Đại biểu Quốc hội lo chương trình tích hợp không giảm tải được kiến thức

30/10/2018 - 16:59
Đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) trong phiên chất vấn tại Quốc hội ngày 30/10 đặt vấn đề cho Bộ trưởng GD&ĐT về giảm tải kiến thức thông qua chương trình dạy tích hợp. Nữ đại biểu lo ngại việc dạy học tích hợp khó có thể giảm được kiến thức, thậm chí tăng áp lực cho cả học sinh và giáo viên.

Băn khoăn về chương trình phổ thông mới với cấu trúc môn học có thêm môn tích hợp, đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT làm rõ về phương án tích hợp 5 môn là phương pháp giảng dạy tích hợp giữa các môn và được biên soạn mới hay đó chỉ là phương án lồng ghép cơ học kiến thức của 5 môn thành hai cuốn sách giáo khoa.

“Liệu phương án tích hợp này có giảm tải lượng kiến thức cho học sinh hay không hay lại tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh. Nếu là phương án tích hợp một thầy dạy 3 môn thì chương trình đào tạo bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp đã được bộ triển khai như thế nào, chất lượng ra sao?” – bà Minh Ánh đặt vấn đề.

Nữ đại biểu đoàn Hà Nội cũng cho rằng Bộ cần tính đến các bất cập khi dạy học tích hợp kiểu “3 thầy dạy 1 môn” như bố trí giáo viên, việc vào điểm, cho điểm, ra đề, chấm bài…. Và mong muốn việc ban hành sách giáo khoa cần được Bộ GD&ĐT cân nhắc kỹ lưỡng, bởi điều này ảnh hưởnglớn đến hàng triệu giáo viên, học sinh và tương lai của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh quan tâm đến dạy học tích hợp trong chương trình phổ thông mới 

Trả lời chất vấn của đại biểu Minh Ánh, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định dạy học tích hợp là yêu cầu chung theo tinh thần đổi mới giáo dục toàn diện, theo đó chương trình giáo dục phổ thông mới  phải tích hợp cao môn cấp dưới và phân hóa dần môn ở bậc học cao. Điều này, theo ông Nhạ là phù hợp với xu hướng nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Theo tư lệnh ngành giáo dục, tích hợp có nhiều mức, trong đó mức tích hợp kiến thức các môn khoa học gần nhau vào chung một môn tích hợp – đây là mức tích hợp cao nhất.

Với cấu trúc chương trình mới, bậc Tiểu học tích hợp khá nhiều môn, còn cấp THCS thì có hai môn tích hợp được xem là điểm mới: Môn Khoa học tự nhiên (KHTN) và môn Lịch sử - địa lý.

Môn KHTN có 4 chủ đề: Chất và sự biến đổi chất (hóa học), năng lượng và sự biến đổi (Vật lý), vật sống (sinh học), trái đất và bầu trời (cả vật lý và sinh học). Cấu trúc này tương tự các môn học tự nhiên của các nước trên thế giới.

Về lịch sử và địa lý gồm có hai phân môn: Lịch sử và địa lý. Mỗi phân môn có tính hệ thống tương đối phù hợp với đặc trưng môn học.

Ảnh minh họa 

Nói về phương án bố trí giáo viên, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định Bộ GD&ĐT đã có sự tính toán kỹ cũng như lộ trình rõ ràng.

“Với cấp THCS, môn tích hợp mà giáo viên chuyên sâu môn nào thì dạy môn đó và có sự phối hợp lẫn nhau giữa các giáo viên. Việc đào tạo giáo viên cũng có định hướng rõ, vì thời gian áp dụng chương trình THCS mới theo kế hoạch là còn khoảng 6 – 7 năm nữa nên chúng tôi thấy đủ thời gian để bồi dưỡng giáo viên” – Bộ trưởng Nhạ cho hay.

Cũng theo ông Nhạ, giáo viên còn được học thêm chuyên đề học phần của môn khác để tiến tới có thể dạy được hai môn. “Chúng tôi cũng có giải pháp hướng tới đào tạo giáo viên có thể dạy được cả 3 môn trong một môn học ở những năm dài hơn. Đây cũng là kinh nghiệm của các nước, quỹ thời gian cũng còn dài để chúng tôi chuẩn bị” – ông nhấn mạnh.

Nhận định về tính giảm tải của kiến thức môn học, tư lệnh ngành giáo dục khẳng định rõ, thiết kế này chắc chắn có giảm tải. Sự giảm tải không chỉ giảm tải theo cấu trúc môn học mà còn theo cấu trúc chương trình, đổi mới phương pháp.

“Tôi cho rằng học tích hợp cũng là một trong những cách thức giảm tải lượng kiến thức áp lực hiện nay của học sinh. Chúng tôi đã tính đến các phương án triển khai các phương án này và xét thấy các phương án trên có tính khả thi cao” – ông nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm