Đạo diễn ‘Lửa Thiện Nhân’ suýt chết khi làm phim ‘Đáng sống’

30/11/2016 - 11:43
'Nếu không có phúc có phần thì tôi và anh em không còn đứng đây nữa, có thể đã mất mấy mạng. Tôi đã mua bảo hiểm cho 11 anh em trong đoàn, nói rõ là rất nguy hiểm, ai thích thì theo tôi làm phim, không thì thôi', đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ.
nguyen-ngoc-trieu_mot-con-duong.jpg
Cảnh trong phim 'Một con đường' 

Sau bộ phim tài liệu gây tiếng vang Lửa Thiện Nhân, đạo diễn Đặng Hồng Giang lại tiếp tục cho ra mắt khán giả chùm phim Đáng sống. Đây là chùm phim tài liệu gồm 3 bộ phim ngắn: Mầm sống, Đáng sống Một con đường. Phim đang được chiếu tại hệ thống rạp của BHD Cineplex và rạp Tháng Tám (Hà Nội). Đây là một trong rất hiếm phim tài liệu lọt được vào kênh phát hành phim bán vé của Việt Nam.

Trong bộ phim Một con đường, khán giả được chứng kiến những thước hình… thót tim. Những người dân ở vùng quê nghèo Quảng Trị hễ thấy bom mìn là… mừng, bởi họ sống nhờ vào việc thu gom bom mìn, những mảnh đạn, phế liệu của chiến tranh. Họ đối mặt với cái chết để kiếm mấy chục nghìn tiền phế liệu; có nhà mất đi cả 3 người con trai tráng, có xã hàng trăm người chết… Và có một người đàn ông tên Nguyễn Ngọc Triệu ngày ngày vẫn đi miệt mài với “con đường chết” ấy, nhưng là để tìm ra cho con của mình “con đường sống” khác là quyết tâm học hành để đi xa…

Để quay một bộ phim trên mảnh đất đầy rẫy bom mìn, đạo diễn Đặng Hồng Giang cùng ê kíp của mình đã trải qua những phen thót tim. Trước khi thực hiện bộ phim, anh đã nghĩ ngay đến chuyện mua bảo hiểm cho tất cả 11 anh em trong đoàn và nói rõ: "Chính sách bảo hiểm đây, các bạn đọc đi, què cụt đền bao nhiêu, chết đền bao nhiêu...".

"Tôi nói với anh em, có thể sẽ gặp nguy hiểm, ai thích thì theo tôi làm phim. Vậy mà cả 11 anh em đều sẵn sàng, không ai từ chối", đạo diễn Đặng Hồng Giang kể, "Nhưng quả thực, cũng không ai ngờ rằng lại phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đến thế. Thậm chí, có lúc mọi người tưởng không thoát khỏi nanh vuốt Tử thần".

dang-hong-giang.jpg
 Đạo diễn Đặng Hồng Giang

Đó là khi thực hiện phân đoạn ngắn về một người dân nói về bom bi - loại bom cực kỳ dễ phát nổ, nhẹ thì tàn phế, nặng thì chết người. Cảnh đó quay ở gần một mương nước có rất nhiều bom bi. Anh cùng 2 đồng nghiệp xuống hố đầy bom bi trước, rồi bảo cậu thanh niên bản địa tên Lợi cùng đến để nói về những quả bom bi. Khi Lợi chống cái mai đào đất để đu người xuống đoạn mương thì bất ngờ đất bị lở, cả mai lẫn người bị văng ra đến gần sát vùng bom bi lổn nhổn.

'Chỉ khoảng 5-7cm nữa là cậu ấy nằm trọn lên mấy quả bom bi. Ở Hà Nam quê tôi ngày trước rất nhiều người đi cuốc lạc gặp bom bi nổ mà chết, nên tôi hiểu rất rõ sự nguy hiểm của loại bom này. Khi đất bị sụp, anh em trên bờ thấy ánh sáng, âm thanh chạy tóe ra, còn chúng tôi ở dưới hố đấy rồi chạy đi đâu được nữa. Một lúc sau, 3 người đứng nhìn nhau dưới hố, thở phào: Ồ, mình chưa chết”, đạo diễn Đặng Hồng Giang kể.

Anh nói thêm: 'Nếu như không có phúc có phần thì tôi và anh em hôm nay không còn đứng ở đây, không còn 'Một con đường' ở đây nữa, ít nhất là mất mấy mạng'. Anh chia sẻ, nếu có có xảy ra chuyện gì thì cũng đành phải chịu, ai có nói mình ngu dại liều lĩnh cũng phải nghe vì đó là con đường mình chọn: 'Để làm cho nên chuyện, đôi khi cũng phải liều một chút'.

Đặng Hồng Giang cho biết, không chỉ anh mà chính nhân vật của anh thật thà chất phác, có phúc có phần nên anh được 'ăn theo'. Ông Nguyễn Ngọc Triệu, nhân vật chính trong bộ phim Một con đường là một ví dụ. Từ lần đầu tiên gặp ông Triệu, anh đã ấn tượng bởi sự hồn nhiên của ông. Anh quyết định chọn ông Triệu làm 'sợi chỉ' kết nối mạch phim của mình, dù ông nói cà lăm - điều mà chưa một đạo diễn phim tài liệu nào làm. Nhưng không ngờ, quyết định của anh đã mang lại cho anh nhiều hơn mình mong đợi.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang quay Một con đường từ tháng 11/2012 và tư liệu đã tương đối ổn từ thời điểm đó. Nhưng anh nhất quyết chưa đóng máy, mà chờ đến năm 2014, khi con trai của ông Nguyễn Ngọc Triệu tốt nghiệp đại học. Nhiều người bảo anh cầu kỳ, dựng một lễ tốt nghiệp có gì là khó khăn, nhưng anh vẫn đợi.

Mục đích của Đặng Hồng Giang là có hình ảnh một cử nhân ở phần kết phim là đủ. Nhưng phúc phần mà anh được 'ăn theo' như lời anh nói là chàng sinh viên ấy lại tốt nghiệp loại xuất sắc, là 1 trong 7 sinh viên đứng đầu trường, vượt hơn cả sự mong đợi của đạo diễn.

Đạo diễn Đặng Hồng Giang kể thêm, khi cùng ông Triệu vào Sài Gòn dự lễ tốt nghiệp của con trai ông, đoàn làm phim cùng ông Triệu thuê khách sạn ở gần chỗ con trai ông ở. Vì nhớ con, ông cứ đòi đến gặp cậu bé trước. Trong buổi tối hôm ấy, ít nhất có đến 3 lần Đặng Hồng Giang phải… chắp tay xin ông Triệu cố gắng đến sáng mai hãy gặp con để anh ghi hình.

"Những cảm xúc đầu tiên mà cha con cả mấy tháng chưa gặp nhau hội ngộ trong lễ tốt nghiệp vô cùng quan trọng", anh nói. Tuy nhiên, khi ghi hình cảnh cha con chạy lại ôm nhau, quay phim bị out nét, động tác nhanh quá máy không theo kịp khoảnh khắc quan trọng này. Đặng Hồng Giang đã cho dựng lại chỉn chu hơn, nhưng khi dựng phim, anh vẫn quyết định lấy đoạn out nét dù về mặt chuyên môn là hỏng. “Ai bảo dở thì tôi chấp nhận, nhưng tôi lấy được cảm xúc thật nhất”, anh chia sẻ.

kim-dung-phim-mam-song.jpg
 Cảnh trong phim "Mầm sống"

Cùng với Một con đường, hai bộ phim khác trong chùm phim của đạo diễn Đặng Hồng Giang là Mầm sống Đáng sống cũng mang lại cho khán giả rất nhiều cảm xúc, chiêm nghiệm. Phim Mầm sống với nhân vật trung tâm là chị Hoàng Thị Kim Dung, tiến sĩ, giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, người quyết tâm sinh con từ tinh trùng của người chồng chết đột ngột vì tai nạn tàu hỏa. Với sự giúp đỡ của bác sĩ Lê Vương Vệ, chị lưu giữ lại tinh trùng của người chồng rồi 3 năm sau đó, sinh được 2 bé trai kháu khỉnh, thỏa tâm nguyện của người đã khuất “Vợ chồng mình phải có ít nhất 2 đứa con”. Bác sĩ Vệ đã quyết định “xé rào thủ tục” để làm một việc chưa từng có từ trước tới nay. Để rồi, Mầm sống không chỉ là câu chuyện tình yêu được lưu giữ qua nhiều thế hệ mà còn đánh dấu một mốc quan trọng của y học.

Phim Đáng sống kể về anh Tăng A Pẩu ở TPHCM, người mắc phải căn bệnh ung thư hiểm nghèo và có một giải pháp đầy rủi ro là phẫu thuật với cơ hội sống chỉ 10% nếu ca mổ thành công. Anh đã không từ bỏ cơ hội sống mong manh đó và cuộc đời anh đã chuyển hướng sau phẫu thuật. Từ một người làm kinh doanh, anh đam mê với rừng xanh, với việc vác máy ảnh đi chụp những con chim. Đến nay, anh đã chụp được hơn 500 loài chim trong số khoảng 840 loài chim ở Việt Nam, trong đó có những bức ảnh độc đáo, chưa ai từng thực hiện được trên thế giới. Bộ phim về Tăng A Pẩu khiến người xem chạm được niềm vui, sự tự hào khi anh kể về công việc lạ kỳ mà mình đã chọn. Lát cắt về cuộc đời anh không chỉ là câu chuyện về cách ứng xử với cuộc sống của mình, đó còn là cách đối mặt với thử thách đặt ra.

* Xem trailer chùm phim "Đáng sống":

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm