Tại Hội thảo Quốc tế Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Đắk Nông và Hiệp Hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức ngày 10/12 ở Đắk Nông, Hiệp Hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết, cả nước hiện có trên 600.000 ha cà phê. Trong đó khu vực Tây Nguyên chiếm gần 90% diện tích cà phê của cả nước, với khoảng 577.000 ha.
Theo ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có trên 127.000 ha cà phê, năng suất trên 2,3 tấn/ha, đứng thứ 3 về sản lượng cà phê cả nước.
Ông Dần cho rằng, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng cà phê. Tỉnh đã đưa vào vận hành hệ thống quản lý giám định chất lượng ở các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành, thực hiện tốt phát triển cà phê bền vững từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.
“Để đảm bảo an toàn thực phẩm mặt hàng cà phê, chúng tôi phối hợp với ngành tế tổ chức thanh, kiểm tra theo quy định và đột xuất từ khâu sản xuất, đến tiêu thụ mặt hàng này. Đặc biệt trong sản xuất, chúng tôi đẩy mạnh hướng dẫn người dân thực hiện và kiểm tra quy trình sản xuất sạch, áp dụng các tiêu chuẩn như VietGap vào sản xuất theo hướng an toàn”, ông Lê Quang Dần cho biết thêm.
Cùng với sản xuất, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cũng chú trọng hướng dẫn chế biến cà phê an toàn, tăng kiểm tra giám sát cơ sở chế biến, kinh doanh trong việc thực hiện các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo ông Dần, với sản lượng cà phê lớn nên trữ lượng sản phẩm xuất khẩu cũng nhiều. Vì thế, bản thân doanh nghiệp cũng phải tự ý thức trong sản xuất an toàn để vượt qua các quy định, hàng rào kỹ thuật của nước nhập khẩu.
Với mặt hàng cà phê, nguy cơ về an toàn thực phẩm lớn nhất là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, các cơ quan chức năng ở Tây Nguyên chú trọng khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo quy trình “4 đúng” như đúng liều lượng, chủng loại và thời điểm… để không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm khi thu hái và tiêu thụ.
Ông Lý Thông Hạ, thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, trồng gần 1ha cà phê. Theo ông Hạ, nhờ được tập huấn về quy trình sản xuất an toàn nên gia đình ông hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giữ khoảng cách an toàn từ khi phun đến khi thu hoạch. Với cà phê, thông thường từ tháng 7 trở đi sẽ không phun thuốc nữa, vì khi quả bắt đầu chín thì sẽ ít bị sâu hại.
Ngoài ra, ông Hạ cho rằng, hầu hết người trồng còn sử dụng thuốc trừ sâu sinh học. Nếu không thì dùng sản phẩm có nhãn xanh, ít độc hại hơn thuốc có nhãn đỏ. Điều này không chỉ đảm bảo an toàn trong sản xuất cà phê, giúp sản phẩm có đầu ra bền vững, tạo thu nhập ổn định cho người dân, mà còn giúp đảm bảo sức khỏe cho người sản xuất và sử dụng.