Một hộ đăng ký cho nhiều hộ
Có những năm, nếu người nào không kịp đăng ký trong năm thì ra ngoài giêng, nhiều chùa đã khóa sổ, kiên quyết không nhận thêm. Chị Nguyễn Thị Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết, có những năm do công việc bề bộn nên chị nhãng đi, qua ngày ông Công ông Táo mới chợt nhớ đến thì nhiều chùa đã chốt danh sách. Nếu không đăng ký được, năm đó, chị cảm thấy có lỗi và tâm trạng như mất Tết.
Năm nay, đến ngày 14/2 (tức ngày 10 tháng giêng), nhiều ngôi chùa lớn và nổi tiếng ở Hà Nội, như chùa Hà, quận Cầu Giấy; chùa Phúc Khánh, quận Đống Đa; chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm… vẫn còn có người đến đăng ký dâng sao giải hạn. Dù các chùa có các khóa lễ khác nhau, vào các ngày khác nhau, nhưng dường như đều có các khóa lễ như: Khóa lễ cầu an, khóa lễ giải trừ sao La Hầu, sao Kế đô, sao Thái Bạch. Bên cạnh đó, các chùa còn có các khóa lễ khác như: Lễ thượng nguyên, lễ quy y tam bảo, lễ bán khoán, chuộc khoán…, tập trung vào các ngày từ mùng 4 đến ngoài 20 tháng giêng. Hầu hết các gia đình đều chọn các khóa lễ gồm: Khóa lễ cầu an, khóa lễ sao xấu với mức giá ở các chùa cũng khác nhau: Có nơi thu chung các khóa lễ là 400.000-500.000 đồng/1 gia đình tách hộ, ngoài ra nếu lễ sao xấu các gia đình sắm thêm chút lễ nhỏ; có những nơi thu riêng: Khóa lễ cầu an từ 100.000-200.000 đồng/hộ gia đình, khóa lễ giải mỗi sao từ 100.000-200.000 đồng/người… Tùy cách chọn các khóa lễ, gia đình ít nhất cũng hết khoảng 100.000 đồng và gia đình nhiều nhất cũng khoảng 1 triệu đồng.
Với một số chùa nổi tiếng ở Hà Nội, số hộ gia đình đăng ký dâng sao giải hạn đầu năm lên đến hàng nghìn thì ở một số chùa nhỏ nằm trong khu dân cư ở Hà Nội, con số được đọc lên cũng từ vài trăm đến 1 nghìn hộ/khóa lễ. Bởi lẽ, một hộ gia đình trên địa bàn có thể đăng ký cho các hộ con, cháu, người thân ở khắp mọi nơi trong và ngoài nước. Nếu không có điều kiện thì một người có thể đại diện cho một hộ gia đình và một hộ gia đình có thể đại diện cho nhiều hộ gia đình dự khóa lễ.
“Chạy xô” nhiều khóa lễ
Không chỉ tham gia lễ ở chùa, nhiều người ở các tỉnh/thành phố khác còn “chạy xô” nhiều khóa lễ ở điện của thầy cúng hay mời thầy về lễ tại nhà riêng. Những khóa lễ này có chi phí “nặng” hơn do gia chủ phải tự sắm lễ riêng hay chỉ một vài chục hộ sắm và lo chung một khóa lễ.
Bà Phạm Ngọc Hương ở phường Vân Giang, Tp.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình đã hàng chục năm theo đuổi các khóa lễ như trên cho biết: Nếu năm nào thầy bận hoặc có lý do nào đó mà không tổ chức khóa lễ ở nhà riêng được thì bà vẫn không cảm thấy yên tâm vì dẫu sao lễ ở nhà, gia chủ được tự mua sắm đồ lễ (theo hướng dẫn của thầy) và thầy lễ chỉn chu hơn, các đồ vàng mã cung tiến được nhiều hơn và còn làm được cả mâm cơm canh mời gia tiên nội, ngoại. Vì thế, theo bà Hương, càng tham gia được nhiều khóa lễ càng tốt.
Mỗi khóa lễ ở tại điện của thầy cúng hay tại nhà riêng cũng lên tới vài triệu đồng.
Mỗi nơi hành lễ một kiểu
Cùng là lễ dâng sao giải hạn nhưng mỗi nơi làm mỗi khác. Anh Đinh Văn Trọng, quận Thanh Xuân, Hà Nội rất ngạc nhiên khi năm trước gia đình anh lễ dâng sao giải hạn ở một chùa là dâng các hình nộm (hình nhân thế mạng) cho người có sao xấu chiếu mạng và có phần cắt sao giải hạn của các hộ gia đình nhưng năm nay gia đình anh làm lễ ở một chùa khác thì lại không có phần đó. Vì thế, anh cũng khá băn khoăn và vẫn mong muốn một khóa lễ đầy đủ hơn. Nhưng làm thế nào cho đúng thì bản thân anh cũng không biết. Khi được hỏi trước khi đăng ký khóa lễ, anh có tìm hiểu không thì anh trả lời rằng anh không quan tâm lắm mà chỉ thấy mọi người làm thế nào thì anh làm như thế mà thôi.
Đây không chỉ là băn khoăn của riêng anh Trọng mà còn của rất nhiều người. Bởi lẽ, khi được hỏi thì rất ít người hiểu thấu đáo nguồn gốc, ý nghĩa của việc dâng sao giải hạn mà phần đa là làm theo kiểu “rỉ tai”, theo phong trào, theo hiệu ứng đám đông.
Nên hiểu thế nào cho đúng?
Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam, giáo lý nhà Phật không răn dạy “dâng sao giải hạn” mà thực chất hoạt động này bắt nguồn từ đạo giáo của Trung Quốc. Theo đạo giáo thì con người và tự nhiên là một thể thống nhất, từ đó hình thành nên bản mệnh và ngôi sao chiếu mệnh. Mỗi năm, mỗi người lại gặp sao tốt hoặc sao xấu. Nếu gặp sao xấu thì giải trừ những điều xấu để được yên tâm. Nhưng, tuyệt đối không nên tin một cách thái quá.
Cũng theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, tôn giáo tín ngưỡng là một lĩnh vực khoa học, cần có tri thức, nghiên cứu đầy đủ và tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được bản chất, khoa học, tránh bị lợi dụng dẫn đến những hành vi xấu, mù quáng, cực đoan. Khổng Tử có một câu rằng: “Với quỷ thần thì kính nhi viễn chi” (kính trọng Thần nhưng đứng ở xa để không bị tư tưởng cực đoan chi phối”. Vì thế, các nhà quản lý cần có biện pháp chấn chỉnh lại các hoạt động này. Khi người dân hiểu và nhận thức đúng thì sẽ hành xử đúng.
Lý giải vấn đề này, sư thầy Thích Thái Minh, trụ trì chùa Già Lê, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho rằng hiện nhiều người đến lễ chùa như kiểu “có bệnh thì vái tứ phương”, chữa bệnh bằng tâm, tìm đến sự bình an, thanh thản. Nhưng đã là nghiệp thì khó tránh. Nếu tâm an thì trạch an, tâm bình thì thế giới bình. Vì thế, để có được sự bình an, mỗi người nên sống tốt, sống lương thiện, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ và có mối quan hệ ứng xử tốt với mọi người xung quanh. Đó cũng là luật nhân - quả trong Phật giáo.