Dằn vặt chồng về quá khứ lỡ lầm

11/08/2015 - 14:09
Tôi chưa nói với vợ về quá khứ chơi bời, nghiện ngập của mình nên suýt nữa đã phá vỡ mọi thứ vì cô ấy cứ dằn vặt mãi về điều đó.
                                                                   Những nghi ngờ của vợ khiến tôi căng thẳng, mệt mỏi đến mức tổn thương (Ảnh minh họa)

Năm nay tôi vừa tròn 30 tuổi, đã có bằng thạc sĩ, công việc ổn định và đã kết hôn với người con gái rất yêu tôi. Thoạt nghe, mọi thứ có vẻ ổn nhưng trong thực tế thì còn lắm chuyện phải suy nghĩ. Mà căn nguyên cũng từ một sai lầm của tôi trong quá khứ.

Hồi ấy, sau khi tôi tốt nghiệp đại học, đang trong cảnh thất nghiệp thì gia đình lại xảy ra chuyện. Bố tôi bỗng “giở chứng” bồ bịch rồi đòi ly hôn vợ để chung sống với cô bồ trẻ. Thương mẹ, hận bố, chán cho tương lai của mình… tôi sa chân vào đám bạn xấu rồi thường xuyên đàn đúm, cờ bạc, rượu chè và nghiện ma túy…

Sau gần 1 năm, mẹ tôi phát hiện ra. Mẹ không trách cứ, mắng mỏ, chỉ ôm tôi khóc, bảo là thương tôi nhiều lắm và xin lỗi tôi nữa. Mẹ nói, có thể tại mẹ chưa phải là người mẹ tốt, chưa làm được nhiều việc để gìn giữ gia đình, để mang lại sự tử tế, hạnh phúc cho con... Lời nói ấy chứa tất cả những gì gọi là “sức nặng”, đủ kéo tôi ra khỏi cơn mê. Tôi đã quyết tâm cai nghiện, tập trung học tập tiếp rồi xin được việc làm và bắt đầu hò hẹn.

Người yêu của tôi là cô gái có tài, có sắc, rất yêu tôi nhưng lại mắc tính đa nghi. Tôi từng nghĩ, ngọc nào chẳng có vết và sự đa nghi được coi là “đặc quyền của phụ nữ”. 2 năm trước, đám cưới của chúng tôi diễn ra. Sau đó, tôi “yên ổn” được gần nửa năm thì “bão tố” ập đến vào cái lần vợ tôi đi họp gì đó và tình cờ gặp 1 người quen cũ của tôi. Người ấy đem “quá khứ chơi bời và nghiện ngập” của tôi nói lại với cô ấy.

Ngay lập tức, vợ gọi điện cho tôi để kiểm tra lại tất cả những thông tin vừa nhận được. Tôi hơi hoảng vì sự thật bị phơi bày nhưng cũng nghĩ là sự việc diễn ra lâu rồi và mình chưa kể với vợ không có nghĩa là nói dối, mà chỉ là “chưa nói”. Vì vậy, cô ấy hỏi bất kỳ điều gì, tôi đều nghĩ là đã đến lúc cần nói hết. Tôi thừa nhận tất cả là đúng. Nghe xong, cô ấy như hụt hơi rồi bảo: “Anh làm em sốc quá!”.

Những ngày sau đó, mặc dù tôi đã kiên nhẫn giải thích với vợ rằng sai lầm ấy giờ chỉ còn là quá khứ, nó đã qua lâu rồi, song với vợ tôi, sự nghi ngờ lúc nào cũng đầy ắp. Câu nói: “Tại sao anh không kể gì với em?” cứ ám ảnh cô ấy. Thỉnh thoảng, vợ lại đay nghiến, trách cứ rằng tôi đã lừa gạt cô ấy. Đang trong lúc 2 đứa vui vẻ, cô ấy có thể khựng lại được ngay rồi băn khoăn: “Chẳng biết anh còn giấu em điều gì không?”. Cứ có cuộc gọi điện, tin nhắn đến là cô ấy nhướng mắt hoài nghi rồi hỏi thẳng: “Ai đấy? Liệu có phải là đám bạn hư hỏng ngày trước?”. Khi tôi đi làm về mệt, người ủ rũ, buồn ngủ, ngáp ngắn ngáp dài hoặc trời lạnh tôi ngại tắm… ngay lập tức cô ấy bảo: “Hay lại tái nghiện rồi?”…

Tôi biết mình từng sai lầm và việc mình phải chịu đựng sự nghi ngờ, không tin tưởng từ vợ là lẽ đương nhiên. Cũng có thể, những gì vợ đang làm chính là cách lo lắng, để ngăn cho tôi không bị sa vào sai lầm như trước. Song, nhiều lúc, những nghi ngờ từ vợ thực sự khiến tôi căng thẳng, ức chế đến mức tổn thương, để rồi 2 đứa cứ giận dỗi, cãi nhau liên tục.

Để cải thiện tình hình, tôi nghĩ trong thời gian tới, một mặt mình sẽ còn phải cố gắng tiếp tục sống tốt, sống tử tế. Mặt khác, tôi cũng mong có cơ hội chỉ ra cho vợ hiểu rằng: Trong mối quan hệ vợ chồng, có những vấn đề mà mục đích, hành động dành cho nhau thì rất tốt và chính đáng nhưng nếu không tính đến “tần suất”, “liều lượng” và sự tin tưởng ở nhau thì cũng rất dễ phản tác dụng.

Học cách quên chuyện cũ

- Việc “người ấy” từng mắc sai lầm trong quá khứ là hoàn toàn có thể xảy ra nhưng cần nhìn nhận/đánh giá “người ấy” dựa trên con người của hiện tại.

- Bạn có quyền nghi ngờ “người ấy” vì những sai lầm đã giấu trong quá khứ nhưng trong cách thể hiện cũng cần phải biết tiết chế về “tần suất”, “liều lượng”.

- Muốn giúp “người ấy” tránh được sai lầm, quên chuyện xấu thì nên có sự cố gắng của cả 2 và hãy dựa vào nền tảng của sự tin tưởng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm