Đan Mạch - quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

17/03/2016 - 11:07
Theo bình chọn của tổ chức Mạng lưới Các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) và Viện Nghiên cứu Trái Đất (Đại học Columbia, Mỹ) vừa công bố ngày 16/3, Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới năm 2016.
Môi trường thân thiện
Dan-Mach.-Dat-nuoc-hanh-phuc-7.jpg
Không gian xanh bình yên
Là vương quốc nhỏ bé ở vùng Bắc Âu, Đan Mạch được mệnh danh là quốc gia xanh và hạnh phúc nhất thế giới. Đan Mạch hấp dẫn du khách trên thế giới bởi những phong cảnh tuyệt đẹp và con người thân thiện, mến khách. Đất nước này có bức tượng nàng tiên cá nổi tiếng, cũng là nơi sạch nhất thế giới với không khí trong lành của công viên, vườn hoa, cây cối. Đan Mạch còn hấp dẫn bởi những kiến trúc cổ xưa vẫn còn nguyên vẹn của các lâu đài, các nhà thờ. Đan Mạch không cần cầu kỳ phô trương bằng vẻ ngoài háo nhoáng của những ngôi nhà, nhưng đi vào bên trong một kết cấu nhà ở hay dịch vụ nào của Đan Mạch, điều mà bạn cảm nhận được là sự thán phục bởi sự tích hợp mọi tiện ích.
Dan-Mach.-Dat-nuoc-hanh-phuc-8.jpg
Nàng tiên cá ở thủ đô Copenhagen
Tại Đan Mạch, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các công viên, hồ nước, sân chơi, sân vận động và những không gian mở. Người dân tại đây luôn có những nơi để thực hiện tất cả mọi hoạt động và chúng luôn được duy trì tốt. Chính phủ Đan Mạch hào phóng trong việc cung cấp những không gian công cộng để trẻ em được vui chơi, người lớn an hưởng không gian xanh thoáng đãng… với nhịp sống nhẹ nhàng, không bon chen, vụ lợi. Đối với những người sống tại xứ lạnh gần như quanh năm, không gì sang trọng và tuyệt hơn việc ngồi thưởng thức nắng ấm trong những ngày hè hiếm hoi…
Dan-Mach.-Dat-nuoc-hanh-phuc-3.jpg
Đi lại chủ yếu bằng xe đạp
An sinh xã hội tốt
Nhìn vào cư dân Đan Mạch, cảm giác thân mật, tính cộng đồng và sự vui vẻ của mỗi người dân là đặc trưng thường thấy tại quốc gia này. Người dân Đan Mạch nổi tiếng với việc không quá ham muốn vật chất. Sự hạnh phúc của họ xuất phát từ việc bình đẳng giới được ưu tiên, đi xe đạp là một chuẩn mực và họ luôn có ý thức trách nhiệm đối với nhau.
Nói đến thu nhập, Đan Mạch có GDP bình quân đầu người đạt gần 36.000 USD/năm 2009. Ở nước này, hệ thống an sinh xã hội vô cùng tốt. Người khuyết tật, người già hay bất cứ người bệnh nào cũng được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí. Nếu ai đó bị khuyết tật, dù là ở dạng nào, chỉ cần đến thông báo với chính quyền là sẽ được nhận hỗ trợ tùy theo mức độ dạng tật. Người cao tuổi nếu còn ở nhà sẽ được nhân viên đến tận nhà chăm sóc. Trường hợp yếu hơn sẽ vào viện dưỡng lão, sống trong môi trường chăm sóc hiện đại và rất thoải mái.
 
 
Đất nước “trong sạch”
Tại đất nước này, không tham nhũng đã trở thành truyền thống lịch sử văn hóa của đất nước. Do đó, quan điểm của Chính phủ Đan Mạch là chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng, trên cơ sở kết hợp chặt chẽ với kiên quyết trừng trị những cán bộ, công chức tham nhũng. Khung hình phạt xử tội tham nhũng cao nhất được quy định trong Bộ luật Hình sự ngang với mức xử tội giết người.
Dan-Mach.-Dat-nuoc-hanh-phuc-5.jpg
Trẻ em luôn được quan tâm
Ở Đan Mạch, mỗi công dân có một mã số thuế riêng, cơ quan thuế luôn kiểm tra mã số thuế, đối chiếu thu nhập với mức nộp thuế và đời sống sinh hoạt hàng ngày và các khoản mua sắm phát sinh. Công dân khi mua một tài sản lớn như xe ô tô, đất, nhà… đều được rà soát mức thu nhập. Chính việc kiểm soát thu nhập qua thuế là một trong những biện pháp rất quan trọng để phòng ngừa và phát hiện tham nhũng. Dù người dân Đan Mạch phải nộp thuế thu nhập cá nhân rất cao, từ 50 - 70% thu nhập của họ nhưng đổi lại, Chính phủ sẽ lo cho họ toàn bộ các chương trình về giáo dục, y tế, môi trường, chế độ hưu trí…
Báo chí tại Đan Mạch cũng là một lực lượng có vai trò rất quan trọng trong đấu tranh chống tham nhũng. Báo chí Đan Mạch có quyền lực rất lớn, theo dõi, giám sát cả 3 nhánh quyền lực là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Báo chí bảo vệ dân chủ, nhân quyền và môi trường sinh thái, phát hiện các hành vi sai phạm, tham nhũng của các quan chức, tạo áp lực rất lớn đối với các chính trị gia. Hiệp hội Nhà báo Đan Mạch động viên, khuyến khích các nhà báo đấu tranh chống tham nhũng, hàng năm các nhà báo có thành tích chống tham nhũng tốt đều được trao giải thưởng.
 
Đây là lần thứ 4 SDSN tiến hành nghiên cứu và đánh giá chỉ số hạnh phúc đối với 157 quốc gia dựa trên các yếu tố như Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tuổi thọ bình quân của người dân, chất lượng cuộc sống, tình trạng tham nhũng… Qua báo cáo lần này, SDSN hối thúc các quốc gia cùng việc theo đuổi mục tiêu phát triển kinh tế cần phải tích cực giải quyết vấn đề bất bình đẳng và tăng cường bảo vệ môi trường.
10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới: Đan Mạch, Thụy Sĩ, Iceland, Na Uy, Phần Lan, Canada, Hà Lan, New Zealand, Australia và Thụy Điển.
10 quốc gia xếp cuối hạng: Syria, Afghanistan, Madagascar, Tanzania, Liberia, Guinea, Rwanda, Benin,Togo và Burundi.
Việt Nam xếp hạng 75 năm 2015 và tụt xuống 96 năm 2016.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm