Dân Quảng Ninh sống cảnh nhà bị vùi lấp, cắt điện, vỡ đường nước

05/08/2015 - 14:59
Không điện, không nước, thậm chí nhiều nhà không có lương thực, đồ ăn, có những người còn không có quần áo để thay... là thực trạng ở vùng "rốn ngập nước" Quảng Ninh hiện tại.

Tính đến 30/7, trận “đại hồng thủy” lớn nhất trong vòng 50 năm qua ở Quảng Ninh đã làm 17 người chết, 6 người mất tích, thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỉ đồng. Hàng trăm gia đình rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai đang được thực hiện khẩn trương.

Hầu hết các gia đình ở trong khu vực ngập nước đều có điểm chung: Bùn đất tràn kín nhà, đồ đạc, vật dụng trong nhà bị nước làm hư hại hết.

Tại phường Quang Hanh, dưới chân Đèo Bụt (TP Cẩm Phả), nước đã rút được hơn 1 ngày. Tại những vùng ngập nước, để đảm bảo an toàn cho người dân nên Công ty điện lực phải cắt điện. Đường ống nước sạch của Nhà máy nước Diễn Vọng bị vỡ. Đồ đạc trong nhà mấy ngày ngập nước đã hỏng hết, cả lương thực, thực phẩm hàng ngày cũng bị ướt hết. Quần áo cũng không có để thay.

Những con đường dẫn vào các xóm phố ngập bùn đất, rác rưởi. Hai bên đường QL18, để cho nước thoát nhanh hơn, người dân phải lật hết các nắp cống rồi múc cát bùn, khơi thông dòng chảy. Song, chỗ nào cũng tràn ngập nước, nước không có lối thoát, lênh láng ra khắp mặt đường.

Người dân phường Cẩm Bình, TP Cẩm Phả, tranh thủ dọn dẹp nhà cửa khi mưa ngớt. Ảnh: Minh Quyết

Ở khu vực Đông Cao Sơn (TP Cẩm Phả), dưới chân bãi tập kết xỉ thải than của Công ty than Mông Dương chỉ vài trăm mét, là cảnh tượng tan hoang của 70 hộ dân sống tại đây. Hàng ngàn khối đất đá của bãi chứa thải xỉ than Công ty Than Mông Dương bị mưa lớn cuốn trôi đã lấp ngập kín nhà dân, khiến toàn bộ người dân phải sơ tán khỏi khu vực này.

Đến 3h sáng 30/7, Đập nước 790 tại phường Mông Dương (TP Cẩm Phả) đã bị vỡ khoảng 3m, sau nhiều ngày phải hứng chịu áp lực của một lượng lớn đất đá từ bãi thải Đông Cao Sơn, thuộc mỏ than Cao Sơn, dồn xuống do mưa lớn kéo dài. Các lực lượng cứu hộ đã khẩn trương ứng cứu, khắc phục hậu quả.

Trả lời về nguyên nhân dẫn đến những tổn thất về người và tài sản trong đợt mưa lũ vừa qua, ông Phạm Đình Hòa, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh, nhận định: Đó là do mưa lớn kéo dài gấp nhiều lần trong suốt mấy chục năm qua, hệ thống thủy lợi, thoát nước không đáp ứng được do được xây dựng từ 20-30 năm trước nên chưa lường trước được...

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) vừa có Công điện khẩn gửi Sở Y tế Quảng Ninh về việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ.

Theo đó, Cục đề nghị ngành y tế Quảng Ninh:

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm;

- Thu gom và chôn xác động vật đúng quy định để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm;

- Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại vùng có nguy cơ;

- Giám sát và xử lý các ổ dịch bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ;

- Duy trì thường trực các đội cơ động chống dịch để sẵn sàng hỗ trợ cho những nơi có dịch bệnh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm