Đại biểu Quốc hội: 'Có cần Formosa 70 năm ?'

29/07/2016 - 18:35
Thảo luận tại hội trường ngày 29/7, nhiều đại biểu lo lắng đặt câu hỏi về giải pháp khôi phục lại hệ sinh thái ven bờ, trả lại ngư trường trong lành cho ngư dân đánh bắt, mưu sinh tại ven biển miền Trung.

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Trần Công Thuật, đoàn Quảng Bình, cho rằng: mặc dù có bộ máy tổ chức chặt chẽ từ trung ương tới các cấp, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường thời gian qua vẫn diễn ra khắp nơi. Đặc biệt là biển bị nhiễm độc do công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa gây ra, đã làm ảnh hưởng xấu và tác động lớn đến đời sống của nhân dân.

Phản ánh ý kiến của cử tri Quảng Bình, theo ông Thuật, sớm thực hiện các quy định của Chính phủ về chính sách hỗ trợ cho nhân dân trong vùng trực tiếp bị thiệt hại và khu vực liên quan. “Hiện nay một số chính sách này chưa đến được với địa phương và người dân”.

Ông Thuật kêu gọi “công khai, minh bạch cái gì của dân được đền bù, cái gì được hưởng từ hỗ trợ của Nhà nước, của Chính phủ, cái gì là Nhà nước đầu tư để giải quyết sự cố vừa qua”. Làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân đã để xảy ra sự cố môi trường biển nghiêm trọng vừa qua.

dai-bieu-tran-cong-thuat.jpg
 Đại biểu Trần Công Thuật, đoàn Quảng Bình

Đại biểu Trần Công Thuật cho rằng cần khẩn trương làm rõ và trả lời khi nào bà con yên tâm ăn cá và hải sản được, khi nào môi trường biển an toàn được? “Đúng là chúng ta vừa cần tôm cá, vừa cần thép, nhưng có cần Formosa đến gần 70 năm không? Một quả bom môi trường nằm sát kề ai cũng lo lắng”, ông Thuật lo ngại.

Đồng quan điểm, đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị, cho biết: Người dân đang hàng ngày, hàng giờ sống cùng những lo âu, khắc khoải. Địa bàn 4 tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản phẩm đánh bắt hải sản ven bờ và xa bờ đều khó tiêu thụ. Do đó, các tàu cá ở vùng biển bãi ngang, tàu khai thác gần bờ trong thời gian gần như nằm im hoàn toàn…

Đại biểu này đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương mở rộng đối tượng thống kê thiệt hại trên tất cả các lĩnh vực để hỗ trợ một cách thỏa đáng và công bằng. Giám sát chặt chẽ các hoạt động của công ty Formosa để đảm bảo việc sản xuất của công ty này không gây hậu quả về môi trường tương tự trong tương lai. Đồng thời có biện pháp khôi phục lại hệ sinh thái ven bờ để sớm công bố, trả lại môi trường biển và ngư trường cho ngư dân đánh bắt, mưu sinh.

Bên cạnh nỗ lực xử lý hậu quả môi trường, theo đại biểu Đồng, “Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc”, cần tìm ra câu trả lời thật rõ ràng, minh bạch về trách nhiệm liên quan đến những sai phạm của Formosa. Rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật để ngăn chặn ngay từ ban đầu những nhà đầu tư có nguy cơ đe dọa đến đời sống của nhân dân. Đặc biệt, “có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, kể cả những người đã không còn đương chức”, đại biểu Đồng khẳng định.

Còn đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum, đặt ra câu hỏi: Người dân 4 tỉnh miền Trung vẫn chờ câu trả lời cho câu hỏi bao giờ biển lại trong lành như xưa? Liệu các sự cố có còn tiếp diễn nữa hay không? Nếu những câu hỏi đó không có cơ sở để khẳng định thì cần xem lại sự tồn tại của dự án (Formosa) này.

Giải đáp những vấn đề đại biểu đặt ra, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Bộ này đang triển khai những việc cần làm ngay. Cụ thể như rà soát, đề nghị nâng cao tiêu chuẩn bảo vệ môi trường Việt Nam lên ngang tầm các nước trong khu vực. Triển khai rà soát ngay các cơ sở có khả năng gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. “Bộ đã tiến hành thanh tra chuyên đề với các cơ sở có mức xả thải từ 200m3 trở lên. Đồng thời thanh tra toàn diện từ đầu tư đến những tác động môi trường, vấn đề hậu kiểm…”.

kiem-nghiem-ca-chet-mien-trung.JPG
 Lấy mẫu cá chết ở miền Trung để xét nghiệm

Về những vi phạm của Formosa, ông Trần Hồng Hà khẳng định: Hiện nay Bộ đang thực hiện nhanh “việc xử phạt vi phạm hành chính Formosa với 53 hành vi vi phạm”. Cùng với đó, có kế hoạch toàn diện biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, từ chuyển đổi công nghệ đến vấn đề hoàn thiện lại hệ thống xử lý nước thải, chất thải, khí thải. Đồng thời triển khai hệ thống ứng phó với sự cố ô nhiễm môi trường như hồ sinh học để chứa đựng nước khoảng 7 ngày trước khi đổ ra môi trường. Có hệ thống quan trắc trực tuyến để kiểm soát các chỉ số liên quan trước khi xả thải ra biển.

Về đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường biển và suy thoái môi trường biển do Formosa gây ra, theo ông Trần Hồng Hà, ngay từ khi xảy ra sự cố đã triển khai đánh giá mức ô nhiễm. Dự kiến đến 15/8, những kết quả đánh giá mức độ ô nhiễm sẽ thông qua hội đồng các nhà khoa học và đưa ra các giải pháp cụ thể để khắc phục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm