Dẫm nát hoa chỉ để 'tự sướng'

08/12/2015 - 14:06
Thưởng hoa, chụp ảnh cùng hoa nhưng sẵn sàng dẫm nát hoa chỉ để phục vụ nhu cầu chụp ảnh “tự sướng” của bản thân là hành động thể hiện ý thức kém của nhiều bạn trẻ.
Chuyện thung lũng hoa Hồ Tây tan hoang chỉ sau 2 ngày mở cửa miễn phí cho khách vào xem còn chưa lắng xuống, người ta đã lại thấy video các thanh niên hồn nhiên phá hoa hướng dương ở Nghệ An. Gần đây cứ dịp cuối tuần, nhiều bạn trẻ nô nức kéo nhau lên rừng quốc gia Ba Vì ngắm hoa dã quỳ. Ngay lối vào cửa rừng và dọc lối vào các đồi hoa đã treo nhiều biển ghi rõ nội dung: Cấm hái hoa, ai hái hoa sẽ bị phạt 100.000 đồng/bông. Bất chấp biển báo, nhiều người vẫn sẵn sàng chà đạp lên những bông dã quỳ mới phút trước hãy còn khoe sắc.
pha_hoa.jpg

Cảnh các bạn trẻ thiếu ý thức xuất hiện khá nhiều trên mạng. Ảnh: ST

Cơn lốc thưởng hoa vô ý thức còn tràn đến cả Hà Giang, khiến cho những cánh đồng hoa tam giác mạch vốn đẹp kỳ diệu đã bị tan hoang dưới gót chân của  nhiều du khách thành thị. Một bạn trẻ Hà Giang vì quá xót xa đã phải đặt câu hỏi: “Các bạn đã làm gì quê hương tôi thế này?” rồi đăng tải kèm một tấm hình một bạn trẻ nhân danh một người yêu hoa vô tư nằm trên ruộng hoa tam giác mạch. Bức ảnh đã nói lên một thông điệp về văn hóa thưởng thức hoa trong giới trẻ.
Bạn Nguyễn Thu Trang (cựu sinh viên khóa 42 khoa Văn, trường ĐH KH&NV, ĐHQG Hà Nội) nhớ lại: Tôi và bạn bè từng rủ nhau đến vườn hoa cải để chụp ảnh. Từ đằng xa đã thấy chủ vườn hoa cầm gậy, quát lớn: “Thôi về hết, dẹp hết. Tôi không cho chụp nữa. Trông xinh trai xinh gái vậy mà kém ý thức!” khiến bao nhiêu cảm xúc đẹp bỗng dưng biến mất. Đi thưởng hoa là để tinh thần thăng hoa nhưng cuối cùng Trang chỉ thấy xấu hổ như thể chính mình là người vừa chà đạp lên hoa vậy.
Đó cũng là lý do mà cuối tuần qua, Phạm Thu Thủy, một giáo viên trẻ ở Hà Nội, chưa kịp đưa người bạn Mỹ đến thăm thung lũng hoa Hồ Tây đã phải thay đổi kế hoạch vì nghe tin hoa đã bị dẫm nát. “Mình đành chuyển hướng, đưa bạn đi chơi phố cổ ở Hà Nội. Một phần mình không muốn người bạn nước ngoài nhìn thấy cảnh tàn phá hoa. Phần khác mình không muốn đến đó rồi lại bị hiểu nhầm mình cũng ở trong nhóm các bạn trẻ thiếu ý thức”. Điều Thủy buồn nhất là một số bạn trẻ nói là yêu hoa, nhưng lại chỉ chăm chăm nghĩ xem, làm thế nào để những đóa hoa làm nền cho mình được đẹp nhất. “Năm ngoái, mình sang thăm một ngôi trường ở Pháp. Sân trường được lát gạch phẳng nhưng lạ thay lại có một ô đất lọt vào giữa. Mình hỏi thì thầy hiệu trưởng giải thích ô đất đó có một cái cây đang mọc và họ không muốn nhổ cây đi. Theo thầy, lát gạch thì dễ nhưng bảo vệ một cái cây đang xanh mướt như thế mới là khó. Đó cũng là cách nhà trường dạy cho các học sinh cách yêu và trân trọng thiên nhiên”.
Thầy Nguyễn Đức Quang, hiệu trưởng một trường tư thục ở Hà Nội, kể: Hồi nhỏ, thầy từng có những trò nghịch ác như băm vằm một bông hoa, bắt gà rồi trói chân... Sau này khi ra nước ngoài du học, ngồi trên giảng đường lớn, thầy đã được học về quyền của động vật và... cây cỏ. Rằng, mọi sinh vật trên trái đất đều có quyền và cần được tôn trọng. Con người suy cho cùng cũng như mọi sinh linh khác trong vũ trụ bao la. Từ bài học ấy, thầy đã ý thức được hành vi của mình và bây giờ khi làm bố, thầy luôn dạy các con phải tôn trọng mọi vật. “Thi thoảng, cả gia đình tôi vẫn cùng nhau đi dã ngoại. Các con của tôi không bao giờ tự cho mình cái quyền được hái hoa, bẻ cành, hành hạ các con vật một cách bừa bãi”.
Theo cô giáo Lê Thị Lượng, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), từ câu chuyện “thưởng hoa mà không thương hoa” cho thấy, chúng ta cần chú trọng giáo dục ý thức, nếp sống văn minh cho giới trẻ từ những bài học thật cụ thể. Nhiều bạn có bằng cấp nhưng chưa chắc đã biết cách sống có ý thức, văn hóa. “Tôi còn nhớ khi dạy học sinh chuyên đề Nếp sống văn minh, thanh lịch, thay vì nói học sinh phải yêu quê hương, tôi đã hỏi nếu phải đi xa, các em sẽ nhớ nhất điều gì về nơi mình đã sống. Nhiều em trả lời là... rơm rạ. Tôi nói, vậy thì các em hãy yêu chính cọng rơm và cả công sức của những người đã làm ra cọng rơm ấy. Đó chính là cách các em yêu quê hương và sống đẹp”, cô giáo Lượng chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm