Dân vùng cao hứng chịu bão lũ khi rừng xanh biến mất

06/08/2015 - 15:53
Khi đại ngàn đang ngày càng mất dần đi thì cũng là lúc cuộc sống của bà con vùng cao bị đặt trước nhiều hiểm nguy của thiên nhiên như lũ ống, lũ quét, sạt lở núi...

Xứ sở của miệt rừng, của đại ngàn, của những lớp cây cổ thụ tạo thành quách giờ chỉ còn lại trong lớp ký ức của người già ở Sơn La.

Đi đến tận cùng trời, cuối đất Sơn La, giờ chỉ thấy những quả đồi trọc kéo dài từ Mộc Châu đến Yên Châu và ngay cả vùng Sông Mã, Sốp Cộp những quả đồi cũng đang bị cạo trọc để trồng ngô, trồng sắn.

Những năm gần đây, tốc độ dân số gia tăng thì sức ép về lương thực cũng tăng theo. Trồng ngô, trồng sắn trên đồi, đời sống của bà con êm ấm được vài mùa nhưng hậu quả của nó để lại là những đau thương, mất mát...

Rừng vốn là lá chắn của bản làng. Giờ đây đại ngàn đã mất. Những quả đồi tươi tốt năm nào bị "làm thịt" không thương tiếc. Một khi mất rừng, tức là “bảo bối” ngăn lũ, bảo vệ con người, mùa màng đã hết “thiêng”. Những người sống ven rừng, ven suối là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp.

Trắng tay sau lũ, một số bà con người Thái sống ở vùng Sơn La còn mang bên mình một đống nợ. Vì không có vốn để đầu tư phát triển sản xuất, họ phải cắm nợ với lãi suất cắt cổ.

Sau lũ, những đám ruộng bị san phẳng khiến người dân đối mặt với cái đói. Ảnh: Thế Anh

Họ cắm nợ từ phân gio, giống má đến việc mua gạo ăn hàng ngày. Cái gì cũng bị tính lãi hết. Hy vọng mong manh của họ là được mùa ngô để trả nợ. Dù có được mùa thì mức lãi cắt cổ cũng “ăn” hết cả nương ngô, nương lúa của bà con.

Thời tiết ngày một thất thường, cái món nợ cũ chưa trả được, nay lại thêm nợ mới. Có những gia đình giờ hoàn toàn mất khả năng trả nợ.

Ông Lò Minh Xiêng Ón (xã Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) là 1 trong 3 người duy nhất của đất Sơn La hiện còn dịch được những cuốn sách cổ của người Thái. Ông cho biết, nội dung của sách cổ nói rất rõ rằng, muốn lập bản, lập Mường phải có 3 cánh rừng lớn: 1 cánh rừng cộng đồng để bà con có củi đốt, có gỗ làm nhà và giữ nước; 1 cánh rừng rộng lớn hơn để chăn nuôi, để phát triển sản xuất và 1 cánh rừng nữa là rừng chung của cả một Mường để giữ nước nơi đầu nguồn. Nếu thỏa mãn được cả 3 điều kiện này mới lập bản, lập Mường được.

Lời nói của tiền nhân, đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Muốn cuộc sống ổn định và phát triển bền vững, không còn cách nào khác là phải trồng rừng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm