Đảng của bà Suu Kyi thắng cử ở Myanmar

13/11/2015 - 16:42
Ngày 13/11, cuộc tổng tuyển cử tự do sau 25 năm tại Myanmar có kết quả cuối cùng với chiến thắng của đảng NLD bà Suu Kyi làm Chủ tịch.
Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành 348 ghế tại ​Quốc hội, thừa 19 ghế (so với 329 ghế) cần thiết để giành chiến thắng tuyệt đối. Như vậy, NLD sẽ có quyền bổ nhiệm tổng thống, hai phó tổng thống và lập chính phủ mới để điều hành đất nước.

Trong khi đó, đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) chỉ giành 40 ghế ở cả hai viện.

Dù bà Suu Kyi bị cấm trở thành tổng thống theo hiến pháp do quân đội soạn thảo, bây giờ đảng của bà hoàn toàn có thể thành lập chính phủ mới và chỉ định tổng thống. 

Ye Htut, phát ngôn viên của ​Tổng thống Thein Sein đồng thời là Bộ trưởng ​Thông tin Myanmar tuyên bố: "Chính phủ sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sau khi gửi lời chúc mừng tới bà Suu Kyi".

"Xin chúc mừng Chủ tịch Suu Kyi và đảng của bà vì đã giành được sự ủng hộ của người dân” - ông Ye Htut viết trên Facebook cá nhân.

Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành 70% số phiếu ủng hộ và cầm chắc thắng lợi, dù kiểm phiếu còn chưa kết thúc.

Dự kiến, 15/11, Myanmar sẽ họp bàn các vấn đề hậu bầu cử. Một cuộc đàm phán về “hòa giải dân tộc” theo lời kêu gọi của bà Suu Kyi cũng có thể diễn ra vào tuần sau với sự có mặt của tổng thống, chủ tịch Hạ viện và tổng tư lệnh quân đội.​

Chiến thắng của đảng đối lập NLD đã được dự đoán trước. Khi vào ngày 8/11, đảng NLD đã thắng tất cả 12 ghế đầu tiên trong quốc hội Myanmar.

Aung San Suu Kyi được gọi là nữ chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ ở Myanmar. Bà là con gái tướng Aung San, người có công lớn đưa Myanmar từ thuộc địa trở thành nước độc lập. Ông bị ám sát khi con gái mới 2 tuổi. 

Người dân Myanmar đón nhận kết quả cuộc bầu cử dân chủ.

Năm 1964, bà đến Oxford để học tập, rồi lập gia đình. Năm 1988 bà quay về Myanmar chăm sóc mẹ. Do tham gia phong trào dân chủ, từ năm 1989 bà bị quản thúc liền 21 năm. Trong thời gian này, chồng bà mắc ung thư rồi qua đời mà không thể gặp lại vợ lần cuối.

Năm 1991, khi ủy ban quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho bà Suu Kyi thì bà không thể đến nhận do bị giam lỏng tại nhà ở Myanmar. Người chồng Michael Aris và hai con trai của bà đã thay mặt nhận giải. Đến tháng 6/2012 bà mới đến được Oslo để nhận giải thưởng này.

Nhiều thông tin trên mạng đánh giá cao động thái chấp nhận thất bại của các tướng lĩnh quân đội, và cho rằng việc chấp nhận buông bỏ quyền lực vì lợi ích của đất nước là điều rất đáng khâm phục.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm