pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đề xuất ứng dụng công nghệ thông tin về nhu cầu cứu trợ trong bão lũ
Đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, thảo luận
Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có chung nhận định: Năm 2024, trong bối cảnh tiếp tục đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi từ bên ngoài, những bất cập, hạn chế về nội lực nền kinh tế bên trong, ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ, song, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nước ta đã vượt lên trên khó khăn, thách thức, dành nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.
Những tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025 là khoảng thời gian có ý nghĩa rất quan trọng trong tập trung hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu Nghị quyết đại hội XIII của Đảng. Đặc biệt, trong bối cảnh bão lũ tác động nặng nề nền kinh tế cũng như đời sống nhân dân, một số đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, xây dựng một chương trình tổng thể về công tác cảnh báo, phòng, chống thiên tai, bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn để giảm thiểu thiệt hại khi thiên tai, bão lũ xảy ra.
Về nội dung này, đại biểu Lý Thị Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang, cho biết: Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tình trạng sạt lở tại các khu vực vùng núi phía Bắc ở mức báo động, gây ra những thiệt hại nặng nề. Để đảm bảo hiệu quả đồng bộ trong hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam, đại biểu Lý Thị Lan kiến nghị Chính phủ có chiến lược rõ ràng và đồng bộ từ trung ương đến địa phương và đầu tư nguồn lực thỏa đáng hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo quốc gia chung trên cả nước.
Theo đại biểu Lan, trước mắt, cần thường xuyên cập nhật bản đồ hiện trạng và điều chỉnh bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ sạt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000, chuyển giao các kết quả trước mùa mưa bão hằng năm cho các địa phương để địa phương có căn cứ xây dựng phương án di dời, sắp xếp dân cư, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng. Tăng cường công tác điều tra, khảo sát tỷ lệ chi tiết 1/10.000 và 1/5.000 những xã, thôn, bản có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao, lắp đặt các thiết bị quan trắc để cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở, lũ quét.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, cho rằng: Công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn một số vấn đề. Một số địa phương mới chỉ quan tâm nhiều và chú trọng đến việc ứng phó thiên tai khi xảy ra, công tác phòng ngừa còn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với công tác dự báo, việc đầu tư xây dựng hệ thống quan trắc tự động cũng như việc xây dựng bản đồ cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất và thông tin đến từng thôn bản để người dân biết và chủ động phòng tránh khi có mưa lớn xảy ra.
Theo đó, đại biểu Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn. Quan tâm đầu tư cho công tác phòng ngừa, dự báo và đặc biệt quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai để đảm bảo sẵn sàng ứng phó tốt nhất khi tình huống thiên tai có thể xảy ra.
Nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm trong phòng, chống bão lũ, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, nêu rõ: Vấn đề đầu tiên cần rút kinh nghiệm đó là việc phân phối hàng cứu trợ để tránh tình trạng chỗ cần không có, chỗ lại thừa, thậm chí phải chôn hàng tấn thức ăn vì không kịp phân phát.
"Chúng ta cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xác định nhu cầu thực chất cần cứu trợ là gì, số lượng, thời gian, cách thức đưa vào hàng cứu trợ đến trực tiếp người dân và địa phương. Việc ứng cứu cũng cần rút kinh nghiệm ở từng địa phương, cần sớm có kế hoạch triển khai thành tựu mới trong khoa học, kỹ thuật hiện đại trong hoạt động cứu hộ, cứu nạn" - đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh.