Đạo diễn Trần Lực 'từng là ông bố rượu bia'

10/05/2016 - 08:50
Trong buổi khai mạc lễ phát động cuộc thi ảnh “Các ông bố Việt Nam”, đạo diễn - diễn viên điện ảnh Trần Lực trong vai trò giám khảo đã có những chia sẻ thú vị về câu chuyện làm cha của mình.
“Trước tôi cũng từng là ông bố rượu bia. Như khá nhiều đàn ông khác, tôi thích vui vẻ ở bên ngoài, cũng thích uống bia, sự khéo tay không có. Ban đầu khi làm việc nhà, chăm con thì tôi có lúng túng, làm bẩn thỉu, rơi vãi mọi thứ quanh nhà. Nhưng rồi khi chơi với con, tôi thấy con vui, vợ cũng rất vui.  

Giờ đây, những việc tôi thường làm ở nhà là quấy bột cho, cho con ăn. Trung bình một ngày, tôi thường bỏ ra khoảng 2 đến 3 giờ để chơi với chúng. Ví dụ, buổi sáng, tôi chơi với con được khoảng 45 phút, đó là thời gian để đánh thức 2 bé Bông, Bờm thức dậy, giúp chúng rửa mặt, đánh răng, ăn sáng, mặc quần áo rồi đưa chúng đi học. Với cậu Bách thì sướng nhất, còn nhỏ, chưa phải đi học mẫu giáo nên được chơi với bố nhiều nhất. Đến buổi tối, khi các cháu học xong một cái là bố con lại tiếp tục chơi cùng với nhau”.
Khi hỏi về bí quyết làm cha, Trần Lực cho biết: “Để làm cha, tôi nghĩ không chỉ từ bản năng mà là phải học. Tôi đã học những bí quyết, kinh nghiệm, kiến thức từ những người đi trước, học từ sách vở. Nhưng trên hết vẫn là phải yêu con, yêu gia đình, phải để tâm đến chúng, chú ý đến chúng thì sẽ làm được”.
Còn về kinh nghiệm để làm bạn với con, theo anh: “Làm bạn với con thực sự không mất nhiều thời gian. Khi chơi với chúng là phải thật lòng, phải sống thật thì sẽ tạo ra được mối quan hệ bạn bè. Khi chơi với con, tôi không thể áp những suy nghĩ, kiến thức, mong muốn của mình, cuộc sống của mình vào con cái. Chơi với chúng nó, tôi đã biết cách hòa mình vào thế giới trẻ thơ của con, là những câu chuyện cổ tích, những nhân vật như Tôm và Jerry, con mèo Oggy, con chó… trong những phim hoạt hình, để nghe chúng kể chuyện cho tôi".
Đạo diễn Trần Lực (trái): "Một cái khó khác nữa là có những câu hỏi, những vấn đề mình biết rồi nhưng với trẻ, chúng sẽ cảm thấy rất mới, khó, chúng sẽ hỏi suốt. Những ông bố không yêu con nhiều, không kiên nhẫn thì sẽ không thể hiểu và chịu đựng được. Tôi đã phải kiên trì, tìm cách giải thích theo kiểu trẻ thơ cho chúng hiểu”.
Chơi với con, anh đã "được" rất nhiều: “Khi chăm con, từ bé 3 đến 4 tuổi rồi 10 tuổi và thậm chí là con đã lớn đến 20-30 tuổi thì với mỗi đứa, tôi đều được quay về tuổi thơ, tuổi trẻ của mình. Ví dụ, như cậu cả nhà tôi, đã trên 20 tuổi rồi, khi chia sẻ cùng con, tôi có cảm giác như mình được quay về với đúng tuổi của cậu ấy. Điều này không chỉ tốt cho con mà còn ngược lại, nó tốt cả cho mình. Mình chăm sóc con thì con cũng giúp mình được trẻ lại và mình sẽ yêu cuộc sống".
Trần Lực vui vẻ bên con trai trong hành trình "Bố ơi, mình đi đâu thế?".
Trước câu hỏi: “Anh nghĩ gì về những ông bố chăm con?”, Trần Lực cho biết: “Những người chồng cần phải hỗ trợ vợ mình. Thật ra, để hỗ trợ được hay không thì nó phải xuất phát từ trái tim. Người đàn ông yêu thương gia đình, vợ con thật lòng thì chuyện giúp vợ, chăm con sẽ trở thành bình thường, đương nhiên, không có gì là xấu, khó, thậm chí còn là rất đẹp, còn giúp cho đàn ông có hình ảnh chỉn chu, tốt, một hình ảnh rất đẹp. Những ông bố chăm con như tôi giờ cũng đã có nhiều. Những người chưa làm được có lẽ là vì cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, áp lực”

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm