Đằng sau sự nhỏ bé, buồn tẻ mà đắt đỏ của Brunei

02/09/2015 - 14:56
Khi biết tôi chuẩn bị đi du lịch Brunei, cô bạn là dân “phượt” chính hiệu buông ngay câu: 'Brunei thì có gì mà chơi. Nhỏ bé, buồn tẻ mà lại đắt đỏ!'. Hơi thất vọng nhưng tôi vẫn xách balô lên đường.
Vắng vẻ, sạch sẽ và ít người
Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi khi đặt chân đến đất nước này. Không phải "rồng rắn" xếp đến mấy hàng dài, sân bay Bandar Seri Begawan khá vắng vẻ nên chúng tôi nhanh chóng làm xong thủ tục nhập cảnh, bắt xe buýt về trung tâm thành phố.
Trên bản đồ, diện tích của Brunei là 5.765km2, dân số chưa đến 1 triệu người. Có lẽ, Brunei là một trong số những quốc gia nhỏ và ít dân nhất trên thế giới. Tuy nhiên do có trữ lượng dầu mỏ và khí tự nhiên dồi đào, đây lại là một trong những quốc gia giàu nhất trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Brunei năm 2012 là gần 50.000 USD, cao thứ 5 thế giới.
Tại Brunei, chính phủ cung cấp mọi dịch vụ y tế, giáo dục và nhà ở. Trên đường phố, lượng người và phương tiện đổ ra đường rất ít. Phương tiện lưu thông trên đường chủ yếu là ô tô. Xe máy và xe đạp thi thoảng lắm mới bắt gặp, phần lớn là dòng xe thể thao. Đi lại tại Brunei thật sự ấn tượng. Mỗi lần sang đường, bạn chỉ cần đi đúng vạch dành cho người đi bộ, lái xe sẽ lập tức cho xe chạy chậm và dừng hẳn nhường đường cho người đi bộ. Bạn không cần phải nhìn trước, ngó sau để ý xe cộ mà thật sự an tâm, nhìn về phía trước mà bước tới.
Có lẽ đối với nhiều người, Brunei chắc chắn không phải là địa điểm thăm quan du lịch hấp dẫn bởi đất nước này có ít điểm chơi, mua sắm lại đắt đỏ. Tuy nhiên, nếu chưa đến Brunei, tại sao không thử ghé chơi một lần, khám phá cuộc sống và cảnh quan nơi đây. 2 ngày, 1 đêm là tour du lịch được nhiều công ty lữ hành trong nước giới thiệu khi tôi vào mạng tìm hiểu các thông tin liên quan đến du lịch Brunei để lên lịch trình cho chuyến đi “phượt” tự túc của mình.
Chi phí sinh hoạt, đi lại đắt đỏ tại Brunei là điều chúng tôi phải tính toán. Nếu đi xe buýt, bạn chỉ phải trả 1 đô la Brunei (.000 đồng) từ sân bay về trung tâm thành phố, còn đi taxi thì mức chi phí cao hơn gấp 20 - 30 lần. Vì vậy, xe buýt là phương tiện tối ưu cho việc di chuyển tại Brunei. Đi tới bất kỳ đâu ở thủ đô Bandar Seri Begawan, bạn chỉ mất 1 BND cho mỗi lần lên/xuống xe buýt. Các điểm dừng đỗ xe buýt được bố trí rất thuận lợi, gần điểm thăm quan, trung tâm thương mại nên cũng thật thuận tiện cho việc di chuyển. Thậm chí, có những lúc đoàn 18 người của chúng tôi chiếm trọn chiếc xe buýt 24 chỗ ngồi, mọi người vui vẻ cười đùa: “Cứ như xe đoàn đi thuê vậy!”.
Miền đất của những kỷ lục
Diện tích nhỏ bé, thế nhưng Brunei khiến bạn phải ngỡ ngàng khi sở hữu nhiều thứ lớn nhất: Đó là cung điện Hoàng gia Istana Nurul Iman (theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “Cung điện ánh sáng của các vị thánh”) nằm ở trung tâm Bandar Seri Begawan lớn nhất thế giới. Đây là nơi ở của Quốc vương, có tới 1.788 phòng và 1 phòng tiệc có thể chứa 4.000 khách, 1 phòng ăn tới 500 người. Cung điện chỉ mở cửa cho khách thăm vào dịp Tết Hồi giáo - Hari Raya (tháng 7 hàng năm). Do không đi đúng thời điểm, chúng tôi chỉ được chiêm ngưỡng cung điện từ xa và chụp ảnh lưu niệm ở cổng chính.

Làng nổi Kampong Ayer được 'xếp hạng' là ngôi làng trên sông nước lớn nhất thế giới  

Làng nổi Kampong Ayer được “xếp hạng” là ngôi làng trên sông nước lớn nhất thế giới với lịch sử hơn 600 năm. Có đến 10% dân số Brunei sống tại ngôi làng nổi này. Trong quần thể làng nổi thậm chí có cả trường học, bệnh viện, nhà thờ, đồn cảnh sát, nhà hàng… Đặc biệt, đến Brunei bạn đừng quên ghé thăm thánh đường Hồi giáo Jame Assr Hassanil Bolikah. Đây còn là thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á với chóp vàng rực rỡ được dát bằng 5 tấn vàng ròng. Thánh đường được xây hoàn toàn bằng gạch nhập từ châu Âu, bên trong trải thảm Ả Rập, tường sơn dát vàng khắp nơi, đến cả hệ thống đèn chùm chiếu sáng bằng pha lê cũng được dát vàng. Độ hoành tráng và những hoa văn trạm trổ tinh xảo được dát trên những bức tường, cột trụ phía bên ngoài thánh đường khiến chúng tôi ngẩn ngơ ngắm mãi không thôi.

Có đến 10% dân số Brunei sống tại ngôi làng nổi này 

Có lẽ với nhiều người, Brunei không phải điểm du lịch hấp dẫn khi có nhiều điều cấm kị: Không bia rượu, không quán bar, không nhiều điểm giải trí... Nhưng sự yên bình, cuộc sống dường như trôi thật chậm, con người thân thiện không bon chen khiến tôi thực sự có cảm tình với đất nước này. Vậy nên quãng thời gian ở đây, tôi thấy tâm hồn thật thư thái, nhẹ nhàng.

* Hiện nay cách duy nhất cho những ai muốn bay đến Brunei từ Việt Nam là phải bay qua Kuala Lumpur (Malaysia) hay Singapore rồi nối chuyến bay đi tiếp. Brunei nằm trong khối ASEAN nên công dân Việt Nam và Brunei được miễn visa nhập cảnh với thời hạn 14 ngày. Chi phí cho chuyến đi 2 ngày 2 đêm ở đây vào khoảng 150 đến 200 USD.
* Là đất nước Hồi giáo nên việc bán và tiêu thụ rượu ở đây bị cấm. Khách nước ngoài và những người không phải là tín đồ Hồi giáo được phép mang vào 12 lon bia và 2 lít rượu cho mỗi lần nhập cảnh.
* Khi vào thăm nhà thờ Hồi giáo, bạn phải bỏ giày, dép phía ngoài, rửa chân tay, lau  mặt, tránh đi trước mặt những tín đồ trong lúc họ đang cầu nguyện hoặc đụng chạm vào sách Kinh Koran. Nếu là phụ nữ phải dùng khăn che đầu, không để lộ đầu gối và cánh tay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm