pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đau bụng khi mang thai, nguyên nhân do đâu?
Để xác định được mức độ nguy hiểm của tình trạng đau bụng khi mang thai tháng thứ 1 hoặc các tháng sau, mẹ bầu phải nắm rõ được tính chất, mức độ đau như thế nào và nguyên nhân do đâu. Khi có các triệu chứng đau mẹ nên đi viện để được theo dõi và đảm bảo thai nhi được an toàn nhất.
1. Nguyên nhân đau bụng khi mang thai
Đau dây chằng tròn: Đây là bộ phận mang chức năng nâng đỡ tử cung, giữ tử cung ở tư thế gập trước. Khi có thai, tử cung to ra đồng thời cũng kéo giãn dây chằng tròn gây cảm giác đau.
Táo bón và sinh khí trong đường tiêu hóa: Hormone Progesterone sẽ sản sinh ra nhiều hơn khi mang thai nó làm giảm trương lực cơ trơn. Chính sự tác động lên cơ trơn của đại tràng và dạ dày khiến giảm nhu động ruột, gây ứ khí, sinh hơi, táo bón.
Tử cung phát triển: Sự phát triển của tử cung gây chèn ép làm thay đổi vị trí của ruột non, dạ dày. Chính điều đó gây đau bụng, buồn nôn, khó tiêu ở phụ nữ có thai.
Cơn co thắt Braxton Hicks: Braxton Hicks là tên của một hiện tượng cơn co sinh lý ở phụ nữ mang bầu nó sẽ tự biến mất, không gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
2. Triệu chứng đau bụng khi mang thai
Đau một bên bụng ở tuần thứ 6 có thể xảy ra ở bên trái hoặc phải. Đây là dấu hiệu tiềm ẩn gây nhiều nguy hiểm cho mẹ mang thai như khối u, viêm ruột thừa cấp.
Nếu bà bầu bị đau bụng kèm theo các triệu chứng sau đây, mẹ nên tới gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán chính xác nhất tình trạng bệnh.
- Đau bụng kèm ra huyết âm đạo: Triệu chứng này mẹ sẽ có cảm giác đau từ vùng rốn xuống đến xương mu. Các cơn đau bụng thường là đau từng cơn hoặc đau râm râm. Cơn đau bụng khi mang thai này cực kỳ nguy hiểm tới thai nhi, rất có thể đến là dấu hiệu sảy thai trong 3 tháng đầu mẹ nên cẩn trọng.
Trường hợp đau bụng ra huyết âm đạo mẹ coi chừng đây là dấu hiệu sảy thai (Ảnh minh họa)
- Đau bụng quằn quại, liên tục kèm nôn ói, phân có máu: Biểu hiện đau bụng khi có thai này rất nguy hiểm tới sức khỏe của cả mẹ và bé. Nó có thể khiến mẹ sinh non hoặc sảy thai do co bóp mạnh ở tử cung và vùng xương chậu.
- Đau bụng kèm mệt mỏi, choáng và ngất xỉu: Các cơn đau xảy ra liên tiếp, mẹ đi ngoài nhiều hơn bình thường, ra máu, mất nước.... sẽ khiến bà bầu mệt mỏi, ngất xỉu.
Khi mẹ bầu đau bụng kèm dấu hiệu choáng, ngất mệt mỏi thì mẹ nên thận trọng (Ảnh minh họa)
3. Đau bụng khi mang thai cảnh báo điều gì?
Dọa đẻ non - đẻ non
Nếu mẹ đang phải trải qua những cơn đau bụng, tử cung có cơn co thắt thường xuyên trước thời điểm tuần mang thai thứ 37 và liên tục bị đau lưng, rất có thể mẹ có nguy cơ bị đẻ non. Khi thấy co thắt đau bụng đi kèm hoặc không đi kèm ra máu, ra nước hoặc thấy giảm cử động của thai nhi. Mẹ đừng chần chừ hãy đến bệnh viện ngay.
Thai ngoài tử cung
Trường hợp mẹ bầu không may bị thai ngoài tử cung thường thấy đau bụng một bên hố chậu khi đến kỳ kinh hoặc ra máu nâu đen ít kéo dài. Nếu không đi khám để được chẩn đoán và xử trí kịp thời có thể dẫn đến chửa ngoài tử cung vỡ nguy hiểm đến tính mạng.
Thai ngoài tử cung bà bầu thường đau bụng một bên hố chậu khi đến kỳ kinh hoặc ra máu nâu đen ít kéo dài (Ảnh minh họa)
Tiền sản giật
Tiền sản giật cũng có thể làm tăng nguy cơ bong rau thai sớm, triệu chứng mà rau thai bị bong khỏi thành tử cung trước khi đẻ. Khi tiền sản giật trở nên nghiêm trọng, nó có thể kéo theo những cơn đau liên tục ở vùng bụng, tử cung trở lên cứng như gỗ, có thể phù.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Có đến 10% số mẹ bầu bị nhiễm trùng đường tiết niệu ở một số thời điểm khi mang thai. Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn tiểu đột ngột, tiểu buốt, tiểu rát, hoặc tiểu ra máu. Đôi khi một số bệnh nhân bị nhiễm trùng đường tiết niệu sốt cao.
Bà bầu đau bụng khi mang thai 3 tháng cuối dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu (Ảnh minh họa)
Sảy thai
Nếu bị đau bụng khi mang thai tháng đầu, các mẹ hãy luôn luôn cảnh giác với nguy cơ bị sảy thai, bởi có một thực tế không mấy dễ chịu rằng có đến 15 đến 20% mẹ bầu trong trường hợp này bị sảy thai. Dấu hiệu sảy thai bao gồm ra huyết âm đạo hoặc đau bụng tương tự như khi đau bụng kinh.
Rau bong non (Bong nhau thai)
Ở một số trường hợp hiếm gặp (thường chiếm tỉ lệ 1 trên 200 ca sinh đẻ), rau thai có thể bong khỏi thành tử cung trước khi thai nhi được đẻ ra ngoài. Đây là một biến chứng nguy hiểm thường xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mẹ bầu bị đau bụng khi mang thai tháng thứ 7 về sau nhiều, dữ dội, ra huyết hồng sẽ có nguy cơ dẫn đến rau bong non, sinh non.
Hình ảnh bong nhau thai gây ra hiện tượng đau bụng khi mang thai. (Ảnh minh họa)
Sỏi mật: Trong một vài trường hợp, cơn đau ở vùng thượng vị nhần tưởng với đau dạ dày, có thể lan đến quanh vùng lưng hoặc dưới phần xương bả vai bên phải.
4. Cách khắc phục đau bụng khi mang thai ở bà bầu
Đau bụng khi có thai có thể kéo dài suốt cả thai kỳ. Tình trạng chấm dứt sớm hay muộn còn tùy thuộc vào vào sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Để khắc phục, làm giảm các cơn đau mẹ có thể thực hiện các cách sau:
Thực phẩm sạch, tốt cho bà bầu
Ăn đúng thực phẩm tốt cho bà bầu, không gây co thắt cổ tử cung là cách mẹ bầu bảo vệ con yêu tốt nhất trước nguy cơ sảy thai, dị tật bẩm sinh. Mẹ nên tìm hiểu và biết thực phẩm nào nên ăn và nên tránh.
Chế độ dinh dưỡng đủ chất
Với bà bầu, chế độ dinh dưỡng đủ các chất sắt, canxi, chất đạm, kẽm, omega3, các vitamin… rất quan trọng giúp mẹ khỏe, con phát triển tốt hạn chế những cơn đau bụng do bệnh lý gây ra.
Ăn đủ chất, thực phẩm tốt cho bà bầu sẽ giúp giảm, hạn chế các cơn đau bụng khi mang thai (Ảnh minh họa)
Vận động thường xuyên
Khi có bầu để tránh đau bụng và đặc biệt đau bụng khi mang thai tháng thứ 5 trở đi, mẹ nên vận động mỗi ngày bằng các môn thể thao nhẹ nhàng như: Đi bộ, yoga, bơi… giúp làm giảm các cơn đau, dễ đẻ, giảm căng thẳng, mệt mỏi khi mang bầu.
Uống nhiều nước
Mang thai, cơ thể mẹ cần nhiều nước hơn để các chức năng hoạt động trơn tru hơn. Mẹ nên uống nước mỗi ngày và hạn chế các loại nước có ga, gây hại cho thai nhi.
Bổ sung thực phẩm giàu canxi, kali
Kali và canxi có vai trò quan trọng cung cấp năng lượng, giúp mẹ và bé khỏe hơn. Khi mang thai, mẹ nên ăn nhiều các loại chuối, nho khô và sữa mỗi ngày.
Nghỉ ngơi
Khi có dấu hiệu đau bụng mang thai, mẹ nên nằm xuống và nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, làm việc để cơn đau giảm, an toàn cho thai nhi.
Đau bụng khi mang thai ở bất cứ tháng nào, thời điểm nào trong thai kỳ cũng dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm cho bà bầu nếu cơn đau mạnh, liên tục, ra máu… Mẹ không nên coi thường. Tốt nhất khi có dấu hiệu, mẹ hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp nếu đau bụng khi có thai là dấu hiệu bệnh, đe dọa đến sự phát triển của thai nhi.