệ ngày đêm.
Ở thời phong kiến, Đại hồng bào được chọn là một trong những cống phẩm hảo hạng. Tuy nhiên, hiện nay, chính quyền địa phương quyết định hạn chế khai thác búp của những cây trà Đại Hồng Bào cổ nên những người mê trà dù có chấp nhận đổi cả gia sản cũng khó có cơ hội sở hữu loại trà quý này.
Trang Renminwang của Trung Quốc đưa tin, giai đoạn từ 1950 đến 1980, tại Trung Quốc, thị trường chè, đặc biệt là chè cổ thụ giảm mạnh. Thời điểm đó, người dân đã chặt bỏ các cây chè cổ thụ để chuyển sang đồn điền kiểu mới. Vì vậy, trà được thu hoạch từ các cây chè cổ thụ bán ra giá chưa tới 1 NDT/kg. Mãi tới năm 2007, sau khi một số công ty bắt đầu làm tiếp thị trà cổ thụ, rất nhanh chóng, nó trở thành một "đặc sản vàng" được những người giàu có, sành sỏi săn lùng.
Sau đó giá trà cổ thụ tăng gấp 10 lần. Tới năm 2021, giá 1kg trà Phổ nhĩ cổ thụ cao gần gấp 5 lần giá Phổ nhĩ giống mới. Nhu cầu của thị trường tăng mạnh giúp cho thu nhập bình quân của các hộ gia đình trồng chè cổ thụ cũng tăng. Điển hình, một hộ gia đình ở Vân Nam, thu nhập bình quân đã tăng từ dưới 2.000 NDT năm 2000 lên 100.000 NDT năm 2019. Trong một cuộc đấu giá chè Phổ nhĩ cổ thụ năm 2021, 10 kg lá chè tươi sau khi sao sẽ được khoảng 2,5 kg trà khô, đã được đấu giá 10,68 triệu nhân dân tệ. Điều này cũng cho thấy các sản phẩm chè cổ thụ luôn là "đặc sản vàng" được ưa chuộng ở đất nước tỷ dân.
Những rừng "đặc sản vàng" ở Việt Nam
Theo trang Dân trí, tại Việt Nam, ít ai biết rằng, trên một dạng địa hình tương tự, dọc dãy Hoàng Liên Sơn có một rừng chè cổ thụ. Rừng "đặc sản vàng" này mới chỉ được những người dân bản địa và một số nhà thám hiểm phát hiện.
Những cây chè cổ thụ này sinh trưởng trong cánh rừng nguyên sinh, ít người lui tới nên chúng vẫn còn rất nguyên vẹn. Những cây chè cổ thụ đều có kích thước rất lớn. Một người trưởng thành ôm cả vòng tay cũng không hết được gốc chè cổ thụ. Xung quanh những gốc chè cổ thụ là hàng chục gốc chè nhỏ.
Theo trang VTC News, những nhà khoa học Nhật từng xác định tuổi đời của những cây chè cổ thụ mọc trên núi cao ở Nhật lên tới hàng trăm năm. Ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, môi trường khắc nghiệt, giá lạnh thấu xương, mùa đông tuyết phủ, nước trong đất cũng đóng băng, cây chè phải luồn rễ sâu vào kẽ đá, đâm sâu vào lòng núi chắt lọc từng chút dưỡng chất, nên lớn rất chậm. Theo tính toán của các nhà khoa học người Nhật, ở môi trường khắc nghiệt, trên độ cao này, mỗi năm đường kính thân cây chè chỉ thêm được 1mm.
Còn những cây chè mọc trên núi đá, ở trên dãy Hoàng Liên Sơn thì độ tuổi của chúng đều phải tính bằng hàng trăm đến cả ngàn năm.
Chưa có bất cứ một nghiên cứu nào chỉ ra sự giống nhau giữa chè cổ thụ ở Việt Nam và chè cổ thụ để sản xuất ra loại trà Đại Hồng Bào của Trung Quốc. Tuy nhiên, về thổ nhưỡng cũng như địa lý thì cả hai loại này đều sinh trưởng trong rừng rậm, núi cao với nền nhiệt độ tương tự.
Trang Dân trí từng đưa tin về một rừng chè cổ thụ 1.000 năm tuổi ở trên đỉnh Khang Su Văn, tỉnh Lai Châu. Xã Pa Vây Sủ, huyện Phong Thổ, có cả nghìn ha rừng nguyên sinh. Nơi này quanh năm mây phủ, ở độ cao từ 1.500m đến 3.000m có vô số các loài thực vật quý hiếm mọc lên từ đất này. Bao năm nay, bà con người Dao nơi đây vẫn luôn tự hào là nơi này vẫn giữ được rừng chè cổ thụ.
Rừng chè shan tuyết này cao cả chục mét mọc lên giữa rừng già. Trên búp chè Shan có lớp lông tơ mịn, dầy, khi sao khô chúng biến đổi thành màu trắng như tuyết nên nó mới có tên gọi là trà "shan tuyết".
Còn theo báo Pháp luật, ở địa phận thôn Lưu Quang, xã Minh Tiến, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, có một rừng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đây là một rừng chè Bát Tiên cổ thụ có đường kính trên 1m và chiều cao bằng cả tòa nhà 4 tầng. Có những cây lớn 3 người ôm không xuể và độ cao lên tới gần 30 mét. Tán cây chè xòe rộng phủ kín một vùng và mỗi khi nở hoa lại tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Ngoài ra, các tỉnh như Hà Giang, Sơn La vẫn còn hàng chục nghìn gốc chè cổ thụ giúp sản xuất ra thứ "đặc sản vàng" với tuổi đời lên tới hàng trăm năm đang được khai thác để mang lại thu nhập cho người dân.
Theo số liệu trên báo Nhân dân, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về diện tích trồng chè và thứ 6 trong bảng xếp hạng về sản lượng chè trên toàn thế giới. Hiện Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trồng chè, với tổng diện tích lên đến 130 nghìn ha, sản lượng đạt 1,02 triệu tấn chè búp tươi/năm, quy ra sản lượng chè khô đạt 196 nghìn tấn (năm 2022). Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là các thị trường như Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia...
Mặc dù sản lượng nhiều nhưng lượng chè cổ thụ sản xuất được không cao. Ví dụ những cây chè cổ thụ ở huyện Phong Thổ, Lai Châu chỉ cho ra từ 1-2 tấn chè khô/năm. Với gần 500 ha, hàng năm, cây chè Shan tuyết cổ thụ ở Suối Giàng, Yên Bái cho sản lượng đạt trên 1.000 tấn. Đối với những thành phẩm chè đạt chất lượng, giá thành bán ra rơi vào khoảng 1,5 triệu cho tới hàng chục triệu đồng/kg chè khô.
Theo đánh giá của Hiệp hội chè Việt Nam, có thể thấy, trong thời gian gần đây, ngành chè Việt đã có những bước tiến tích cực. Tuy nhiên, nếu các cơ sở sản xuất cũng như người dân nâng cao hơn về chất lượng, trình độ tay nghề cũng như chú ý bảo tồn các giống chè cổ thụ thì trong tương lai vị thế của loại "đặc sản vàng" này sẽ vững chắc hơn trên thị trường quốc tế.