pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đằng sau kỹ thuật theo dõi chuyến bay của Elon Musk và các “VIP” của cậu bé tuổi teen
Từ cuối năm ngoái, một tài khoản Twitter đã gây sự chú ý toàn cầu khi công khai các thông tin chuyến bay của tỷ phú giàu nhất thế giới - Elon Musk. Người đứng sau tài khoản và cả hoạt động theo dõi công khai này là Jack Sweeney, một sinh viên 19 tuổi.
Jack đã tạo ra một số tài khoản mạng xã hội khác để cùng chia sẻ dữ liệu chuyến bay của các đại gia công nghệ hàng đầu ngoài Elon Musk. Trong số đó có Jeff Bezos và Bill Gates. "Nạn nhân" của cậu còn gồm nhiều người nổi tiếng khác và danh sách hiện đã lên tới hơn 100 "VIP".
Sinh viên 19 tuổi này hiện đang học năm nhất ngành Công nghệ thông tin ở Đại học Central Florida. Từ tháng 6/2020, Jack đã viết chương trình thu thập dữ liệu các chuyến bay của Musk từ nguồn công khai. Cần biết, hoạt động của Jack không hề phi pháp do các dữ liệu đều được chia sẻ bởi FAA (Cục Hàng không Liên bang Mỹ).
Dù máy bay của Musk được tích hợp hệ thống LADD (Hệ thống Hạn chế Hiển thị Thông tin Hàng không), Jack vẫn có thể thu thập dữ liệu từ các bộ tiếp sóng trên phi cơ do ADS-B Exchange cung cấp.
Nói một cách dễ hiểu, Jack chỉ làm công việc thu thập thông tin có sẵn để chia sẻ với mọi người. "Hệ sinh thái" theo dõi người nổi tiếng của cậu hiện có đến vài trăm nghìn người quan tâm chú ý.
Do việc theo dõi của Jack không hề phạm pháp, Musk không thể làm gì để ngăn cậu ngoài việc đề nghị trả 5.000 USD (117 triệu) cho mình được yên, nhưng tất nhiên là Jack từ chối.
Cách theo dõi dữ liệu các chuyến bay trên thế giới
Phương pháp sử dụng dữ liệu từ ADS-B Exchange của Jack không phải là duy nhất để đạt được mục đích tương tự. Trên thực tế, có rất nhiều trang web công khai cung cấp dữ liệu chi tiết về độ cao, vận tốc, vị trí, hành trình, số hiệu máy bay... của các chuyến bay trên toàn cầu, không chỉ của máy bay dân dụng mà cả máy bay quân sự.
Trên thực tế, việc theo dõi chuyến bay của các VIP hoặc dân thường đã là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục và có nhiều ứng dụng thực tiễn chứ không chỉ để cho vui.
Lấy ví dụ, người ta có thể biết được việc lạm dụng máy bay tư hoặc công sai mục đích; hiểu hơn về động thái và hoạt động kinh doanh của các giám đốc doanh nghiệp; thậm chí là phân tích tai nạn hàng không...
Trước khi có các hệ thống theo dõi điện tử, cách truyền thống phổ biến là đi xem trực tiếp tại các sân bay. Những "mọt máy bay" sẽ đến các sân bay, mang theo ống nhòm và sổ ghi chép rồi theo dõi từng chuyến bay đến và đi.
Ở mỗi chiếc máy bay đều có một chuỗi chữ số định danh, gồm các chữ cái xác định quốc gia mà nó được đăng ký. Chuỗi số định danh cho bản thân máy bay thì được sơn ở phần đuôi, cao ít nhất 30cm. Ngoài ra, máy bay quân sự cũng sử dụng một hệ thống ký hiệu khác với máy bay dân dụng.
Một khi đã biết được danh tính của máy bay, có 2 cách chính để xác định vị trí của nó, một là qua hệ thống radar sơ cấp, thu thập tín hiệu radio mà máy bay phản xạ lại để tính toán vị trí gần đúng của nó.
Cách khác là qua hệ thống radar giám sát thứ cấp. Khi đó, thông tin truyền lại từ máy bay sẽ chứa định danh (mã ICAO - Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế), và độ cao, nhưng không chứa vị trí chính xác. Việc tính toán vị trí chính xác phải dựa vào nhiều lần gửi dữ liệu ở các thời điểm khác nhau, gọi là MLAT hay giám sát đa điểm.
Dữ liệu radar được thu thập bởi chính phủ và có thể công khai.
Với Jack, cậu sử dụng một phương pháp mới là ADS-B, một hệ thống theo dõi mới đang dần được áp dụng trên toàn thế giới cho phép tần số, độ chính xác và phạm vi bao phủ lớn hơn nhiều, với chi phí thấp hơn. Nó được gọi là ADS-B do viết tắt cụm Hệ thống Phát sóng-Giám sát Tự động Phụ thuộc trong tiếng Anh.
Với ADS-B, thiết bị trên máy bay xác định vị trí của máy bay thông qua định vị vệ tinh và cứ sau nửa giây sẽ truyền thông tin GPS đó, cùng với dữ liệu bao gồm độ cao, tốc độ và hướng đi, và cả với mã nhận dạng. Việc cất cánh hoặc hạ cánh có thể được suy ra dựa trên tốc độ, độ cao và vị trí.
Yếu tố đột phá của ADS-B là các tín hiệu có thể được thu nhận bằng thiết bị có giá chỉ 100 USD (rẻ hơn nhiều so với thiết bị radar). Các tín hiệu không được mã hóa, được truyền ở tần số 1090 MHz, có thể được nhận trong bán kính khoảng hơn 300km.
Hiện có hàng chục nghìn máy thu này đang tồn tại, chủ yếu được vận hành bởi những người đam mê hàng không nghiệp dư, rồi họ gửi lại tín hiệu cho các dịch vụ theo dõi thương mại và phi lợi nhuận, đôi khi với mức thù lao khiêm tốn.
Bằng cách hợp nhất các điểm dữ liệu riêng lẻ trên toàn cầu, một bản ghi theo dõi toàn diện có thể được tạo ra.
Tất nhiên, hạn chế là ở chỗ không ai lắp đặt các thiết bị thu sóng này - như trên sa mạc, vùng địa cực, những nơi quá hẻo lánh...
Một điểm đột phá nữa của ADS-B là nó hoạt động độc lập với dữ liệu được thu thập bởi các chính phủ và do đó không cần tuân theo các yêu cầu bảo mật.
Hiện tại, có rất nhiều website mà những người đam mê hàng không có thể sử dụng để theo dõi, một số cái tên nổi bật bao gồm ADS-B Exchange, IcarusFlight, FlightAware, Flightradar24...
Nguồn: Tổng hợp