Dân lái xe sợ nổ bình cứu hỏa trên ôtô

07/01/2016 - 23:14
Sau khi quy định bắt buộc phải trang bị bình cứu hỏa trên xe ô tô con có hiệu lực từ ngày 6/1/2015, nhiều ý kiến lo ngại mất an toàn khi đặt bình chữa cháy trên xe ôtô.

Thông tư 57 của Bộ Công an, có hiệu lực từ 6/1, quy định: Ôtô từ 4 chỗ trở lên phải được trang bị phương tiện PCCC. Tuy nhiên, khi thực hiện Thông tư này, nhiều ý kiến đã không đồng tình vì cho rằng để bình chữa cháy trong ô tô có thể xảy ra cháy nổ.

Anh Trần Văn Minh (phường Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), có một chiếc xe Vios, nói: Quy định ô tô phải có bình chữa cháy của cơ quan chức năng là điều có thể hiểu được sau một loạt vụ cháy nổ mấy năm qua.

“Điều này nghe qua sẽ cảm thấy quy định làm tăng thêm tính an toàn cho xe lưu thông trên đường. Tuy nhiên, nếu tính kỹ, thực tế chưa hẳn đã vậy”, anh Minh nêu quan điểm. Anh giải thích thêm, bình chữa cháy bản thân là một bình có áp suất và phải cố định để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, khi bình này để trên xe di chuyển sẽ tạo rung lắc, bình sẽ chịu tác động ngoại lực, gây nguy hiểm.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Trọng Thắng (ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng), chủ chiếc Toyota Fortuner cho biết, cá nhân đã trang bị bình chữa cháy sau nhiều vụ cháy xe trước đây. Tuy nhiên, anh tỏ ra lo lắng vì khả năng bình phát nổ do để trong xe dưới trời nắng nóng mùa hè. Trên diễn đàn ô tô xe máy otofun từng nêu hiện tượng nổ bình chữa cháy trong xe.

Trên một diễn đàn về ô tô, anh N.T.V (Hà Nội) bình luận: “Nguyên một hệ thống cứu hoả chỉ có mỗi ống mạ kẽm là của Việt Nam gia công, còn lại bao nhiêu là nhập từ Trung Quốc.

Với cái bình dạng này, một đám nhỏ cở vài tờ giấy bùng cháy mà nếu không bình tĩnh, sử dụng đúng kỹ thuật thì coi như cũng không dập nỗi, vì rút chốt ra bóp thử một phát là hết cả cái bình, đừng nói gì đám cháy xăng dầu hay hoá chất”.

Anh V. nhấn mạnh: “Hệ thống cứu hỏa tại chỗ của Việt Nam hiện nay đa phần là làm để đủ cho điều kiện hoạt động chứ không nhằm vào mục đích chính là cứu hoả, vì vậy nên nước ta cứ hễ ở đâu phát cháy là ở đó tan hoang.

Riêng đối với việc bắt buộc đặt cái bình chữa cháy mini trong ô tô thì chẳng khác gì để trong xe một quả bom nổ chậm. Nhiệt độ tăng cao khi để xe ngoài trời, các loại bình bày bán tràn lan không có quy chuẩn, điều kiện đường sá xấu gây rung lắc khi di chuyển, tất cả những yếu tố ấy đều có thể khiến cho cái bình có thể nổ bất cứ lúc nào. Còn công dụng thì may ra nó có thể dập được vài cái tàn thuốc lá”.

Sau khi nhận được phản ảnh, băn khoăn của dư luận, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, cơ quan này đã vào cuộc kiểm tra.

Theo ông Đồng Ngọc Ba, Thông tư 57 do Bộ trưởng Bộ Công an ký duyệt có nội dung hướng dẫn về trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Qua kiểm tra bước đầu dưới góc độ pháp lý, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhận thấy Thông tư 57 được căn cứ vào 2 luật liên quan trực tiếp là Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 79/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy.

“Qua xem xét toàn diện nội dung, chưa có căn cứ thông tư này trái với quy định của pháp luật, kể cả yêu cầu trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện đường bộ. Bộ Công an có thẩm quyền quy định liên quan đến tiêu chuẩn, điều kiện, định mức về phòng cháy chữa cháy trên phương tiện xe cơ giới đường bộ”- ông Ba khẳng định.

Bình cứu hỏa trên xe ô tô con không liên quan đến việc đăng kiểm

Trả lời báo chí, Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), khẳng định: Nếu phương tiện giao thông cơ giới khi đăng kiểm lại không được trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện PCCC theo quy định, cơ quan đăng kiểm sẽ không cấp giấy chứng nhận.

Ngược lại, ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết: Cục Đăng kiểm tiến hành kiểm định xe cơ giới theo quy định của Thông tư 70 của Bộ GTVT, trong khi Thông tư 75 của Bộ Công An đưa ra quy định về việc kiểm soát trên đường.


Nhiều người băn khoăn về sự an toàn khi đặt bình cứu hỏa trên xe ô tô

Đối tượng áp dụng của thông tư 57 không liên quan tới việc kiểm định xe cơ giới, việc đưa ra và áp dụng các quy định về kiểm định xe cơ giới là thuộc quyền hạn của Bộ GTVT.

Do đó, hiện nay Cục Đăng kiểm chỉ chỉ đạo các trạm đăng kiểm nhắc nhở người dân về việc có quy định liên quan tới trang bị bình cứu hoả. Đại diện Cục Đăng kiểm cũng cho biết Cục chỉ kiểm tra về trang bị bình cứu hoả chỉ tiến hành với xe trên 16 chỗ ngồi và những xe téc còn xe cá nhân thì không bị kiểm tra, kiểm định về vấn đề này.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm trong ngành ôtô, ông Trí cũng đưa ra một số chia sẻ mang tính cá nhân về câu chuỵên bình cứu hoả trên xe hơi. Ông Trí cho rằng việc áp dụng thông tư 57 trên thực tế sẽ mắc một số vấn đề.

Thứ nhất trong thiết kế xe du lịch thông thường sẽ không có chỗ để đựng bình cứu hoả nên nếu để bình cứu hoả ở gầm ghế thì có thể dẫn tới khả năng lăn chèn vào chân ga, chân phanh gây nguy hiểm.

Còn khi có sự cố, bình cứu hoả là một vật nặng và nếu không lắp chặt, chèn chặt thì sẽ dẫn tới nguy cơ văng, lắc đập vào người ngồi trong xe gây thương tích.

Ông Trí phân tích rằng thông thường ở xe con (xe du lịch) nếu phát cháy thì thường bắt đầu từ buồng động cơ và trong trường hợp buồng động cơ phát hoả, các chuyên gia đều khuyến cáo người dùng cần tránh xe càng xa càng tốt để tránh nguy cơ nổ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm