Đào tạo một đằng, sử dụng một nẻo
Nói về tình trạng thê thảm của tuyển sinh ngành sư phạm, đặc biệt trong hai năm qua, GS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, các trường hiện chưa làm tốt việc đào tạo gắn với sử dụng, do đó tạo nên sự dư thừa nguồn nhân lực lớn trong ngành. Việc quy hoạch các trường dù đã tiên lượng được hậu quả, nhưng vẫn chưa đưa ra được giải pháp khả thi.
GS Minh cho hay, chất lượng đào tạo sư phạm quyết định sự thành bại của đổi mới, trong đó phụ thuộc vào chất lượng đầu vào; chương trình đào tạo và cách thức đào tạo; cơ sở vật chất; đội ngũ giảng viên. Nếu không đủ điều kiện đảm bảo đó, chúng ta rất khó có thầy giỏi.
“Ba yếu tố khiến học sinh giỏi ít mặn mà với sư phạm là việc làm, thu nhập, tôn vinh và cơ hội thăng tiến. Dựa trên những vấn đề này, Bộ GD&ĐT cần đưa ra luận cứ, thời gian, kế hoạch, cơ sở để trình Chính phủ công tác quy hoạch, nhằm thay đổi kịp thời cho các trường sư phạm” – ông đề xuất.
GS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh, việc này cần sự vào cuộc của Chính phủ, bởi một mình Bộ GD&ĐT không làm được vì có trường thuộc bộ quản lý, có trường trực thuộc tỉnh. Việc quy hoạch liên quan sự sắp xếp biên chế các đơn vị, nên cần có sự triển khai thống nhất giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ. Đồng thời, trên cơ sở sáp nhập lại quy hoạch, Bộ Tài chính cần có chiến lược đầu tư cụ thể để tạo ra các phân khúc đột phá trong phát triển đào tạo sư phạm.
Cứu cánh nào cho khối trường sư phạm?
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), cho rằng: Việc quy hoạch mạng lưới trường sư phạm phải liên quan đến việc đào tạo giáo viên như thế nào. Thế giới hiện có hai cách đào tạo giáo viên, đặc biệt là giáo viên THPT.
Thứ nhất là đào tạo song song giống các trường sư phạm đơn ngành ở Việt Nam hiện nay. Với mô hình này, từ năm nhất đến năm thứ tư, sinh viên sẽ được đào tạo song song nghiệp vụ sư phạm và chuyên môn. Điều này khiến sinh viên khi ra trường rất chắc về nghiệp vụ, nhưng chuyên môn sẽ không sâu.
Mô hình thứ hai được thế giới sử dụng nhiều là đào tạo giáo viên theo kiểu nối tiếp, 2-3 năm đầu sẽ đào tạo chuyên môn như Toán, Lý, Hóa; 1-2 năm cuối mới đi vào nghiệp vụ sư phạm. Mô hình này thường được dùng ở các đại học đa lĩnh vực (university), đại học tổng hợp - những trường mạnh về khoa học cơ bản như Đại học Tổng hợp của Việt Nam ngày trước và Đại học Quốc gia bây giờ.
“Khi đó, sinh viên ngành Sư phạm Vật lý sẽ được học cùng bạn ngành Vật lý của trường tổng hợp. Nhờ đó, chuyên môn của các em sẽ rất sâu. Khi ra trường, dù còn chưa thạo về nghiệp vụ do được đào tạo ít thời gian hơn ở trường sư phạm đơn ngành, nhưng dần dần các em sẽ thành giáo viên giỏi nhờ nền tảng chuyên môn vững”, ông Thiệp nói.
GS Thiệp đề xuất, các trường sư phạm ở Việt Nam nên phát triển thành đại học đa lĩnh vực và đào tạo theo mô hình nối tiếp này. Việc biến trường sư phạm đơn ngành thành đại học đa lĩnh vực cũng sẽ giúp trường linh hoạt hơn trong tuyển sinh. Với các trường đa lĩnh vực, khi nhu cầu giáo viên thấp, họ tuyển ít sinh viên ngành sư phạm đi và chuyển chỉ tiêu cho những ngành cần nhân lực hơn.
“Thực tế của ta là với trường sư phạm, khi nhu cầu thị trường ít, họ sẽ gặp khó trong tuyển sinh. Để tồn tại, các trường hạ chuẩn đầu vào dẫn đến chất lượng sinh viên rất thấp, làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của giáo dục. Không thể vì sự tồn tại của một trường mà hy sinh mục tiêu lâu dài, khiến nhiều cử nhân thất nghiệp” – GS Lâm Quang Thiệp nêu quan điểm.
Một đề xuất khác được TS Lê Viết Khuyến - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng đưa ra đáng để suy nghĩ, đó là muốn nâng cấp trình độ giáo viên ở các bậc học dưới THPT, cần nâng cấp trường cao đẳng lên thành đại học sư phạm.
Chuyện này thậm chí dễ dàng hơn nhiều so với việc giải tán các trường cao đẳng và là việc nên làm để phát triển giáo dục. Song song với điều này, thay vì để đại học sư phạm tập trung đào tạo cử nhân sư phạm, cần giảm chỉ tiêu đại học, đó mới là cách quy hoạch hợp lý...